Phiên giao dịch sáng 28/9: Tích lũy đến bao giờ?

Phiên giao dịch sáng 28/9: Tích lũy đến bao giờ?

(ĐTCK) Thị trường vẫn chưa xác định rõ xu hướng, các chỉ số lình xình quanh tham chiếu khi các thông tin hỗ trợ vẫn chưa đủ mạnh để lôi kéo dòng tiền nhập cuộc. Nhiều nhận định cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy để bứt phá cuối năm, nhưng nếu giai đoạn này kéo dài quá lâu sẽ làm nản lòng nhà đầu tư.

Trong tuần qua, dù đã trút được gánh nặng trước thông tin Fed tăng lãi suất, nhưng giao dịch trên thị trường vẫn cầm chừng và không có nhiều cải thiện. Trạng thái giao dịch giằng co giữa cung và cầu diễn ra hầu như trong cả tuần. Tuy vậy, biên độ điều chỉnh của các phiên khá thấp do độ rộng thị trường giữ được ở trạng thái tương đối cân bằng.

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông báo về việc điều chỉnh giảm mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm. Còn mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm. Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay (28/9).

Nhiều nhận định trên thị trường cho rằng, việc hạ lãi suất USD có khả năng sẽ làm những người đang giữ USD bán ra, kỳ vọng sẽ có một dòng tiền chảy vào chứng khoán. Đây có lẽ là thông tin tích cực hỗ trợ cho thị trường trong thời điểm thiếu vắng các thông tin.

Bước vào phiên đầu tuần này, các chỉ số vẫn duy trì được đà tăng dù thanh khoản ở mức thấp.

Cụ thể, kết thúc đợt 1, chỉ số Vn-Index tăng 0,91 điểm (+0,16%) lên 571,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2 triệu đơn vị, trị giá 23,95 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, dòng tiền có phần được cải thiện hơn, giúp các chỉ số nới rộng đà tăng.

Những mã giữ nhịp cho thị trường có thể kể như BVH (+300 đồng); MSN (+500 đồng); VNM tăng 1.000 đồng; FPT, CII, PPC, PVD, HCM cùng tăng 100 đồng.

Tuy nhiên, đà tăng này không được bền vững, sau 45 phút giao dịch, dưới tác động của nhóm ngân hàng (VCB, CTG, EIB, STB, BID giảm, MBB đứng giá), cộng thêm việc đảo chiều giảm của GAS và một số mã vốn hóa lùi về tham chiếu như MSN, VIC khiến VN-Index đảo chiều giảm.

Trên HNX, diễn biến cũng không có nhiều khác biệt, đến 9h45, chỉ số sàn này giảm 0,02 điểm (0,03%) xuống 78,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,2 triệu cổ phiếu, trị giá 54,58 tỷ đồng.

Trong đó, chỉ có nhóm chứng khoán đang tăng khá tốt với KLS, BVS, SHS tăng 100 đồng; VND tăng 200 đồng;

Càng về cuối phiên, độ rộng thị trường càng tăng với số mã giảm điểm chiếm áp đảo. Ngay trong nhóm VN30, cũng chỉ còn 4 mã duy trì được đà tăng, trong khi có tới 23 mã giảm điểm. Dù có nhịp hồi vào những phút cuối nhưng cả hai chỉ số vẫn chìm trong sắc đỏ.

Điểm đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu của DN xuất nhập khẩu, với việc lãi suất đồng USD vừa được ngân hàng đưa về mức 0%, nhiều nhận định cho rằng, nhóm ngành này sẽ chịu tác động. Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, ngược với xu hướng chung của thị trường, nhóm cổ phiếu này đang tăng khá tốt.

Với nhóm cổ phiếu thủy sản, HVG tăng 300 đồng; VHC tăng 100 đồng; trong khi với nhóm dệt may, TCM tăng 200 đồng; EVE tăng 600 đồng

Nguyên nhân, có thể do kỳ vọng vào triển vọng của TTP được ký kết. Ngày 30/9 tới đây, vòng đàm phán của TTP sẽ được nối lại. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, TTP có thể sẽ sớm được thông qua. ĐIều nay hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là thủy sản và dệt may của Việt Nam.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,5 điểm (-0,44%) xuống 567,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,4 triệu đơn vị, trị giá 681 tỷ đồng.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,39%) xuống 78,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,78 triệu đơn vị, tương đương giá trị 168 tỷ đồng.

Trong đó, hầu hết các nhóm cổ phiếu dẫn dắt thời gian gần đây đều giảm, như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, dầu khí. Đà tăng từ VNM (tăng 1000 đồng) và BVH (tăng 300 đồng); PPC tăng 100 đồng là những điểm sáng hiếm hoi giữ VN-Index không bị rơi sâu.

Về thanh khoản, FLC, FIT và KLF là mã có thanh khoản tốt nhất trên 2 sàn, tuy nhiên, khối lượng giao dịch cũng vẫn ở mức thấp. Theo đó, FLC khớp được hơn 2 triệu cổ phiếu, FIT giao dịch gần 1,6 triệu cổ phiếu, FLF khớp gần 1,2 triệu cổ phiếu.

Tin bài liên quan