Phiên giao dịch sáng 31/5: Đột biến cuối phiên

Phiên giao dịch sáng 31/5: Đột biến cuối phiên

(ĐTCK) Đang lình xình trong biên độ hẹp, VN-Index bất ngờ bứt phá mạnh cuối phiên khi nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là GAS, PVD nổi sóng.

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, với thông tin hỗ trợ về việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 thay thế Thông tư 36 với những nội dung về siết tín dụng bất động sản nhẹ nhàng hơn so với dự thảo, nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng đã phản ứng rất tích cực, kéo VN-Index tăng mạnh, tiến sát mốc 615 điểm.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà đầu tư không yên tâm với đà phục hồi của thị trường là thanh khoản lại sụt giảm. Dòng tiền đa nghi (về những phiên bulltrap) chỉ đứng ngoài theo dõi, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong 2 phiên hồi phục vừa qua.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, sự thận trọng vẫn được duy trì khi VN-Index đang đứng trước thử thách 615 điểm và một số mã bluechip cũng đang chịu áp lực chốt lời ngắn hạn. Dù độ rộng của thị trường vẫn đang nghiên về sắc xanh, nhưng đà tăng của các mã không quá lớn, khiến VN-Index chỉ lình xình sát mốc 615 điểm.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,72 điểm (+0,28%), lên 616,22 điểm với 4,67 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 64,55 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, diễn biến thị trường không có nhiều thay đổi, vẫn tốc độ giao dịch chậm và VN-Index chỉ lình xình sát mốc 615 điểm. Chưa có chất xúc tác nào đủ mạnh để giúp tâm lý tích cực lan tỏa ra khắp thị trường, giúp VN-Index bứt phá lên mức đỉnh cũ trong đợt tăng trước đó (625 điểm).

Những phút ngẫu hứng của nhóm bất động sản, ngân hàng cũng qua nhanh. Tuy nhiên, IJC lại là trường hợp ngoại lệ.

Ngay khi mở cửa, cổ phiếu này đã được ồ ạt mua vào, kéo lên mức giá trần 8.700 đồng. Tuy nhiên, trong khi bên mua tỏ ra sốt ruột, thì bên bán lại bình thản, khiến thanh khoản không quá mạnh.

IJC tăng không phải do hiệu ứng từ Thông tư 06, mà chủ yếu xuất phát từ thông tin nội tại của doanh nghiệp này. Đâu tiên là thông tin HĐQT IJC vừa quyết định thông qua hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex) quyền sử dụng đất 78.622 m2 tại Khu đô thị IJC, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với giá trị chuyển nhượng 1.391,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thông tin khiến IJC nổi sóng chính là việc HĐQT công ty này thông qua việc chào mua công khai cổ phiếu IJC để giảm vốn điều lệ với mức giá chào mua là 10.000 đồng.

Với mức giá này, dù tăng trần trong phiên hôm nay, giá của IJC vẫn còn thấp hơn khoảng 15%, tức cổ phiếu này còn ít nhất 2 phiên tăng trần nữa mới đến mức giá mà Công ty chào mua công khai để giảm vốn điều lệ. Do đó, việc nhà đầu tư đua mua ở mức giá hiện tại, hoặc những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu IJC găm hàng là điều dễ hiểu.

Diễn biến thị trường trong những phút sau đó vẫn không có nhiều điểm đáng chú ý, VN-Index giằng co nhẹ quanh ngưỡng 616 điểm khi biên độ dao động của các mã không lớn. Tuy nhiên, đột biến đã xảy ra trong những phút cuối phiên. Khi thị trường chỉ còn khoảng 20 phút nữa là đóng cửa phiên sáng, nhóm cổ phiếu dầu khí đã bất ngờ nhận lực cầu lớn, nên đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, GAS có lúc chỉ còn cách mức giá trần 1 bước giá trước khi đóng cửa ở mức 59.500 đồng, tăng 4,39% với 392.170 đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua ròng 114.030 đơn vị, chiếm 29% tổng khối lượng khớp.

Tương tự, PVD dù không giữ được mức giá cao nhất phiên do áp lực chốt lời khi VN-Index chạm mốc 620 điểm, nhưng cũng đóng cửa với mức tăng 5,05%, lên 31.200 đồng với 1,52 triệu đơn vị được khớp.

Trên thị trường dầu mỏ thế giới, cả giá dầu thô Mỹ và dầu thô Brent đều tăng trở lại sau 2 phiên điều chỉnh. Trong đó, giá dầu thô Brent vượt qua ngưỡng 50 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI tiêu chuẩn Mỹ cũng ngấp nghé mức giá này.

Sự khởi sắc của nhóm dầu khí, cùng sắc xanh của các mã bluechip giúp VN-Index bứt phá mạnh cuối phiên và thiếu chút nữa đã vượt hẳn qua mốc 620 điểm.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 5,42 điểm (+0,88%), lên 619,92 điểm với 107 mã tăng và 89 mã giảm. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện nhiều khi tổng khối lượng giao dịch chỉ là 62,46 triệu đơn vị, giá trị gần 1.062 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đã đóng góp hơn 4,3 triệu đơn vị, giá trị 118,6 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1,19 triệu đơn vị, trong đó PVT, MBB, BID, CTG, SSI, GAS là những mã được mua ròng mạnh nhất từ hơn 100.000 đơn vị đến hơn 330.000 đơn vị.

Ngoài nhóm dầu khí, thị trường sáng nay cũng chứng kiến sự khởi sắc của HSG, thậm chí mã này còn tạo sóng.

Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10:5 của HSG, nên giá tham chiếu được điều chỉnh từ 49.500 đồng về 33.000 đồng. Ngay khi mở cửa, HSG đã tăng trần và sau ít phút hạ nhiệt, lực mua tiếp tục đẩy HSG yên vị ở mức trần 35.300 đồng với hơn 2,55 triệu đơn vị được khớp, cao nhất sàn HOSE và còn dư mua trần hơn 0,7 triệu đơn vị.

HSG được dự báo sẽ vào danh mục của ETF trong đợt tái cơ cấu danh mục lần này và theo đánh giá của ông Dương Văn Chung, Giám đốc Đầu tư MBS, nếu điều này là đúng, thì HSG giống như “Hồ được thêm cánh”.

Ngoài các mã trên, tích cực về giá ở một số mã khác như CSM, HLG, LCM, LSS, PAC… Trong đó, các mã như CSM, LSS có thanh koarn tương đối tốt với tổng khớp trên 1 triệu đơn vị mỗi mã.

Trên HNX, sau ít phút bị rung lắc, sắc xanh cũng trở lại với HNX-Index khi VN-Index có dấu hiệu nổi sóng cuối phiên.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,21%), lên 81,7 điểm với số mã tăng và giảm giá ngang nhau (cùng 90 mã). Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,5 triệu đơn vị, giá trị 330,56 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,94 triệu đơn vị, giá trị 26 tỷ đồng.

Nhóm dầu khí cũng là tác nhân chính giúp HNX-Index đảo chiều thành công cuối phiên, trong đó PVB tăng 2,09%, PVC tăng 2,86%, PVS tăng 2,2%. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự đóng góp của ACB khi mã này đóng cửa với mức tăng tối thiểu.

Thanh khoản tốt nhất trên HNX là SCR với tổng khớp 2,73 triệu đơn vị và chốt phiên ở mức tham chiếu 9.300 đồng. DCS cũng bất ngờ có giao dịch sôi động khi được khớp gần 2 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 4,76%.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng 225.750 đơn vị, trong đó PVS chính là mã được mua ròng nhiều nhất với 114.000 đơn vị.

Tin bài liên quan