Phiên sáng 24/5: Dòng bank trở lại, VN-Index phục hồi cuối phiên

Phiên sáng 24/5: Dòng bank trở lại, VN-Index phục hồi cuối phiên

(ĐTCK) Dòng tiền vẫn chảy mạnh và luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm lớn, đã đồng loạt trở lại, giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm sau phiên điều chỉnh chiều qua.

Dòng tiền ồ ạt chảy vào giúp thị trường có 2 phiên liên tiếp thăng hoa, đưa VN-Index vượt qua mức đỉnh 10 năm và bước vào vùng đỉnh mới 740-745 điểm. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu gặp bất lợi trong phiên hôm qua (ngày 23/5).

Áp lực bán xuất hiện khiến VN-Index đón nhận những nhịp rung lắc trong phiên sáng và chính thức điều chỉnh trong phiên chiều khi lực xả mạnh diễn ra về cuối phiên. Bên cạnh lực cầu giảm sút rõ rệt, thì áp lực bán khá dứt khoát và gia tăng về cuối phiên, đã đẩy chỉ số này nhanh chóng lao về mốc 740 điểm.

Dù vậy, thị trường vẫn chưa phát đi tín hiệu xấu bởi dòng tiền tham gia vẫn khá tích cực, thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao hơn 5.200 tỷ đồng cùng diễn biến mua ròng 170 tỷ đồng của khối ngoại.

Chính vì vậy, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo các nhịp rung lắc sẽ xuất hiện trong phiên 24/5 tại vùng hỗ trợ 740 điểm. Trong đó, SHS cho rằng, trong trường hợp xấu hơn, chỉ số có thể sẽ lấp gap trong khoảng 734-739 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng 24/5, sức ép từ các trụ cột tiếp tục khiến VN-Index giao dịch dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên, biên độ giảm không quá lớn nhờ lực cầu hấp thụ vẫn khá tích cực.

Đà giảm tiếp tục duy trì khi sang đợt khớp lệnh liên tục, khiến VN-Index nhanh chóng chia tay mốc 740 điểm.

Tại thời điểm 10h, bộ tứ trụ cột đều quay đầu đi xuống. Cụ thể, sau thời gian ngắn hồi phục nhờ thông tin giá dầu thô tăng vọt, GAS đã đảo chiều giảm, cùng giao dịch trong sắc đỏ với các mã lớn khác như VNM, MSN, VIC.

Ở nhóm cổ phiếu lớn, ROS tiếp tục giảm sâu, về mức giá thấp nhất trong hơn 4 tháng qua. Sáng nay, ROS bị kéo xuống mức sàn 124.400 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, PLX sau những phiên tăng mạnh cũng đã rớt giá với mức giảm 2,6%, tạm đứng ở mức giá 59.000 đồng/CP.

Trái lại, dòng tiền đầu cơ chảy mạnh giúp nhiều mã khởi sắc. Trong đó, FLC sau 2 phiên giảm sâu đã đảo chiều tăng 1,8%; HQC rung lắc nhẹ đầu phiên nhưng cũng nhanh chóng hồi phục với mức tăng 2,6%; cũng có diễn biến tương tự HQC, QCG đã bật ngược với mức tăng 5,1%. Ngoài ra, nhiều mã cũng khởi sắc như DXG, HAR, HHS, DLG…

Lực cầu hấp thụ mạnh và tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip giúp các mã đua nhau khởi sắc, đã kéo thị trường bật tăng về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 2,29 điểm (+0,31%) lên 743,22 điểm. Thanh khoản khá tích cực với khối lượng giao dịch đạt 125,72 triệu đơn vị, giá trị 2.946,39 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,45 triệu đơn vị, giá trị 253,92 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có tới 20 mã tăng, chỉ 9 mã giảm và 1 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng 9,51 điểm (+1,34%) lên 718,13 điểm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu vua là trụ đỡ chính của thị trường. Sau nửa thời gian phân hóa nhẹ, đồng loạt các mã họ bank đua nhau tăng mạnh, là điểm tựa chính giúp thị trường đảo chiều thành công.

Cụ thể, BID tăng 2,43%, CTG tăng 3,2%, VCB và STB cùng tăng 2,02%, đáng chú ý MBB sau phiên điều chỉnh hôm qua đã trở lại xu hướng tăng với mức tăng vượt trội 6,5%, tiến sát mức giá trần 18.750 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn cũng đảo chiều tăng hoặc nới rộng biên độ tăng như VNM tăng 0,2%, MWG tăng 5,82%, GMD tăng gần 4,1%, HSG tăng 1,6%, CII tăng 2,65%...

Trái lại, ROS vẫn diễn biến tiêu cực. Lực bán trong nước và nước ngoài diễn ra khá mạnh khiến ROS duy trì trạng thái lao dốc. Với mức giảm 6,73%, ROS tạm đứng ở mức giá 124.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 5,26 triệu đơn vị, nước ngoài bán ròng gần 1,92 triệu đơn vị.

Mặt khác, “người anh em” của ROS là FLC đảo chiều tăng 1,5%, kết phiên ở mức giá 7.360 đồng/Cp và đã chuyển nhượng thành công 9,13 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau thông tin 2 con gái của Phó tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Lại Thế Hà muốn bán hết cổ phiếu QCG cũng phần nào tác động tới diễn biến cổ phiếu này. Sau rung lắc và đảo chiều giảm ở đầu phiên, QCG đã hồi phục và tăng 4,9%, tạm đứng ở mức giá 22.450 đồng/CP.

HQC tăng ổn định trong nửa sau của phiên giao dịch với biên độ 2%, kết phiên ở mức giá 3.590 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 14,24 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trên sàn HNX, đà tăng được duy trì khá ổn định và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cổ phiếu bluechip, chỉ số sàn đã leo lên mức cao nhất khi chốt phiên.

Với mức tăng 0,76 điểm (+0,82%), HNX-Index chốt phiên tại mức 92,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,74 triệu đơn vị, giá trị 354,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,29 triệu đơn vị, giá trị 38,14 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là ACB và SHB tăng khá tốt, trong khi ACB tăng 2,45% lên mức cao nhất phiên 25.100 đồng/CP và chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị, thì SHB tăng 2,94% và khớp lệnh dẫn đầu sàn đạt 9,68 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng góp phần hỗ trợ tích cực thị trường như PVC, PVS, VCG, LAS…

Trên sàn UPCoM, diễn biến thiếu tích cực từ các cổ phiếu lớn khiến sắc xanh không còn được bảo toàn. Sau những nhịp rung lắc liên tiếp ở giữa phiên, UPCoM-Index đã chính thức quay đầu đi xuống.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,37%) xuống 57,7 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,75 triệu đơn vị, giá trị hơn 50 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt khá thấp với chỉ hơn 5 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn HVN tiếp tục giao dịch ảm đạm với mức giảm 2,2%, kết phiên ở mức giá 26.500 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 256.100 đơn vị.

Bên cạnh đó, GEX dù có chút le lói sắc xanh đầu phiên nhưng áp lực bán gia tăng khiến cổ phiếu này điều chỉnh sau 3 phiên tăng liên tiếp. Với mức giảm 1,3%, GEX lùi về mức giá thấp nhất phiên sáng 23.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 399.300 đơn vị.

Bên cạnh HVN, GEX, nhiều mã lớn khác cũng chốt phiên trong sắc đỏ như ACV, VOC, VIB, TVB…

Điểm sáng trên sàn là cổ phiếu DVN. Đây là phiên giao dịch thứ 4 và cũng là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp của DVN. Hiện DVN tăng 14,7% lên mức 21.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn UPCoM, đạt 778.700 đơn vị và dư mua trần gần 1,5 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan