Phiên giao dịch sáng 18/4: Rút tiền khỏi chứng khoán

Phiên giao dịch sáng 18/4: Rút tiền khỏi chứng khoán

(ĐTCK) Sau phiên bay cao ngày hôm qua, chứng khoán Việt Nam nhanh chóng rơi mạnh xuống mặt đất khi dòng tiền đã có dấu hiệu rút khỏi thị trường.

Sau 2 phiên lao dốc mạnh ngày 15 và 16/4, chứng khoán Việt Nam bất ngờ hồi phục mạnh trở lại trong phiên 17/4. Tuy nhiên, phiên phục hồi đi kèm với thanh khoản giảm này của thị trường được nhận định là nhờ tiết cung hơn là nhờ lực cầu. Vì vậy, đa số công ty chứng khoán đều đưa ra đánh giá, phiên phục hồi ngày 17/4 chỉ là phiên phục hồi kỹ thuật và thị trường vẫn đối diện với những phiên giảm điểm, tiếp tục đe dọa các mốc hỗ trợ.

Đúng như lo ngại của giới đầu tư và công ty chứng khoán, đà tăng mạnh của phiên hôm qua không thể duy trì trong phiên giao dịch sáng nay.

Lực cung tiếp tục bị tiết giảm, trong khi dòng tiền cũng không mặn mà tham gia thị trường khiến diễn biến thị trường diễn ra ảm đạm.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,58 điểm (+0,1%), lên 580,89 điểm với tổng giá trị giao dịch rất thấp, chỉ đạt 28,6 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, lực cung vẫn duy trì ở mức thấp, nhưng lực mua cũng không khá hơn, thậm chí nhiều nhà đầu tư giữ tiền mặt rồi đứng nhìn thị trường, khiến diễn biến thị trường diễn ra rất buồn tẻ. VN-Index giảm dần với thanh khoản nhỏ giọt, với những lệnh khớp nhỏ, lẻ tẻ. Mốc hỗ trợ ngắn hạn, giúp VN-Index trong 2 phiên giao dịch giảm sâu trước đó là 575 điểm dễ dàng bị xuyên thủng và chỉ số này đang trên đường đe dọa phá vỡ luôn mốc hỗ trợ 570 điểm.

Trên HNX, diễn biến cũng không khá khẩm hơn, chỉ số HNX-Index thoải dần theo thời gian, xuống dưới mốc 82 điểm, thanh khoản cũng lẹt đẹt khi cả bên bán và bên mua gần như đã nghỉ ngơi sớm.

Tuy nhiên, khi VN-Index chạm mốc 570 điểm, chỉ số đã quay đầu đi lên nhờ sự hỗ trợ của một vài mã lớn, cho dù số mã tăng và giảm giá vẫn không thay đổi nhiều so với trước đó. Vẫn chỉ có dưới 20 mã tăng giá, trong khi hơn 200 mã giảm giá. Dù vậy, việc GAS, VNM, CTG lên lại tham chiếu và BID chuyển sắc xanh đã kéo VN-Index lên lại sát mốc 575 điểm. Trong khi trên HNX, cũng kịp hồi nhẹ khi xuống 81,7 điểm, vượt lại qua mốc 82 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm 5,35 điểm (-0,92%), xuống 574,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,5 triệu đơn vị, giá trị 777 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể. VN30-Index cũng hồi dần theo VN-Index và chỉ còn mất 8,38 điểm (-1,3%), khi chốt phiên so với mức giảm hơn 13,6 điểm trước đó, đóng cửa phiên sáng ở mức 628,8 điểm. HNX-Index giảm 1,49 điểm (-1,78%), xuống 82,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,6 triệu đơn vị, giá trị 317,3 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 3,95 điểm (-2,29%), xuống 168,15 điểm.

Trên HOSE, KDC lúc đầu một mình một màu trong nhóm bluechips, tuy nhiên, do lực mua quá yếu, mã này cũng phải quay đầu giảm điểm. Với diễn biến tiêu cực của thị trường, tưởng chừng VN-Index sẽ xuyên qua mốc 570 điểm, tuy nhiên, giống như mốc 575 trước đó, khi chạm mốc hỗ trợ này, VN-Index đã được kéo trở lại và cùng với kịch bản tương tự là dựa vào các mã vốn hóa lớn.

Trong khi cả sàn bị nhuộm đỏ, thì BID lại giữ được mức giá khá tốt, sau đó, cổ phiếu này thậm chí còn tăng giá nhờ lực cầu ngoại. Cùng với BID, CTG cũng giữ giá được khá tốt, bên cạnh đó là GAS, VNM được kéo về tham chiếu cuối phiên đã hãm đà rơi của VN-Index. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các mã này là thanh khoản rất thấp.

AGR sau phiên tăng trần hôm qua tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong phiên sáng nay, nhưng trước sự sợ hãi chung của toàn thị trường, AGR đã điều chỉnh giảm trở lại, đóng cửa ở mức 8.400 đồng/cổ phiếu, giảm 100 đồng với 1,17 triệu đơn vị được khớp.

FLC cũng mất 500 đồng (-3,65%), xuống 13.200 đồng/cổ phiếu với gần 5,2 triệu đơn vị được khớp, trong khi ITA cũng giảm 300 đồng (-3,33%), xuống 9.000 đồng với 2,54 triệu đơn vị được khớp.

Trên HNX, các mã dẫn dắt và hút tiền trên sàn như PVX, SHB, PVS, các mã chứng khoán cũng đồng loạt giảm giá, trong đó, các mã chứng khoán nhỏ một lần nữa lao nhanh hơn khi chạm sàn từ khá sớm.

PVX giảm 300 đồng (-5,66%), xuống 5.000 đồng với 5,8 triệu đơn vị được khớp, SHB cũng mất 300 đồng (-2,75%), xuống 10.600 đồng/cổ phiếu, bất chấp thông tin T&T đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu này.

Trong khi đó, ACB bất ngờ được giữ giá khá tốt trong những phiên gần đây, ngay cả lúc thị trường giảm mạnh, ACB cũng giữ được mức tham chiếu, thậm chí còn tăng nhẹ. Trong phiên sáng nay, ACB còn được khớp gần 250.000 đơn vị và đứng ở mức tham chiếu 16.700 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan