Phiên giao dịch sáng 7/9: Điểm tựa vững

Phiên giao dịch sáng 7/9: Điểm tựa vững

(ĐTCK) Áp lực bán mạnh, nhất là ở các mã lớn như VNM, GAS, PVD, FPT, KDC khiến VN-Index giảm khá mạnh. Tuy nhiên, khi vào vùng hỗ trợ 655-660, chỉ số này đã bật trở lại trong những phút cuối phiên.

Thị trường bước vào phiên giao dịch sáng nay 7/9 với sắc đỏ trên cả 2 sàn giao dịch khi nhóm bluechips đồng loạt giảm điểm. Sự ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu bluechips, nhất là các mã vốn hóa lớn lên thị trường khi gần đến kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF khiến tâm lý thận trọng dâng cao, hoạt động giao dịch theo đó khá nặng nề.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,85 điểm (-0,13%) xuống 663,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,59 triệu đơn vị, giá trị 46,68 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm của VN-Index được nới rộng, song chủ yếu là do sức ép đến từ VNM. Đây cũng là “kẻ phá bĩnh” thị trường trong phiên hôm qua, là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm điểm.

Ngay từ khi thị trường mở cửa, cổ phiếu VNM tiếp tục bị khối ngoại “xả hàng” nên đang giảm 1,3% xuống 148.000 đồng/CP, có thời điểm giá đã xuống 146.000 đồng/CP. Tuy nhiên, VNM cũng là một trong số ít ỏi mã cổ phiếu đang được giao dịch tốt, nên thanh khoản đang nằm trong nhóm dẫn đầu sàn HOSE với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.

Cùng với VNM, nhóm cổ phiếu dẫn dắt là dầu khí, ngân hàng cũng đang yếu đà.

Trong khi đó, các mã MSN, BVH, SSI, HCM… đang có được mức tăng nhẹ, qua đó hãm bớt đà giảm của chỉ số.

Đáng chú ý, mã ROS đang hướng đến phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp kể từ khi chào sàn HOSE với mức giá 15.300 đồng/CP, tức tăng 7%, khớp lệnh 0,73 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,53 triệu đơn vị.

PVX đang dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 1,7 triệu đơn vị được khớp, song đang giảm 1 bước giá xuống 2.500 đồng/CP. Thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh hiện vẫn chưa giúp PVX khởi sắc. Được biết, PVX đã công bố BCTC hợp nhất sau soát xét 6 tháng đầu năm 2016 với mức lãi ròng đạt trên 148 tỷ đồng, tăng hơn 116 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó (32,4 tỷ đồng).

Dưới sức ép của các cổ phiếu bluechips, các chỉ số đều có nhịp giảm khá sâu, trước khi cùng hồi trở lại trong thời gian cuối phiên.
Thị trường dù trầm lắng, song nhóm cổ phiếu bluechips được giao dịch khá tốt và đóng góp chính cho thanh khoản chung.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 7/9, với 126 mã giảm và 73 mã tăng, VN-Index giảm 2,33 điểm (-0,35%) xuống 661,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,13 triệu đơn vị, giá trị 1.532,86 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,37 triệu đơn vị, giá trị gần 198 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 5,484 triệu cổ phiếu PDR, giá trị gần 70 tỷ đồng và 1,322 triệu cổ phiếu MBB, giá trị hơn 20 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận của MBB được khối ngoại thực hiện.
Tương tự, với 108 mã giảm và 63 mã tăng, HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,18%) xuống 84,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,14 triệu đơn vị, giá trị 1256,87 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 2,42 tỷ đồng.
Trên HOSE, cổ phiếu VNM tiếp tục chịu sức ép bán mạnh của khối ngoại, có thời điểm đã giảm 5.000 đồng, trước khi thu hẹp về mức 3.000 đồng (-2%), chốt phiên tại mức 147.000 đồng/CP, khớp lệnh 2,24 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại bán 1,5 triệu đơn vị. Sức nặng của VNM khiến VN-Index có thời điểm đã giảm gần 6 điểm, trước khi hồi lại ở cuối phiên sáng.
Thanh khoản tốt nhất trong nhóm bluechips là HSG với 3,16 triệu đơn vị được khớp, đồng thời cũng là mã có thanh khoản mạnh nhất thị trường. Tuy nhiên, HSG cũng giảm mạnh 2% xuống 43.200 đồng/CP. Được biết, tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày hôm qua, các cổ đông HSG đã thông qua dự án luyện cán thép 10 tỷ USD tại Ninh Thuận.
Trong khi đó, HPG giữ được mốc tham chiếu 42.300 đồng/CP và khớp 1,06 triệu đơn vị. PVD cũng có thanh khoản tốt với 1,25 triệu đơn vị được khớp, song cũng giảm 300 đồng về 26.800 đồng/CP.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, chỉ có một vài mã là BHS, KSA, HQC, DLG và KBC có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó ngoại trừ HQC tăng nhẹ, còn lại đều không có mã nào tăng.
Với mã ROS, sắc tím vẫn được duy trì, thanh khoản không cải thiện bởi lượng cung quá hạn chế khi lượng dư mua giá trần 15.300 đồng/CP đã tăng lên 2,07 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mã PVX vẫn dẫn đầu thanh khoản với 2,56 triệu đơn vị được khớp và đã về được mốc tham chiếu 2.600 đồng/CP. Ngoài PVX, khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị còn có VCG, SCR, HKB và HUT. Trong đó, VCG và SCR cùng tăng điểm khá tốt. HNX-Index cũng nhận được lực đỡ tốt từ PVC, NTP, BCC, BVS..., qua đó hạn chế đáng kể đà giảm.
Tin bài liên quan