Phiên giao dịch sáng 23/4: Nghỉ lễ sớm

Phiên giao dịch sáng 23/4: Nghỉ lễ sớm

(ĐTCK) Tâm lý nghỉ lễ sớm khiến thị trường tiếp tục giao dịch lình xình và thanh khoản sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng 23/4.

Phiên hôm qua (22/4) là phiên cuối cùng nếu nhà đầu tư cần bán để tiền kịp về tài khoản trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Chính vì vậy, áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều khiến thị trường rung lắc nhẹ. Bên cạnh một số cổ phiếu lớn hỗ trợ tích cực cho thị trường như PVD, MSN, VCB…, thị trường cũng đón nhận một số điểm sáng như DLG, CII và hoạt động sôi động của dòng tiền đầu cơ bất động sản đã giúp VN-Index hồi xanh nhẹ khi đóng cửa.

Trong khi đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn là động lực chính của thị trường khi trải qua 9 phiên mua ròng liên tiếp với giá trị rót ròng duy trì ở mức hàng trăm tỷ đồng và tính từ đầu tháng 4 đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.725 tỷ đồng.

Hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định, tâm lý nghỉ ngơi trước dịp nghỉ lễ sẽ khiến thị trường khó có biến động mạnh trong một vài phiên tới. Mặc dù vậy, với lực cầu bền bỉ của khối ngoại, triển vọng thị trường trong trung hạn được đánh giá ở mức tích cực.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay ngày 23/4, lực cung đã được hãm lại, thị trường duy trì sắc xanh nhạt khi mở cửa. Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,34 điểm (+0,06%) lên 562,85 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,39 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 81,64 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng của nhóm cổ phiếu bluechip cùng sắc xanh trải dài trên bảng điện tử giúp đà tăng thị trường được nới rộng. Tuy nhiên, cùng với áp lực bán suy giảm, dòng tiền vào thị trường vẫn duy trì ở mức yếu khiến thanh khoản thị trường khá thấp.

Sau 50 phút giao dịch, trên toàn sàn HOSE chỉ có duy nhất DLG chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị. Nếu trong phiên giao dịch hôm qua, DLG tỏa sáng ở những phút cuối khi lực cầu gia tăng mạnh đã hấp thụ hết lượng cổ phiếu bán ra và tiến thẳng mức trần thì ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, áp lực chốt lời mạnh khiến cổ phiếu suy giảm mạnh xuống sát mức sàn. Hiện DLG giảm 500 đồng (-4,95%) xuống 9.600 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 1,43 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HQC, DXG khớp hơn nửa triệu đơn vị. Còn các cổ phiếu đầu cơ hoạt động sôi động trước đó như ITA, OGC, KBC, FLC cũng chưa khớp tới 100.000 đơn vị.

Các cổ phiếu bluechip đang hỗ trợ thị trường giúp VN-Index duy trì sắc xanh nhạt như PVD, BVH và FPT cùng tăng 500 đồng, VIC tăng 400 đồng, HSG và HPG cùng nhích nhẹ 100 đồng…

Tại thời điểm 10h, Vn-Index tăng 0,65 điểm (+0,12%) tạm đứng ở mức 563,16 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,33 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 259,46 tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,15%) lên 83,01 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,56 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trịu hơn 104 tỷ đồng.

Sau phiên suy giảm trước đó, nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX đã hồi nhẹ. Cụ thể, các cổ phiếu chủ chốt như PVC, PVS, PGS đều đã lấy lại sắc xanh, cùng đà tăng nhẹ của các cổ phiếu vừa và nhỏ như PVB, PVR, PVG, PVI…

Bên cạnh đó, sắc xanh của các cổ phiếu bluechip VND, SHB, SCR, BVS… cũng đã hỗ trợ giúp thị trường hồi xanh sau phiên giảm nhẹ hôm qua.

Tương tự trên sàn HOSE, FIT là cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất sàn HNX và cũng là cổ phiếu duy nhất khớp lệnh đến hàng triệu đơn vị. Hiện FIT giảm 300 đồng xuống 14.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,35 triệu đơn vị.

