Dè dặt, lo sợ vẫn là tâm lý chính của nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Sau thông tin Bloomberg đánh giá Việt Nam sẽ là con hổ tiếp theo của châu Á, giới đầu tư trong nước tiếp tục nhận thêm thông tin vĩ mô được đánh giá khá tích cực là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3. Theo số liệu vừa công bố, sau 2 tháng giảm bất thường đầu năm, CPI tháng 3 của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đã tăng trở lại trong tháng 3 và nhiều khả năng CPI cả nước cũng sẽ tăng trong tháng này, xóa tan lo ngại về sức cầu và giảm phát.
Dù nhận thông tin vĩ mô tích cực, cũng như nhiều cổ phiếu được đánh giá là đã về mức giá hấp dẫn, nhưng do dòng tiền chưa được khơi thông và nhận thấy dù thị trường giảm mạnh, nhưng lực cầu bắt đáy không hoạt động, nên nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu càng thêm lo sợ, đẩy mạnh bán ra, khiến thị trường giảm điểm ngay từ khi mở cửa phiên sáng nay và mốc kháng cự gần nhất 570 điểm bị xuyên thủng.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,56 điểm (-0,27%), xuống 569,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,46 triệu đơn vị, giá trị 21,73 tỷ đồng.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán tiếp tục gia tăng, kéo VN-Index lùi sâu hơn, xuyên luôn qua mốc 565 điểm, nhưng rất may, lực cầu bắt đáy dù không quá mạnh, nhưng vẫn đủ giúp VN-Index bật trở lại khi xuống dưới 564 điểm.
Sắc xanh đúng nghĩa chỉ còn xuất hiện ở số ít mã, còn lại chủ yếu chỉ là sắc xanh nhạt, trong khi đó, số mã giảm giá lớn gấp 4 lần. Nhóm cổ phiếu lớn chủ yếu là ngập trần sắc màu đỏ, trong đó, MSN không còn đủ sức để duy trì đà tăng, trong khi GAS cũng đã quay đầu giảm giá.
Trên HNX, sắc đỏ cũng bao trùm ngay khi mở cửa, và sau ít phút lình xình dưới mốc tham chiếu, HNX-Index đã lao mạnh xuống dưới 83 điểm trước khi bật nhẹ trở lại sau đó. Độ rộng trên HNX cũng rất rộng theo hướng tiêu.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 4,44 điểm (-0,78%), xuống 566,45 điểm với 40 mã tăng và 163 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,95 triệu đơn vị, giá trị 860 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 39 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,80%), xuống 83,27 điểm với 32 mã tăng, trong khi có 119 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,78 triệu đơn vị, giá trị 270 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 18 tỷ đồng.
Nhóm VN30 không có mã nào tăng giá, trong khi có 24 mã giảm, chỉ số này giảm 0,79%. Trong khi đó, dù xuất hiện 2 sắc xanh và số mã giảm cũng ít hơn VN30 với 19 mã, nhưng HNX30-Index cũng giảm 0,68%.
Áp lực bán gia tăng khiến PVD là mã bluechip giảm mạnh nhất khi mất 2,65%, xuống 47.700 đồng. Các mã khác cũng chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm nhẹ hơn. May mắn cho VN-Index là VNM, MSN và sau đó là VIC cũng lấy lại được mức tham chiếu. Nếu thêm các đại gia này giảm giá, thì nhiều khả năng mốc 560 điểm sẽ bị đe dọa.
FLC cũng đã lấy lại thăng bằng sau phiên giảm mạnh hôm qua. Dường như áp lực cung giá thấp ở mã này đã gần hết sau phiên bán mạnh đầu tuần. Trong phiên sáng nay, FLC duy trì ở mức giá tham chiếu với tổng khớp gần 4 triệu đơn vị. Tương tự là HAI cũng lấy lại được mức giá tham chiếu 13.900 đồng sau phiên giảm khá mạnh hôm qua.
Trong khi đó, AGF, STT lại đi ngược xu hướng thị trường khi đang duy trì sắc tím phiên thứ 2 liên tiếp trong tuần. TSC cũng đang duy trì được đà tăng, dù không còn thể lên mức giá trần như phiên trước.
Trên HNX, sắc đỏ cũng đang chiếm thể chủ đạo và xuất hiện ở hầu khắp các mã dẫn dắt như KLF, FIT, PVX, PVS, PVC… Thanh khoản cũng khá thấp khi KLF đứng đầu cũng chỉ được khớp chưa tới 2,3 triệu đơn vị, còn FIT và PVX được khớp chưa tới 2 triệu đơn vị. Đây cũng là 3 mã hiếm hoi trên sàn này có lượng khớp trên 1 triệu đơn vị.
Trong khi cả sàn chìm trong sắc đỏ, thì SHN bất ngờ lội ngược dòng khi đóng cửa ở mức 3.600 đồng, sát mức giá sàn 3.700 đồng và cũng là mức giá cao nhất trong phiên sáng của mã này. Tổng khối lượng khớp đạt gần 470.000 đơn vị.