Phiên giao dịch sáng 22/6: Vai trò của "đại gia"

(ĐTCK) Bất chấp áp lực bán tiếp tục diễn ra trên diện rộng, nhưng với sự hỗ trợ đắc lực của một số mã lớn, VN-Index vẫn duy trì đà tăng tốt, chinh phục thành công ngưỡng cản 590 điểm, trong khi HNX-Index không có được may mắn đó, nên đóng cửa trong sắc đỏ.
Phiên giao dịch sáng 22/6: Vai trò của "đại gia"

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường ghi nhận tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, tuần qua, dù thị trường duy trì đà tăng, nhưng mức tăng của các cổ phiếu không còn mạnh như trước, thậm chí một số mã đã quay đầu giảm giá do chịu áp lực chốt lời.

Bước vào tuần giao dịch mới, nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán vẫn giữ quan điểm thị trường sẽ chinh phục các ngưỡng kháng cự mới, nhưng sự phân hóa sẽ diễn ra ở các nhóm cổ phiếu.

Trong tuần qua, ngoài một số mã tăng mạnh do có thông tin hỗ trợ, thì sự tập trung của nhiều nhà đầu tư vẫn dồn về JVC và OGC.

Trong đó, JVC với việc đối phó quá chậm với tin đồn đã khiến cổ phiếu này chịu chuỗi giảm 9 phiên liên tiếp, trong đó có 4 phiên giảm sàn liên tiếp trong tuần qua với lượng dư bán sàn luôn chất đầy hàng triệu, thậm chí cả chục triệu cổ phiếu.

Trong khi OGC dù bị các quỹ ETF loại ra khỏi danh mục với lượng cung khủng, nhưng lại luôn duy trì sắc tím với 4 phiên tăng trần liên tiếp, từ mức 2.500 đồng khi đóng cửa phiên đầu tuần, lên 2.900 đồng cuối tuần.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, 2 mã này vẫn chính là tâm điểm chú ý của thị trường. Lực cầu bắt đáy JVC, nhất là từ khối ngoại đã tăng lên từ cuối tuần trước và duy trì khá tốt trong phiên sáng nay. Lệnh mua ATO tại JVC đã được cải thiện, đem lại chút lạc quan cho mã này, tuy nhiên, khi nhìn vào cột dư bán, thì khả năng để JVC phục hồi trở lại vẫn còn khá xa vời. Theo đó, lệnh bán ATO và bán sàn tiếp tục lên tới 12 triệu đơn vị. Kết quả, JVC được khớp hơn 2 triệu đơn vị trong đợt mở cửa và còn dư bán hơn 10 triệu giá sàn. Khối ngoại tiếp tục mua vào khá lớn mã này với gần 700.000 đơn vị, nhưng đây là lượng mua vào ở phiên thỏa thuận ngay đầu phiên.

Trong khi đó, bất chấp OGC công bố khoản lỗ khủng 1.370 tỷ đồng năm 2014 và ĐHCĐ thường niên lần 1 bất thành, nhưng lệnh mua vào vẫn rất lớn trong phiên sáng nay. Lệnh mua ATO, cũng như giá trần của mã này lên tới hơn 5 triệu đơn vị, tuy nhiên, áp lực chốt lời cũng đã xuất hiện, nên toàn bộ lệnh mua ATO và trần đều được hấp thụ hết trong đợt mở cửa với tổng khớp lên tới hơn 5 triệu đơn vị.

Sau đó, dù bên mua cố gắng giữ giá cổ phiếu này, nhưng trước lượng cung rất lớn, bên mua đã tạm thời chấp nhận “buông tay”, kéo OGC về lại mức tham chiếu. Sau hơn 30 phút giao dịch, OGC được khớp tới gần 10 triệu đơn vị, trong khi lượng khớp thêm của JVC không nhiều, vì chỉ còn rất ít nhà đầu tư có đủ dũng cảm để xuống thêm tiền.

Trở lại với diễn biến chung của thị trường sáng nay. Ngoài 2 mã đáng chú ý trên, lực mua vào ngay đầu phiên cũng khá tích cực, nhất là ở một số mã lớn như VNM, MSN, VCB…, giúp sắc xanh tiếp tục được duy trì, cùng với sự sôi động của OGC và JVC, thanh khoản của thị trường cũng tăng mạnh so với các đợt mở cửa trước đó.

Cụ thể, kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 3,63 điểm (+0,62%), lên 588,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,61 triệu đơn vị, giá trị 107,4 tỷ đồng.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, thị trường chỉ lình xình đi ngang quanh mức mở cửa khi các mã cũng chưa có sự đột biến. Giao dịch cũng diễn ra chậm khi bên mua muốn mua giá thấp, còn bên bán muốn bán giá cao.

Trong khi đó, sàn HNX cũng giằng co quanh tham chiếu khi các mã đáng chú ý đều đang chịu áp lực chốt lời khá lớn, ngoại trừ ASA đang duy trì mức tăng trần, lên 6.700 đồng. FIT, KLF, SCR đang giảm nhẹ, trong khi ACB hỗ trợ đà tăng của HNX-Index lúc đầu cũng đã hạn nhiệt.

Sau nhiều nỗ lực, cùng sự hỗ trợ đắc lực của VNM, MSN, VCB, BID, CTG…, VN-Index đã giữ vững được đà găng và đóng cửa chinh phục được ngưỡng hỗ trợ mới 590 điểm. Trong khi đó, áp lực bán mạnh khiến HNX-Index dao động theo hình răng cưa với xu hướng giảm dần.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 5,98 điểm (+1,02%), lên 590,68 điểm với 83 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 84,83 triệu đơn vị, giá trị 1.066,46 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,43 triệu đơn vị, giá trị 78,24 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,39%), xuống 86,77 điểm với 54 mã giảm và 81 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,8 triệu đơn vị, giá trị 304,2 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,8 triệu đơn vị, giá trị 28,8 tỷ đồng.

Trong khi giao dịch của JVC bất động sau 15 phút sôi động đầu phiên do không còn ai đủ dũng cảm xuống tiền, thì OGC lại tiếp tục duy trì sự sôi động khi “cuộc chiến” giữa bên chốt lời và những người tìm kiếm cơ hội mới diễn ra khá gây cấn. Chốt phiên, OGC được khớp 15,5 triệu đơn vị, đứng ở mức 3.000 đồng, tăng 3,45%, trong khi JVC đứng ở giá sàn 12.100 đồng và còn dư bán sàn tới 12,64 triệu đơn vị.

Dù được khớp hơn 15,5 triệu đơn vị, nhưng OGC không phải là mã có thanh khoản tốt nhất HOSE trong phiên sáng nay, mà đó là FLC khi mã này được khớp tới hơn 20,57 triệu đơn vị. Tuy nhiên, FLC lại chủ yếu dao động dưới tham chiếu, có thời điểm áp lực bán mạnh khiến mã này giảm hơn 4,3% trước khi đóng cửa ở mức 9.100 đồng, giảm 2,15%.

Trong khi đó, các mã lớn như VNM, MSN, VCB, BID, CTG lại tăng rất mạnh, trong đó VNM tăng 3,74%, lên 111.000 đồng, MSN tăng 4,6%, lên 79.500 đồng, VCB tăng 1,9%, BID tăng 2,29%, CTG tăng 1,44%. Ngoài ra, còn có các mã bluechip khác như FPT, VIC, HAG, HPG, MBB, KDC…

HHS được một số nhà đầu tư đánh giá là có triển vọng khả quan, nhưng sau đợt sóng mạnh trước đó, hiện vẫn chưa lấy lại được đà tăng sau thời gian khá dài tích lũy. Trong khi sức nóng của ATA đã hạ nhiệt sau 12 phiên tăng trần liên tiếp với phiên giảm 4,65%, xuống 4.100 đồng, dù lúc đầu phiên còn có sắc tím 4.600 đồng. Trong khi sắc tím xuất hiện ở một vài mã nhỏ khác như VNH, GTT, TNT, LCM, CIG, C47.

Trên HNX, áp lực bán mạnh đã khiến SHN quay đầu giảm sàn xuống 19.300 đồng với 1,23 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn. Trong khi sắc tím đúng nghĩa gần như thiếu vắng trên sàn này.

Giao dịch trên sàn cũng không sôi động như trước khi mã có thanh khoản lớn nhất sàn là KLF cũng chỉ được khớp 2,4 triệu đơn vị. FIT tiếp tục giảm 2,92%, xuống 13.300 đồng, trong khi ASA có giao dịch khá thú vị. Dù nửa đầu phiên còn dư mua giá trần, nhưng kết thúc phiên, trong khi lượng dư bán trống trơn, nhưng ASA lại không có được sắc tím.

Tin bài liên quan