PTI sau những thông tin về việc sẽ phát hành 30 triệu cổ phần cho đối tác Hàn Quốc đã tăng trần ngay từ đầu phiên và hiện đang dư mua hơn 120.000 đơn vị tại mức giá trần.

Trong khi Vn-Index vẫn giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu thì HNX-Index đã đảo chiều giảm điểm khi kết thúc phiên giao dịch sáng. Dòng tiền vẫn duy trì trạng thái nhỏ giọt, thanh khoản trên cả hai sàn cạn kiệt với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 760 tỷ đồng.

Đóng cửa, VN-Index duy trì đà tăng nhẹ 0,32 điểm (+0,06%) lên 562,83 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 28,64 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 549,23 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,38 triệu đơn vị, trị giá 81,73 tỷ đồng. VN30-Index tăng 0,55 điểm (+0,09%) lên 594,55 điểm với 10 mã tăng, 7 mã giảm và 13 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,23%) xuống 82,7 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 15,93 triệu đơn vị, trị giá 228,14 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chưa tới nửa tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,14 điểm (-0,09%) xuống 157,4 điểm với 10 mã tăng, 8 mã giảm và 11 mã đứng giá.

Sáng nay, VIC đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2015 thông qua lợi nhuận quý I/2015 ước đạt 2.200 tỷ đồng và chia cổ tức 25,8%. Cổ phiếu này đã duy trì mức giá trên tham chiếu đến hết phiên giao dịch và đóng cửa, VIC tăng nhẹ 200 đồng lên 48.800 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh chỉ đạt gần 320.000 đơn vị.

Trong khi FPT và BVH duy trì mức tăng 500 đồng thì PVD lại quay về mốc tham chiếu với MSN và VNM. Cùng mức tăng nhẹ của các bluechip như MBB, HCM, SSI… đã giúp VN-Index duy trì sắc xanh nhạt.

Điểm đáng lo ngại nhất trong phiên sáng nay chính là sự suy yếu của dòng tiền. DLG vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn cũng chỉ đạt 2,45 triệu đơn vị. Đóng cửa, DLG vẫn duy trì mức giảm 500 đồng xuống 9.600 đồng/CP.

Bên cạnh đó, hai cổ phiếu khác là FLC và CII cũng kém sôi động hơn hẳn so với phiên trước với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 1,3 triệu đơn vị. Đóng cửa, FLC giữ mức giá tham chiếu 10.500 đồng/CP, trong khi CII giảm ngay từ đầu phiên và đóng cửa đứng ở mức giá thấm nhất 22.600 đồng/CP, giảm 500 đồng. Ngoài ra, thị trường chỉ có thêm một số mã có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị như DXG, GTN, HAI, NBB.

Trên sàn HNX, hai cổ phiếu KLF và FIT có thanh khoản lớn nhất sàn lần lượt đạt 2,65 triệu đơn vị và 1,78 triệu đơn vị. Chốt phiên, FIT vẫn duy trì mức giá thấp nhất 14.300 đồng/CP, giảm 300 đồng, trong khi KLF trở lại mốc tham chiếu 9.000 đồng/CP. Đây cũng là hai cổ phiếu duy nhất có khối lượng khớp ở hàng triệu đơn vị.

Với thông tin hỗ trợ tích cực từ việc bán 30 triệu cổ phiếu cho đối tác Hàn Quốc với giá khủng, PTI tiếp tục duy trì sắc tím đến hết phiên. Tuy nhiên, do lệnh bán ra hạn chế khiến thanh khoản của PTI vẫn ở mức thấp với 31.412 đơn vị được chuyển nhượng thành công và dư mua trần 100.400 đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, các cổ phiếu chủ chốt cũng hãm đà tăng, trong đó, PVS với sự góp sức của dòng vốn ngoại đã duy trì sắc xanh với mức tăng nhẹ 200 đồng với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 950.000 đơn vị và khối ngoại mua vào mạnh nhất hơn nửa triệu đơn vị.

Tin bài liên quan