Phiên giao dịch sáng 2/11: Lực cản quá mạnh

Phiên giao dịch sáng 2/11: Lực cản quá mạnh

(ĐTCK) Thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch sáng và tiến đến mốc kháng cự quan trọng 610 điểm. Tuy nhiên, đây đúng là ngưỡng cản mạnh, nên VN-Index bị đẩy lùi trở lại và đóng cửa phiên trong sắc đỏ.

Tuần trước, dưới sự dẫn dắt của các nhóm ngành và một số cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index vượt xa mốc 600 điểm qua 2 phiên tăng tích cực vào cuối tuần. Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng duy trì khá ổn định với tổng giá trị giao dịch trung bình phiên đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại cũng hoạt động khá tích cực. Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, riêng trong tháng 10, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.150 tỷ đồng, trong khi tháng trước bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là thông tin hỗ trợ cho tâm lý thị trường trong thời gian tới.

Theo ông Đào Hồng Dương, Trưởng phòng phân tích CTCK Dầu khí (PSI), về thanh khoản từ năm 2012 đến nay, các giai đoạn VN-Index có mức thanh khoản ổn định hoặc tăng dần từ mức thấp lên đến 90 triệu đơn vị cổ phiếu thường là dấu hiệu cho một giai đoạn tăng trưởng ổn định hoặc sôi động của thị trường.

Ông Dương cũng cho biết, nếu không phát sinh các yếu tố đột biến, kỳ vọng của VN-Index có thể giao động trong vùng 586-618 điểm, HNX-Index dao động tương ứng 80,3-83,1 điểm.

Đến nay, mức tranh kết quả kinh doanh quý III/2015 đã dần sáng tỏ và những báo cáo khả quan ở một số doanh nghiệp đầu ngành vẫn là điểm tựa của thị trường trong những tháng còn lại của năm.

Bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, thị trường tiếp tục duy trì sắc xanh. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại thị trường có thể xuất hiện những phiên điều chỉnh  để Vn-Index kiểm định lại mốc 600 điểm khiến giao dịch khá thận trọng, thanh khoản ở mức khá thấp.

Kết thúc đợt 1, VNn-Index tăng nhẹ 0,56 điểm (+0,09%) lên 607,93 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,56 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 58,58 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, với sự dẫn dắt của VNM, FPT, BVH cùng sắc xanh của một số bluechip khác như VCB, VIC, GAS, BID… đã giúp VN-Index nhanh chóng áp sát mốc 610 điểm. Dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát và chưa có dấu hiệu nhập cuộc.

Tại thời điểm 9h57, Vn-Index tăng 1,52 điểm (+0,25%) tạm đứng ở mức 608,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 20,68 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 391 tỷ đồng. Trong khi HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,19%) lên 82,38 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,75 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 113,76 tỷ đồng.

FLC là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với hơn 2,7 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Hiện FLC tăng nhẹ 100 đồng (+1,43%) đứng ở mức 7.1 đồng/CP.

Đáng chú ý, cổ phiếu lao dốc trong thời gian gần đây và trong tuần qua, liên tiếp nằm sàn và trở thành quán quân của top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần trước là BGM đã bật tăng mạnh. Hiện BGM tăng trần với lượng khớp gần 2 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 89.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, sau những phiên lình xình quanh mốc tham chiếu, KVC đã có bước nhảy vọt cả về giá và thanh khoản. Lực cầu hấp thụ mạnh giúp KVC bật tăng 300 đồng (+3,57%) và khớp hơn 2 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.

Áp lực bán gia tăng khiến nhiều mã đảo chiều giảm điểm, trong đó, sức ép chính đến từ các cổ phiếu bluechip kéo hai chỉ số lùi về dưới mốc tham chiếu.

Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 60 mã tăng và tới 119 mã giảm, chỉ số Vn-Index giảm 1,07 điểm (-0,18%) xuống 606,3 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 51,51 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 955 tỷ đồng. VN30-Index giảm 2,07 điểm (-0,33%) xuống 617,14 điểm với 15 mã giảm, 5 mã tăng và 10 mã đứng giá.

Sàn HNX, số mã giảm (108 mã) cũng gấp hơn 2 lần số mã tăng (48 mã), chỉ số HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,42%) xuống 81,88 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 26,25 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 330,72 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,34 điểm (-0,22%) xuống 151,71 điểm khi có tới 13 mã giảm, chỉ 4 mã tăng và 11 mã đứng giá.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp khá tích cực với hơn 122 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 106 tỷ đồng trên sàn HNX.

Hầu hết các lực đỡ chính của nửa đầu phiên sáng như VNM, PVD, VIC, BVH đã quay đầu giảm điểm hoặc trở lại mốc tham chiếu là lực hãm chính của thị trường. Ngoài ra, sắc đỏ của một số bluechip khác như MSN, HSG, HPG, SSI… cũng đóng góp kéo Vn-Index đi xuống.

Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng là điểm tựa chính giúp Vn-Index không bị giảm quá sâu. Cụ thể, VCB tăng 1,05%, CTG và BID cùng tăng hơn 0,4%.

Thanh khoản thị trường vẫn khá cầm chừng, tuy nhiên, dòng tiền chủ yếu tập trung ở các mã đầu cơ như FLC khớp 4,35 triệu đơn vị, BGM khớp 2,54 triệu đơn vị, DLG khớp 2,14 triệu đơn vị…

Điểm đáng chú ý, sau thời gian dài thăng hoa, các cổ phiếu trong nhóm ô tô bắt đầu lao dốc mạnh. Lần lượt HTL, SVC, HAX đều chạm sàn, TMT giảm 5,69% xuống sát sàn.

Trên sàn HNX, PVS là lực đỡ chính khi tăng 1,39%, cùng sắc xanh của một số mã như KLF, VCG, AAA đóng góp tích cực hỗ trợ thị trường.

Tuy nhiên, áp lực bán diễn ra khá rộng với sắc đỏ đậm của nhiều mã như PLC, TCT, LAS, NTP, ACB… khiến HNX-Index trở lại mốc 81 điểm.

KVC vẫn duy trì lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị và dẫn đầu thanh khoản trên sàn. Đóng cửa, KVC tăng 200 đồng lên 8.600 đồng/CP. Tiếp đó, ACM và SCR cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan