Trong phiên hôm qua, dòng tiền vẫn tiếp tục chảy mạnh vào thị trường, với hơn 4.700 tỷ đồng khớp lệnh trên sàn HOSE với lực hút ngày càng tăng đến từ các bluechips, đặc biệt là nhóm ngân hàng.
Do đó, VN-Index vẫn tiếp tục thẳng tiến lên đỉnh mới bất chấp cặp đôi VNM và VIC bị điều chỉnh do gặp áp lực chốt lời.
Nhận định thị trường cho phiên hôm nay, FPTS cho rằng, mức độ tín hiệu kỹ thuật của VN-Index hiện tại có thể so sánh với xu hướng tăng đã xảy ra trong năm 2009.
Trong đó, các chỉ báo tin cậy như MACD, RSI (50) vẫn còn dư địa để tăng trưởng tiếp trước khi tiếp cận với các ngưỡng đỉnh trong dài hạn. Đây là cơ sở để đánh giá VN-Index sẽ có cơ hội để vượt qua ngưỡng kháng cự 935 điểm.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (23/11), VN-Index ngay lập tức leo lên trên 940 điểm khi lệnh mua đổ vào ồ ạt, nhưng sau đó, áp lực bán gia tăng, hãm đà tăng của chỉ số. Hiện VN-Index dao động quanh ngưỡng 936 – 937 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục nhận được ủng hộ của dòng tiền, khi MBB, CTG, BID, VCB đang tăng với khớp lệnh khá lớn.
Trong đó, MBB đang khớp lệnh cao nhất nhóm và đồng thời cả sàn HOSE với hơn 3,6 triệu đơn vị chỉ sau gần 1h giao dịch.
Các mã khác trong nhóm ngành ngân hàng cũng đồng loạt tăng, duy chỉ còn VIB giảm và NVB đứng tham chiếu.
Trong khi đó, cặp đôi cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn là VIC và VNM đã trở lại sau phiên điều chỉnh hôm qua, giúp VN-Index củng cố vững chắc đà tăng.
Các mã khác đang nới đà tăng cũng đang hỗ trợ tốt cho thị trường còn có MSN, ROS, PVD, SSI, GMD…
Sau ít phút giằng co quanh 938 điểm, VN-Index đã bứt mạnh vào cuối phiên, vượt hẳn qua ngưỡng 940 điểm, lên mức cao nhất phiên. Đà tăng của thị trường nhờ sự bật tăng của nhóm ngân hàng, cùng đà tăng của hàng loạt mã lớn khác, trong đó có sự trở lại của VNM và VIC. Tuy nhiên, nhà đầu tư không còn hưng phấn như các phiên trước, khiến thanh khoản sụt giảm khá mạnh trong phiên sáng nay.
Cụ thể, chốt phiên sáng, VN-Index tăng 9,64 điểm (+1,03%) lên mức 942,3 điểm với 135 mã tăng và 108 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 107,71 triệu đơn vị, giá trị 2.390,55 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và giảm 41,8% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 102,4 tỷ đồng.
Ở nhóm VN30, chốt phiên có 21 mã tăng và chỉ 6 mã giảm, và điều đáng chú ý là rất nhiều mã tăng sau khi gặp đôi chút khó khăn do lực bán xuất hiện nhưng cũng nhanh chóng tăng trở lại.
Nhóm cổ phiếu có từ 2 triệu đơn vị khớp lệnh đều tăng, duy chỉ còn SBT giảm 1,7%. Trong đó, MBB có hơn 5,2 triệu đơn vị được khớp, tăng 2,5% lên 24.800 đồng/cổ phiếu.
PVD đứng ngay sau MBB về khối lượng khớp với gần 3,5 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 18.400 đồng/cổ phiếu; các mã tiếp theo như HPG, CTG, SII cũng có từ 2,3 đến 2,5 triệu cổ phiếu được sang tay.
Một số tăng mạnh nhất trong phiên sáng nay là MSN, khi cộng thêm 3% lên 65.900 đồng/cổ phiếu; DHG tăng 2%; VIC tăng 2%; VNM và SAB cùng tăng 0,5%...
Một số mã giảm nhưng biên độ không lớn, đóng vai trò níu chân chỉ số là CII, SBT, REE, HSG, BVH, KDC.
Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nắm tay nhau đi lên, với 11 mã tăng, chỉ duy còn VIB giảm và STB đứng tham chiếu. Trong đó, đáng chú ý có SHB, khi khớp lệnh hơn 22,9 triệu đơn vị, giá tăng 3,7%, lên 8.400 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu thị trường cũng tăng khá tốt, trong đó FLC tăng 3%, dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE với 16,6 triệu cổ phiếu được sang tay; HQC chỉ có 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh, đứng tham chiếu, HVG và HAG cũng tăng nhẹ và có hơn 1,5 triệu đơn vị được khớp. AMD thậm chí còn tăng trần trần 6,9%, lên 8.030 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 1,1 triệu đơn vị.
Các mã khác như DLG, HHS, SCR.. cũng tăng nhẹ và khớp lệnh trên dưới 1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, ngoài SHB đóng vai trò là lực kéo đi lên còn có các cái tên quan thuộc cũng có được sắc xanh và thanh khoản tốt như PVS, VCG, VIX, VGC, ACB, Cụ thể, PVS tăng 2,2% lên 18.300 đồng/cổ phiếu và khớp gần 6 triệu đơn vị; VCG tăng 3,1% lên 26.600 đồng/cổ phiếu và khớp 2,5 triệu đơn vị; VIX đã có lúc tăng trần, nhưng chốt phiên vẫn cộng thêm 8,3% lên 9.100 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 1,83 triệu đơn vị; VGC tăng 4,4% lên 23.900 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 1,4 triệu đơn vị.
Đà tăng của HNX còn được hỗ trợ bởi 3 mã khác, tuy không tăng, nhưng cũng kịp điều chỉnh trở lại tham chiếu từ sắc đỏ như CEO, KLF, PVX.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,21 điểm (+1,1%) lên 110,49 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 51,09 triệu đơn vị, giá trị gần 609,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có hơn 246.000 đơn vị, giá trị 12,5 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, diễn biến khá tương đồng với HNX, khi trụ đỡ là 1 cổ phiếu ngân hàng là LPB, cùng một số cổ phiếu nhỏ tăng nhẹ và các mã trong top thanh khoản đều vươn lên tham chiếu khi kết phiên. Tuy nhiên, thanh khoản không thực sự dồi dào.
Trong đó, LPB tăng 0,8% lên 13.200 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh dẫn đầu 1,49 triệu đơn vị, bỏ xa các mã đứng sau.
Ngoài LBP, sắc xanh còn được phủ lên HVN, DVN, GEX, PXl với khối lượng khớp từ 300.000 đến hơn 500.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,14%) lên 54,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,95 triệu đơn vị, giá trị 102,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,32 triệu đơn vị, giá trị 102 tỷ đồng.