Phiên sáng 17/4: Dòng tiền chảy vào cổ phiếu nhỏ, VN-Index tiếp tục giảm sâu

Phiên sáng 17/4: Dòng tiền chảy vào cổ phiếu nhỏ, VN-Index tiếp tục giảm sâu

(ĐTCK) Dòng tiền rút ra từ nhóm cổ phiếu lớn đang có dấu hiệu chảy sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tuy nhiên, việc nhóm cổ phiếu lớn và bluechip tiếp tục bị chốt lời khiến VN-Index có thêm phiên giảm sâu sáng nay, dù nỗ lực đi lên đầu phiên.

Trong phiên sáng hôm qua, VN-Index suýt chút nữa mất mốc 1.140 điểm ngay đầu phiên do lực cung quá lớn, trong khi bên mua vẫn tỏ ra thận trọng. Sau đó, nhờ lực cầu túc tắc diễn ra ở một số bluechip, VN-Index đã hãm bớt đã giảm.

Trong phiên chiều, VN-Index bất ngờ hồi phục, vượt qua tham chiếu với sự đảo chiều ngoạn mục của VIC, cùng đà tăng vững tại SAB, MSN, HDB, MBB.

Tuy nhiên, nỗ lực “đào thoát” của VN-Index bất thành khi đà bán mạnh diễn ra ở các mã lớn khác như VNM, VCB, BID, NVL, ROS…VN-Index đã bị đẩy lùi mạnh trở lại xuống dưới ngưỡng 1.150 điểm khi đóng cửa.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (17/4), lực mua kỹ thuật ngay khi mở cửa đã kéo VN-Index quay trở lại vùng trên 1.155 điểm, nhưng lực kéo này là chưa đủ, trong khi tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng bởi thanh khoản liên tục suy giảm trong những phiên gần đây đã một lần nữa kéo VN-Index lùi dần và thủng tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tại thời điểm này, dòng tiền đang có xu hướng chảy vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như HAG, ASM, SBT, KBC, SCR, FLC, HNG, cùng một số bluechip khác như STB, MBB, CTG, VIC và ROS.

Mặc dù nhóm này đều đang tăng, nhưng biên độ lại không lớn, qua đó không bù đắp được cho đà giảm của hàng loạt cổ phiếu lớn khác như VNM, GAS, SAB, NVL, HPG, PLX…

Việc cổ phiếu dẫn dắt khá bền vững trong thời gian qua là VIC đã đảo chiều giảm, đã lây lan sang các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VCB, CTG, VRE… và 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường chỉ còn 1 mã tăng duy nhất, đã tiếp tục kéo VN-Index lùi sâu sau khi mất mốc tham chiếu khi chốt phiên sáng nay.

Cụ thể, với 113 mã tăng và 147 mã giảm, VN-Index giảm 7,06 điểm (-0,61%), xuống 1.414,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 93 triệu đơn vị, giá trị 2.930,54 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,7 triệu đơn vị, giá trị 642,7 tỷ đồng.

Như đã nêu trên, nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường có đến 7 mã giảm gồm VIC giảm 0,2% xuống 128.400 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị; VNM giảm 2,4% xuống 185.500 đồng; GAS giảm 2,4% xuống 124.300 đồng; MSN giảm 0,6% xuống 103.700 đồng, VRE giảm 1,2% xuống 50.100 đồng; VCB giảm 0,3% xuống 65.700 đồng; CTG giảm 0,6% xuống 33.800 đồng.

Còn lại, 2 mã đứng tham chiếu là BID 40.000 đồng và VPB 63.900 đồng cùng SAB tăng 0,2% lên 230.000 đồng.

Nhóm bluechip VN30 cũng có thêm nhiều mã gia nhập sắc đỏ như HPG, SSI, NVL, DPM, PLX, VJC trong khi tăng điểm nhẹ chỉ còn ở BVH, ROS, CTD, HSG, SBT, FPT, REE, STB.

Trong đó, BMP giảm 3,1% xuống 66.500 đồng; PLX giảm 2,6% xuống 74.700 đồng; NVL giảm 2,3% xuống 71.200 đồng; HPG giảm 1,3% xuống 59.300 đồng…

Ngược lại, tăng tốt nhất là BVH, nhưng cũng chỉ +1,9% lên 105.400 đồng;  HSG tăng 1,8% lên 19.350 đồng; ROS tăng 1,4% lên 101.600 đồng.

Khớp lệnh tốt nhất nhóm thuộc về SBT khi có hơn 3,77 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 1,7% lên 18.300 đồng…

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa, ngoài VCB, CTG, VPB giảm điểm cùng BID, MBB đứng tham chiếu thì STB lại tăng 0,6% lên 15.600 đồng; HDB tăng 51.200 đồng; IEB tăng tốt nhất khi +2,6% lên 15.500 đồng.

Như đã đề cập, phiên sáng nay nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa hút dòng tiền, với hàng loạt các mã có thanh khoản cao nhất khi chốt phiên là HAG,  ASM, SBT, FLC, KBC, HNG, SCR, STB, DXG, 

Trong đó, HAG khớp lệnh dẫn đầu thị trường với hơn 3,8 triệu đơn vị, tăng 0,5% lên 5.730 đồng, cổ phiếu anh em HNG tăng 2,9% lên 9.080 đồng, nhưng chỉ có 2,3 triệu đơn vị được khớp.

Các mã khác tăng còn có FLC, KBC, DXG, khớp từ hơn 2 triệu đến 2,8 triệu đơn vị, ngược lại ASM, VHG, OGC, ITA, HQC chìm trong sắc đỏ, cùng SCR, IDI đứng tham chiếu…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index diễn biến tương tự VN-Index, khi chỉ duy trì sắc xanh trong nửa đầu phiên, sau đó đã đi xuống, thủng tham chiếu và chốt phiên trong sắc đỏ, với đa số nhóm cổ phiếu chi phối giao dịch không thuận lợi khi đứng tham chiếu hoặc giảm điểm.

Cụ thể, SHB đứng tham chiếu tại 13.200 đồng, khớp lệnh hơn 7,4 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HNX; ACB cũng đứng tham chiếu tại 48.600 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị; tương tự là CEO, đứng ở 15.400 đồng, khớp gần 700.000 đơn vị.

Ngược lại, PVS giảm 1,4% xuống 21.600 đồng, khớp 1,59 triệu đơn vị; NDN giảm 5,9% xuống 17.400 đồng, khớp 1 triệu đơn vị; VCG giảm 0,9% xuống 23.200 đồng, VCS giảm 3,1% xuống 116.300 đồng.

Tăng điểm chỉ còn lại SHN +0,4% lên 22.400 đồng, khớp 1,19 triệu đơn vị; VCG tăng 0,5% lên 20.900 đồng; PHC tăng 0,5% lên 20.000 đồng.

Một số cổ phiếu nhỏ tăng kịch trần có DST, MST và VIG, khớp lệnh từ hơn 700.000 đến 2,8 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 44 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,32%), xuống 132,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 27 triệu đơn vị, giá trị 386,83 tỷ đồng, tăng nhẹ về khối lượng nhưng giảm hơn 6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 930.000 đơn vị, giá trị 16,7 tỷ đồng.

Trên sàn UpCoM, diễn biến lại trái ngược 2 sàn, khi UpCoM-Index mở cửa trong sắc đỏ nhưng đã nhanh chóng đi lên, mặc dù chịu rung lắc mạnh và lùi dần nhưng vẫn có được sắc xanh khi chốt phiên, bất chấp đa số cổ phiếu thanh khoản cao giảm điểm.

Cụ thể, LPB giảm 1,2% xuống 16.400 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị; OIL giảm 1,1% xuống 18.000 đồng; HVN giảm 0,2% xuống 45.900 đồng; POW giảm 0,6% xuống 15.400 đồng; DVN giảm 1,8% xuống 16.800 đồng, VGT giamt 0,6% xuống 15.400 đồng…

Trong khi đó, tăng điểm chỉ còn ở BSR, QNS, VIB và NED. Trong đó, cổ phiếu NED giao dịch đột biến khi có hơn 1,87 triệu đơn vị khớp lệnh, dẫn đầu sàn, trong khi nhiều phiên trước thậm chí trắng thanh khoản. Chốt phiên, NED +2% lên 10.000 đồng.

Có lẽ việc thanh khoản tăng cao đến từ việc CTCP Sông Đà Hoàng Long, công ty mẹ, tổ chức có liên quan đến Chủ tịch HĐQT của NED đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu NED từ ngày 13/4 đến 27/4.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,08%), lên 59,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,74 triệu đơn vị, giá trị 99,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 150.000 đơn vị, giá trị 11,4 tỷ đồng.

Tin bài liên quan