Phiên giao dịch sáng 23/11: JVC vẫn nóng, FLC tiến dần tới mệnh giá

Phiên giao dịch sáng 23/11: JVC vẫn nóng, FLC tiến dần tới mệnh giá

(ĐTCK) Đà tăng của thị trường bị hãm lại do ảnh hưởng của nhóm bluechip, đặc biệt là VNM và GAS. Tuy nhiên, dòng tiền đầu cơ vẫn chảy mạnh, giúp JVC tiếp tục tăng trần, trong khi FLC đã tiến dần tới mệnh giá như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư sau cam kết của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết trong cuộc gặp mặt nhà đầu tư tổ chức vừa qua.

Tuần giao dịch vừa qua, thị trường duy trì diễn biến giằng co và điều chỉnh giảm nhẹ khi nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục sức ép chủ yếu từ khối ngoại, dù không còn mạnh. Tuy nhiên, thanh khoản lại giữ được sự tích cực khi dòng tiền vào thị trường vẫn khá mạnh mẽ, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao như FLC, FIT, KLF...

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, nhiều chuyên gia đều có chung đánh giá rằng, diễn biến trên sẽ còn diễn ra trong ngắn hạn. Dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển theo quy luật thông thường, sau sóng tăng điểm của nhóm cổ phiếu bluechip thì nhóm này điều chỉnh và dòng tiền dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác, như nhóm đầu cơ hoặc penny. Thị trường theo đó sẽ vẫn sideway trong khoảng hẹp và mốc 600 điểm sẽ vẫn là mốc hỗ trợ “cứng” của thị trường.

Bước vào phiên sáng đầu tuần mới 23/11, dư âm tích cực từ phiên cuối tuần trước giúp các chỉ số đều mở cửa trong sắc xanh. Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra tích cực khiến hoạt động giao dịch khá hứng khởi.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,43 điểm (+0,24%) lên 605,89 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 3,35 triệu đơn vị, giá trị 59,48 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng tiếp tục được nới rộng khi đà tăng ở nhóm cổ phiếu lớn VNM, VCB, VIC, MSN, FPT hay PVS, LAS, HUT, VCG… được duy trì. Trong đó, VNM tăng 2.000 đồng lên 133.000 đồng/CP. LAS tăng 300 đồng lên 31.400 đồng/CP.  PVS tăng 200 đồng lên 20.400 đồng/CP. HUT tăng 800 đồng lên 12.300 đồng/CP và khớp 1,26 triệu đơn vị…

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên cả 2 sàn đang gây được sự chú ý khi bất ngờ đồng loạt tăng điểm như SSI, HCM, SHS, VND, BVS, VIX… Trong đó, SSI tăng mạnh 700 đồng lên 24.000 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị. HCM cũng tăng tới 1.000 đồng lên 35.000 đồng/CP. SHS tăng 400 đồng lên 7.800 đồng/CP. VND cũng ăng 400 đồng lên 13.700 đồng/CP. VIX tăng 400 đồng lên 8.000 đồng/CP và khớp 1,55 triệu đơn vị

Ngược lại, một số mã lớn khác lại đang giảm điểm như GAS, PVD, DPM, KDC  hay PVC, PVB, NTP… trong đó PVB giảm 700 đồng về 34.800 đồng/CP.  NTP giảm 400 đồng xuống 64.500 đồng/CP. GAS đang giảm 200 đồng xuống 43.200 đồng/CP. PVD giảm 300 đồng xuống 33.200 đồng/CP. 

Trong khi đó, dòng tiền vẫn khá tích cực ở nhóm cổ phiếu thị trường. Các mã như FLC, HHS, ITA, HAI, FIT, VHG, KLF, SCR … hầu hết có được sắc xanh và thanh khoản đểu trên 1 triệu đơn vị. FLC dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường với hơn 5,3 triệu đơn vị được khớp.

Đáng chú ý, JVC đang tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp và dư mua giá trần hơn 3,6 triệu đơn vị.

Dần về cuối phiên, áp lực bán đã gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn, nhất là VNM và GAS, trong đó VNM đóng cửa dưới tham chiếu và mức thấp nhất phiên, khiến đã tăng của thị trường bị hãm lại, có thời điểm VN-Index đã lùi qua cả mốc tham chiếu. Tuy nhiên, nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu chứng khoán, một vài mã bluechips cũng như nhóm cổ phiếu thị trường, các chỉ số cũng đều giữ được sắc xanh. Dù vậy, giao dịch trong thời gian này cũng đã chậm lại so với nửa đầu phiên khi nhà đầu tư cẩn trọng hơn.

Kết thúc phiên sáng, với 110 mã tăng và 79 mã giảm, VN-Index tăng 0,38 điểm (+0,06%) lên 605,35 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 1,43 điểm (+0,23%) lên 612,59 điểm với 14 mã tăng và 8 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 69,6 triệu đơn vị, giá trị 1.128 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Còn với 78 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 1,47 điểm (+0,99%) lên 82,11 điểm. Chỉ số HNX30- Index tăng 0,86 điểm (0,58%) lên 150,43 điểm với 13 mã tăng và 8 mã giảm. Tổng giá trị giao dịch đạt 38,26 triệu đơn vị, giá trị 365,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với hơn 8,86 triệu đơn vị, giá trị 71 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 6,425 triệu cổ phiếu SHB trị giá 43,2 tỷ đồng và 1,483 triệu cổ phiếu HKB trị giá 18,8 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu lớn đã gia tăng khá mạnh. Đáng kể nhất là việc VNM quay đầu giảm 1.000 đồng về còn 130.000 đồng/CP. Các mã lớn khác như VIC, BVH, KDC, LAS, DBC, NTP, NDN… cũng lùi về tham chiếu hoặc giảm điểm nhẹ. Mã HAG kết phiên tại mốc tham chiếu 13.600 đồng/CP và khớp 1,7 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng cũng yếu đà khi khi đa phần cũng lùi về mốc tham chiếu như STB, MBB, CTG, SHB, ACB, hay giảm nhẹ như BID, EIB.

Ngoài ra, áp lực từ nhóm dầu khí cũng gây sức ép lên chỉ số. Các mã GAS, PVD, PVB, PVG, PVC, PLC, PGS… đều đồng loạt giảm điểm. Trong số các mã dầu khí lớn, chỉ PVT và PVS có được mức mức tăng nhẹ 1-2 bước giá.

Ngược lại, các mã lớn như VCB, MSN, FPT, HUT, CEO, AAA, VCG, VGS, SCR… vẫn duy trì được sắc xanh. Trong đó, HUT tăng 1.000 đồng lên 12.500 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, giao dịch trên thị trường vẫn tập trung chủ yếu tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như FLC, FIT, HAI, DLG, SBT, HHS, TSC, VHG, SCR, KLF…. Trong đó, FLC vẫn khớp mạnh nhất HOSE, đạt hơn 7 triệu đơn vị và tăng 200 đồng lên 9.000 đồng/CP. DLG khớp hơn 5,7 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu 9.100 đồng/CP.

Còn SCR khớp mạnh nhất sàn HNX với 2,4 triệu đơn vị  và tăng 100 đồng lên 8.600 đồng/CP. KLF cũng tăng 100 đồng lên 4.800 đồng/CP và khớp được 2,3 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan