Phiên giao dịch sáng 23/5: Dầu khí giảm, mã nhỏ chỉ ấm hơi

Phiên giao dịch sáng 23/5: Dầu khí giảm, mã nhỏ chỉ ấm hơi

(ĐTCK) Giá dầu thô thế giới đang có giảm nhẹ, và chưa có tín hiệu tốt cho đợt tăng tiếp theo khiến các mã dầu khí cũng có diễn biến tương tự sáng nay. GAS, PVD, PVS, PVC… đều giảm điểm, thị trường chưa thấy cột đỡ mới.   

Bước vào tuần mới, tâm điểm của giới đầu tư chứng khoán đang tập trung vào dự kiện Tổng thống Obama thăm Việt Nam, với kỳ vọng sẽ có tác động tích cực với dòng vốn ngoại. Dù thông tin này được coi là đã phản ánh vào diễn biến gần đây.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng, Sự kỳ vọng thị trường lên đỉnh cũ 1.179 là khó, nhưng kỳ vọng Index có thể vượt mốc 650 điểm mà trong 16 năm lịch sử thị trường chỉ vượt được 1 lần duy nhất vào năm 2006 cũng cùng thời điểm Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam là được kỳ vọng nhiều hơn.

Mặc dù vậy, thị trường đang được dự báo sẽ có một đợt điều chỉnh giảm sâu. Xác suất cho việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 của FED đang tăng cao khiến chứng khoán toàn thế giới nói chung và chứng khoán Việt Nam có thể sẽ có đợt điều chỉnh.

Bên cạnh đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu chuyển sang xu hướng bán ròng mạnh hơn 100 tỷ đồng trong 2 phiên cuối tuần khiến tâm lý lo ngại về đợt rút vốn mới tăng cao.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, dù những lo ngại vẫn còn thường trực khiến tâm lý giao dịch thận trọng nhưng thị trường nhanh chóng thiết lập sắc xanh.

Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng 1,3 điểm (+0,21%) lên 616,11 điểm. Thanh khoản tích cực đạt tổng khối lượng giao dịch 4,19 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 142,16 tỷ đồng, với sự đóng góp lớn từ giao dịch thỏa thuận 0,47 triệu cổ phiếu VNM, trị giá 70,5 tỷ đồng.

Đà tăng thị trường không mấy bền vững khi lực cầu chưa tỏ ra dứt khoát, nhóm cổ phiếu chính nâng đỡ thị trường cũng diễn biến lình xình, trong đó, hai nhóm cổ phiếu lớn dầu khí và ngân hàng hầu hết đều giao dịch trong sắc đỏ, khiến chỉ số VN-Index thiếu động lực để bứt phá và giằng co quanh mốc tham chiếu.

Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip tăng giảm trong biên độ hẹp cùng thanh khoản khá thấp thì ở nhóm cổ phiếu đầu cơ nổi lên GTN. Sau quyết định nới room lên 100%, lực cầu hấp thụ mạnh giúp GTN tăng mạnh về giá và thanh khoản cải thiện.

Sau gần 1 giờ giao dịch, GTN tăng hơn 3%, đứng ở mức giá 16.700 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 2,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Bên cạnh đó, người anh em KMR cũng tăng vọt sau quyết định nới room. Cổ phiếu này nhanh chóng thiết lập sắc tím bởi lực cầu gia tăng mạnh. Hiện KMR tăng 5,63% lên mức giá trần 7.500 đồng/CP và khớp gần 0,8 triệu đơn vị, dư mua trần 0,35 triệu đơn vị.

Sau những nhịp rung lắc nửa đầu phiên sáng, thị trường chính thức thiết lập xu hướng giảm điểm. Lực cầu khá yếu khiến thanh khoản suy giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn đạt chưa tới 1.100 tỷ đồng.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 0,98 điểm (-0,16%) xuống 613,83 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 43,82 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 802,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,53 triệu đơn vị, trị giá 88,12 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,26%) xuống 81,53 điểm với khối lượng khớp lệnh 26,21 triệu đơn vị, trị giá 273,59 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 9,76 triệu đơn vị, trị giá 80,76 tỷ đồng với sự đóng góp tích cực của 7,15 triệu cổ phiếu SHB, trị giá 42,16 tỷ đồng.
Giá dầu thô thế giới đang có xu hướng giảm nhẹ có thể là nguyên nhân dẫn đến diễn biến nhóm cổ phiếu dầu khí thiếu tích cực. Cụ thể GAS, PVD, PVS, PVC… đều quay đầu giảm vào thời điểm cuối phiên sáng sau khi tăng nhẹ trước đó. 
Dẫn đầu thanh khoản trên HOSE vẫn là GTN với khối lượng khớp 3,17 triệu đơn vị, và với mức tăng 4,3%, GTN đứng ở mức giá 16.900 đồng/CP.
Ngoài ra, dòng tiền cũng tập trung ở một số cổ phiếu bất động sản quen thuộc khác như HQC và FLC, nhưng giao dịch không mấy sôi động với khối lượng khớp lệnh tương ứng 2,33 triệu đơn vị và 1,76 triệu đơn vị.
Tin bài liên quan