Phiên giao dịch sáng 18/1: Nhà đầu tư hoảng loạn, VN-Index mất 3,2%

(ĐTCK) Với ảnh hưởng của thị trường chứng khoán toàn cầu và thông tin về áp lực giải chấp đã tạo tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Lực bán tháo đã diễn ra ngay từ đầu phiên, đẩy VN-Index có lúc giảm hơn 20 điểm.
Phiên giao dịch sáng 18/1: Nhà đầu tư hoảng loạn, VN-Index mất 3,2%

Thị trường chưa thấy điểm sáng khi các chỉ số liên tiếp chứng kiến những phiên mất điểm cùng thanh khoản ở mức thấp. Cùng với đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh bán ròng trên cả hai sàn khiến giới đầu tư càng bi quan hơn. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng diễn biến thị trường sẽ tiếp tục tiêu cực khi các ngưỡng hỗ trợ mạnh đều đã bị xuyên thủng.

Trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán Trung Quốc, dòng tiền tháo chạy ngày càng tăng nhanh. Theo ghi nhận từ các ngân hàng Trung Quốc, nhu cầu đổi nhân dân tệ sang USD của người dân đã tăng vọt trong đầu năm 2016 so với các năm trước đó. Việc làm này có thể giúp Việt Nam kỳ vọng hơn về một lượng tiền lớn để được chuyển từ Trung Quốc sang đầu tư vào thị trường chứng khoản Việt khi hầu hết các cổ phiếu đều đã xuống mức giá hấp dẫn.

Trong nước, thông tin về áp lực giải chấp đưa ra cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Dù dư nợ margin hiện thấp hơn rất nhiều, nhưng với diễn biến thị trường và tâm lý nhà đầu tư hiện tại, áp lực này sẽ tác động xấu đến thị trường.

Những thông tin trên đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị hoảng loạn trong phiên sáng nay.  Ngay khi mở cửa phiên giao dịch, VN-Index đã đánh mất hơn 10 điểm và lùi về sát mốc 530 điểm nhưng điểm tích cực là lực cầu bắt đáy có dấu hiệu gia tăng.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 10,5 điểm (-1,93%) xuống 532,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,94 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 97,58 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường không ngừng rơi khi áp lực bán đẩy mạnh. Ngưỡng hỗ trợ được hầu hết các công ty chứng khoán nhận định là 530 điểm nhanh chóng bị xuyên thủng khiến đà bán tháo càng tăng mạnh. Thị trường nhuốm trong sắc đỏ với nhiều mã lùi về mức sàn.

Trên sàn HOSE, số mã giảm (185 mã) đã gấp gần 10 lần số mã tăng (19 mã), nhóm Vn30 đồng loạt giảm điểm. Đáng chú, HSG, FLC và cả OGC mới được thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt và được giao dịch cả ngày từ ngày hôm nay đua nhau giảm sàn.

Lực cầu bắt đáy cũng khá tốt tuy nhiên không thể cứu vãn thị trường trước áp lực bán tháo trên diện rộng khiến VN-Index mất tới hơn 20 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch. Tương tự trên HNX, sắc đỏ cũng lan rộng bảng điện tử khiến HNX-Index cũng mất gần 3% về mốc 73 điểm.

Lực cầu bắt đáy cũng túc tắc được đưa ra, nhưng không đủ lực giúp thị trường đảo chiều, mà chỉ giúp đà giảm được hãm chút ít.
Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 17,36 điểm (-3,2%) xuống 525,68 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 93,81 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.394,53 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 5,81 triệu đơn vị, trị giá 190,31 tỷ đồng với sự đóng góp lớn của 1,2 triệu trái phiếu BID1_106, trị giá 98,42 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 2,31 điểm (-3,06%) xuống 73,08 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 30,25 triệu đơn vị, trị giá 264,56 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 15 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip là gánh nặng chính của thị trường, trong khi Vn30 tất cả đều giảm mạnh khiến chỉ số Vn30-Index giảm 16,22 điểm (-2,92%) xuống 539,54 điểm thì HNX30 cũng chỉ có duy nhất DBC giao dịch trên mốc tham chiếu 1 bước giá, chỉ số HNX30-Index giảm 5,16 điểm (-3,94%) xuống 125,68 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục rơi xuống mốc 28 USD/thùng khiến đồng loạt các cổ phiếu trong nhóm dầu khí giảm mạnh như PVD giảm 4,95%, GAS giảm 6,41%, PVS giảm 5,59%, PVC giảm 8,53%, PVB giảm 7,63%, PLC giảm 1,85%, nhiều mã nhỏ giảm sàn như PXI, PV2, PVL, PVV, PVG.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng cũng tác động mạnh tới thị trường như VCB giảm 4,19%, BID giảm 5,06%, CTG giảm 4,55%, STB giảm 1,8%, SHB giảm 5,08%, ACB giảm 2,09%...

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là các cổ phiếu nhóm đầu cơ. Đúng như nhận định của các chuyên gia trong chuyên mục góc nhìn, nhóm cổ phiếu đầu cơ chưa có đất diễn. Theo Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS, trong đợt này có nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá đã bị mất giá mạnh so với các cổ phiếu trung bình và lớn.

Khá nhiều cổ phiếu thị trường quen thuộc đã lùi về mức sàn như FLC giảm 6% với khối lượng dẫn đầu thị trường đạt 13,27 triệu đơn vị, ITA giảm 6% và khớp 4,66 triệu đơn vị, OGC giảm 5% với lượng khớp 3,26 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 0,86 triệu đơn vị, FIT giảm hơn 6% và khớp hơn 2 triệu đơn vị. Ngoài ra, nhiều mã như BGM, HAI, GTT, HQC, JVC, MCG, VHG… cũng đua nhau nằm sàn.

Trên HNX, KLF là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn với hơn 3,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Chốt phiên, KLF cũng rớt sàn với mức giảm 8,11% xuống 3.400 đồng/Cp.

Tin bài liên quan