Phiên giao dịch sáng 17/6: Ôm tiền đợi ETFs

Phiên giao dịch sáng 17/6: Ôm tiền đợi ETFs

(ĐTCK) Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường giao dịch chậm và các chỉ số tiếp tục điều chỉnh. Đây là sự thận trọng cần thiết, bởi phiên hôm nay là phiên cuối các quỹ ETFs sẽ chốt xong danh mục của mình. Theo lịch sử, đột biến sẽ xảy ra trong cuối phiên chiều, tập trung chính vào đợt ATC.

Áp lực bán mạnh trong đợt ATC của phiên giao dịch trước đó tiếp tục duy trì trong phiên sáng nay khi các chỉ số đều mở cửa trong sắc đỏ, tâm lý thận trọng bao trùm. Sự thận trọng này là điều dễ hiểu, bởi hôm nay là ngày cuối chốt danh mục của các quỹ ETFs.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 2,19 điểm (-0,35%) xuống 622,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,56 triệu đơn vị, giá trị 38,28 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm của thị trường được thu hẹp bớt, một phần do một số mã bluechips có sự hồi phục, song chủ yếu vẫn là do lượng cung giá thấp được tiết giảm.

Một số mã như FPT, KDC, EIB, STB, CII... đang tăng điểm nhẹ, trong khi VNM, MSN, CTG, REE… đang lình xình quanh mốc tham chiếu.

Đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, sức ép cũng đang gia tăng khi tiếp tục đón nhận thông tin kém tích cực về giá dầu. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm 16/6, trước nỗi lo “Brexit”, giá dầu WTI tiếp tục giảm và mất mốc 47 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5/2016. Các hợp đồng dầu thô tương lai cũng trượt dốc liên tục 6 phiên xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, đồng thời cũng là chuỗi rớt giá dài nhất kể từ tháng 2/2016.

GAS và PVT đang giảm 500 đồng, trong khi PVT giao dịch quanh mức tham chiếu.

Đáng chú ý, SBT đang đo sàn ở mức giá 32.500 đồng khi đang bị bán rất mạnh, hiện đã khớp được hơn 3,4 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trong khi các mã lớn đang chịu sức ép, một số cổ phiếu đầu cơ như HHS, FLC, FIT, ITA, FIT, GTN, IJC… lại đang giao dịch khá tích cực.

Trên sàn HNX, nhóm dầu khí đang là lực cản chính của chỉ số HNX-Index khi đồng loạt giảm điểm. Trong khi nhiều mã lớn trên sàn này có sự hồi phục khá tốt như NTP, LAS, DBC…

DCS và PVX đang có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. DCS tăng nhẹ, còn PVX lình xình quanh tham chiếu.

Như đã nêu trên, do đây là phiên mà các ETFs chốt danh mục, nên như thường lệ, hoạt động giao dịch chỉ thực sự sôi động trong thời gian cuối phiên chiều. Do đó, trạng thái giao dịch ảm đạm tiếp tục được duy trì cho đến khi kết phiên sáng nay, thị trường vì vậy mà không có nhiều chuyển biến, ngoại trừ con sóng nhỏ đến từ nhóm cổ phiếu ô tô.

Cung giá thấp gia tăng trở lại khiến độ rộng thị trường bị thu hẹp đáng kể, bởi vậy đà giảm của các chỉ số đều bị nới rộng hơn ở những thời điểm cuối phiên. Thị trường giảm điểm, song việc nhà đầu tư “ôm” tiền chờ hành động của ETFs nên hoạt động giao dịch rất yếu, thanh khoản theo đó cũng sụt giảm rất mạnh.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 2,48 điểm (-0,4%) xuống 622,63 điểm. Chỉ số VN30- Index giảm 2,84 điểm (-0,46%) xuống 619,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 54,75 triệu đơn vị, giá trị 1.071,47 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận cũng chỉ đóng góp 18,72 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,21%) xuống 83,97 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,64 điểm (-0,42%) xuống 150,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 25,73 triệu đơn vị, giá trị 337,74 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ là 3,37 tỷ đồng.

Trong số các mã bluechips còn tăng điểm (4 mã), thì khá bất ngờ là VNM đã tăng nhẹ trở lại sau phần lớn thời gian lình xình tại tham chiếu. Sức nặng của VNM, cùng STB, KDC đã giúp hãm bớt đà giảm của chỉ số.

VNM tăng 1.000 đồng, KDC tăng 300 đồng và STB tăng 100 đồng.

Sáng nay, KDC tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016. Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu 1.800 tỷ động, lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng, tiếp tục mua 26 triệu cổ phiếu quỹ với giá tối đa 30.000 đồng/CP. KDC dự kiến tăng sở hữu tại Vocarimex lên 51%, cũng như kỳ vọng hoàn tất các thủ tục chuyển giao 20% vốn còn lại tại mảng bánh kẹo vào cuối năm nay.

Ngoài các mã trên, đa phần các mã bluechips khác đều giữ sắc đỏ. SBT đã thoát mức giá sàn, nhưng vẫn giảm 2.000 đồng về 32.900 đồng/CP và khớp 4,3 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên thị trường.

Không chỉ SBT, các mã đầu ngành khác là HPG, HSG, SSI cũng chịu áp lực chốt lời nên đều giảm điểm, trong đó HSG giảm mạnh 1.700 đồng về 39.900 đồng/CP, khớp lệnh 2,4 triệu đơn vị. SSI và HPG khớp lần lượt 1,1 triệu và 2,03 triệu đơn vị.

Áp lực bán cũng làm các cổ phiếu đầu cơ cùng suy yếu nhanh chóng, sau khi đã tăng khá tốt đầu phiên. FLC lùi về tham chiếu 6.400 đồng/CP, khớp lệnh 4,4 triệu đơn vị, mạnh nhất thị trường. Các mã ITA, HAR, VHG, ITA, HQC… cũng đều mất sắc xanh.

Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, nhóm cổ phiếu ô tô với các mã TMT, HAX, HTL, SVC, HHS... bất ngờ đồng loạt tăng điểm mạnh, giao dịch sôi động. HAX và HTL tăng trần. HHS tăng nhẹ 100 đồng lên 9.900 đồng/CP, song thanh khoản khá mạnh với hơn 3,6 triệu đơn vị được khớp. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ việc tăng thuế đối với dòng xe có dung tích động cơ lớn bắt đầu từ ngày 1/7 tới đây.

Trên sàn HNX, tình trạng cũng tương tự như trên HOSE. Ngoại trừ PVB bất ngờ tăng điểm, các mã dầu khí còn lại vẫn là gánh nặng đối với HNX-Index.

Trong khi đó, các mã như NTP, DBC, LAS, SHS, DCS vẫn giữ được sắc xanh nhẹ, góp phần hạn chế đà giảm của chỉ số. DCS dẫn đầu thanh khoản với hơn 2 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, cũng chỉ có thêm PVX, VCG, HKB, DST là có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó DST và HKB tăng điểm, riêng HKB tăng mạnh 1.100 đồng lên 20.500 đồng/CP.

Tin bài liên quan