Tuần qua, thanh khoản trung bình mỗi phiên trên HOSE giảm hơn 36% so với tuần trước đó, đặc biệt là phiên cuối tuần khi thanh khoản trên HOSE giảm xuống mức thấp nhất từ ngày 14/5 do dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát, mà không trở lại thị trường sau khi chốt lời.
Chính điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về khả năng dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường, nhất là có thông tin, một lượng tiền lớn đang chuyển qua bất động sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán, việc thanh khoản sụt giảm như hiện nay cũng không quá đáng lo ngại. Thanh khoản sụt giảm không có nghĩa là dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường, mà chủ yếu là do bên bán và bên mua vẫn dè chừng nhau, nhất là bên cầu đang chờ những thông tin mới. Do đó, thị trường cần giải pháp gì, mà chỉ cần thông tin vĩ mô, chính sách, báo cáo tài chính 6 tháng sau soát xét của các công ty niêm yết lớn, hay tin TTCK thế giới...
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, diễn biến thị trường không có gì khác biệt so với phiên giao dịch cuối tuần trước, vẫn là sự dè chừng của cả 2 bên khiến giao dịch ảm đạm. Đà số các mã chỉ lình xình quanh tham chiếu, độ rộng của thị trường cũng khá hẹp, nhưng sắc xanh được duy trì nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có mức tăng nhẹ.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,26 điểm (+0,05%), lên 557,07 điểm với tổng khối lượng khớp chỉ hơn 1,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 23 tỷ đồng.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng nhẹ được duy trì và nới rộng thêm chút ít, nhưng diễn biến thị trường không có nhiều thay đổi, vẫn là những lệnh khớp nhỏ giọt. Do lực cầu quá yếu, nên VN-Index cũng đang gặp khó ở ngưỡng cản đầu tiên là 560 điểm.
Trong khi đó, trên HNX, sắc đỏ vẫn được duy trì ngay từ đầu phiên, bất chấp nhận được sự hỗ trợ của nhóm HNX30, cũng như số mã tăng trên sàn này nhiều hơn số mã giảm. Sau những phút giảm điểm khá khó hiểu, chỉ số này cũng đã hồi phục trở lại dù số mã giảm đã tương đương số mã tăng và HNX30-Index cũng hãm đà tăng.
Tuy nhiên, cũng giống như sàn HOSE, thanh khoản trên sàn HNX cũng rất lẹt đẹt trong những phút đầu phiên giao dịch sáng nay.
Kết thúc phiên sáng nay, VN-Index tăng 1,53 điểm (+0,27%), lên 558,34 điểm với 77 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,4 triệu đơn vị, giá trị 1.102 tỷ đồng. Tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận đã đóng góp tới 10,1 triệu đơn vị, giá trị 601,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đột biến do sự đóng góp của hơn 5,5 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 428,98 tỷ đồng, hơn 2,36 triệu cổ phiếu RAL, giá trị 114,2 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,05%), lên 76,35 điểm với 56 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,8 triệu đơn vị, giá trị 134,64 tỷ đồng. Khác với HOSE, giao dịch thỏa thuận trên HNX không đóng góp nhiều.
Về các nhóm cổ phiếu, như đã nói ở trên, VN-Index đang nhận được sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, dù không quá mạnh. Hiện cả 4/6 mã ngân hàng niêm yết trên HOSE đều đang có mức tăng giá, ngoại trừ STB và EIB giảm giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là BID với mức tăng 3,48% sau thông tin được FTSE thêm vào danh mục trong đợt cơ cấu danh mục lần này, còn lại chỉ là mức tăng từ 1 đến 4 bước giá.
Tương tự, TTF cũng đang có mức tăng khá tốt 2,96% sau khi được FTSE thêm vào danh mục, trong khi đó, cũng được FTSE “để mắt”, nhưng PDR chủ yếu dao động trong sắc đỏ và chỉ kịp tăng nhẹ 1 bước giá khi đóng cửa phiên sáng.
Ngoài nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán sau khi bị chốt lời tuần trước, cũng đã hồi phục trở lại, đặc biệt là SSI. Việc nới room kịp thời giúp SSI tránh khỏi bị loại khỏi danh mục của FTSE, qua đó giúp mã này tăng nhẹ. Trong khi HCM vẫn đang cầm chừng ở mức tham chiếu và 2 mã nhỏ hơn là AGR và BSI đang giảm giá.
Nhóm dầu khí cũng có sự phân hóa, trong khi GAS, PVT duy trì được đà tăng nhẹ, thì PVD giảm giá, còn lại chủ yếu đứng ở tham chiếu.
Trong nhóm cổ phiếu có tính thị trường, trong khi JVC đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau 2 phiên tăng trần liên tiếp, chốt phiên sáng nay giảm 1 bước giá, thì VHG sáng nay lại đang nổi lên. Sau khi mở cửa giảm nhẹ 1 bước giá, VHG đã được kéo lên sát mức giá trần, khi chốt ở mức 8.100 đồng, tăng 3,85% với hơn 3 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi các mã còn lại như FLC, FIT, HAI, DLG, ITA… lại giao dịch lẹt đẹt cả về giá và thanh khoản.
Trên HNX, FID đang chịu sức ép lớn từ lượng cung, trong khi bên cầu không ai dám xuống tiền khiến mã này giảm sàn xuống 18.100 đồng ngay từ khi mở cửa phiên và chốt phiên còn dư bán sàn tới hơn 1,18 triệu đơn vị, trong khi chỉ có 500 đơn vị được khớp ngay từ đầu phiên.
KVC cũng có lúc bị kéo xuống mức sàn 9.400 đồng, nhưng sau đó lực mua tích cực hơn đã kéo mã này dần trở lại chốt phiên ở mức 10.000 đồng, giảm 3,85%. Trong khi đó, HNX-Index lại được hỗ trợ bởi ACB, PGS, một số mã chứng khoán.
TIG vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất trên sàn, nhưng cũng chỉ được khớp 1,66 triệu đơn vị, đứng ở tham chiếu 11.300 đồng. Tiếp sau là KLF với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và cũng đứng ở tham chiếu 4.500 đồng.