Phiên giao dịch sáng 17/11: “Song kiếm hợp bích”

Phiên giao dịch sáng 17/11: “Song kiếm hợp bích”

(ĐTCK) VN-Index trong phiên sáng nay liên tục đổi hướng theo “nhiệt kế” của các mã bluechips. Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của thị trường vẫn là những mã có tính đầu cơ với sự dẫn dắt của FLC - HAI.

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhiều nhà đầu tư đã lo sợ về đợt bán tháo diễn ra trên thị trường chứng khoán toàn cầu sau cuộc tấn công khủng bố của các phần tử IS tại Paris (Pháp) cuối tuần qua, cùng những lời đe dọa khủng bố Anh, Mỹ. Điều này đã phần nào đúng trên thị trường chứng khoán châu Á khi chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần, chứng khoán Hồng Kông cũng mất tới hơn 1,7% và chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh khi mở cửa.

Tuy nhiên, cuộc khủng bố của các phần tử IS đã làm cho tình hình  địa chính trị căng thẳng thêm khi Pháp tăng cường không kích IS tại Syria, làm gia tăng lo ngại về việc nguồn cung dầu ở Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng, giúp giá dầu hồi phục mạnh trở lại trong phiên đầu tuần.

Sự hồi phục mạnh của giá dầu đã tiếp động lực cho nhóm cổ phiếu năng lượng trên toàn cầu bứt phá, giúp các thị trường chứng khoán Âu, Mỹ hồi phục, thậm chí phố Wall còn lên mức cao nhất 3 tuần.

Cũng giống như nhóm cổ phiếu năng lượng trên thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí niêm yết trên TTCK Việt Nam cũng được săn đón khá tốt khi mở cửa phiên sáng nay. Ngay cả PVD dù bị Quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF loại ra khỏi danh mục, nhưng vẫn tăng khá tốt.

Chính nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu dầu khí đã giúp cả 2 chỉ số chính mở cửa với sắc xanh và duy trì đà tăng khá tốt trong những phút giao dịch đầu tiên.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,25 điểm (+0,04%), lên 609,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,83 triệu đơn vị, giá trị 118,56 tỷ đồng.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục với việc nhóm cổ phiếu dầu khí nới rộng đà tăng, VN-Index cũng vượt qua được mốc 610 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức tốt nhờ các mã thị trường như FLC, HAI, HQC, CII.

Tuy nhiên, việc chỉ số phụ thuộc quá nhiều vào một vài nhóm cụ thể trong từng phiên khiến đà tăng của thị trường không vững.

Trong khi nhóm dầu khí và một vài bluechips khác “chi phối” điểm số của Index, thì dòng tiền vẫn hướng vào các mã thị trường với sự dẫn dắt của FLC và sáng nay có thêm sự tham gia của “người thân” HAI. Không thua kém 2 "người anh em" của mình trên HOSE, KLF sau nửa phiên đầu gặp khó khăn, cũng đã nhận được lực cầu lớn để bứt phát lên mức giá trần 4.800 đồng trước khi đóng cửa ở mức 4.700 đồng, tăng 6,82% với 7,39 triệu đơn vị được khớp.

Như đã nói ở trên, trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu dầu khi đang là điểm tựa chính cho thị trường, nên diễn biến của cả 2 chỉ số dường như “du theo” nhóm cổ phiếu này.

Vừa bước vào đợt khớp lệnh liên tục, với việc GAS và PVD tăng mạnh 4% và 2,32%, cùng sự hỗ trợ thêm của VIC đã giúp VN-Index tăng tiến qua mốc 610 điểm. Tuy nhiên, khi VN-Index vượt qua mốc 610 điểm, lực bán đã được đẩy ra, hãm đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí, qua đó khiến VN-Index thoái lui trở lại.

Ngoài ra, việc VNM đang giảm dần cản nỗ lực phục hồi của thị trường. VN-Index sau 50 phút dao động tích cực đã đảo chiều giảm trở lại.

Sau đó, thêm VCB hồi phục giúp VN-Index lấy lại đà tăng, nhưng cũng giống như đầu phiên sáng, ngay khi VN-Index vượt qua 610 điểm, lực bán đã gia tăng, đẩy chỉ số này thoái lui trở lại và chỉ có may mắn, VN-Index mới giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên sáng nay.

Trên HNX, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng không quá mạnh, nhưng lại giữ được giá khá tốt, cùng với sự hỗ trợ của một số bluechip khác như LAS, NTP, ACB, giúp HNX-Index duy trì đà tăng tốt hơn VN-Index.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,08 điểm (+0,01%), lên 609,29 điểm với 107 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 97,75 triệu đơn vị, giá trị 1.506,33 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,5 triệu đơn vị, giá trị 114,62 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 0,25 điểm (+0,3%), lên 81,29 điểm với 80 mã tăng và 66 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,59 triệu đơn vị, giá trị 353,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,36 triệu đơn vị, giá trị 18,69 tỷ đồng.

Trong khi nhóm dầu khí và một vài bluechips khác “chi phối” điểm số của Index, thì dòng tiền vẫn hướng vào các mã thị trường với sự dẫn dắt của FLC và sáng nay có thêm sự tham gia của “người thân” HAI.

Sau những phút đầu gặp khó do áp lực chốt lời sau mấy phiên tăng tích cực, FLC đã nhận được lực cầu lớn để bứt phá lên mức giá trần 8.700 đồng trước khi hạ nhiệt trở lại cuối phiên, chốt ở mức 8.500 đồng, tăng 3,66% với 13,18 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, lượng dư bán của HAI đã được hấp thụ hết trong những phút cuối phiên, đưa mã này lên mức giá trần 6.400 đồng với  8,9 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần 374.210 đơn vị.

Sự sôi động của FLC và HAI đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ chảy mạnh vào các mã khác như VHG, ITA, HQC, trong đó VHG đóng cửa ở mức 7.900 đồng, dưỡi mức trần 1 bước giá với 3,5 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, CII sau khi bị bán mạnh đầu phiên với thông tin có khả năng lỗ lớn trong quý IV do phải trích lập dự phòng, đã nhận được lực cầu tốt trở lại cuối phiên, giúp mã  này chốt phiên chỉ còn giảm nhẹ 1 bước giá với hơn 7,4 triệu đơn vị được khớp.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng mua vào khá mạnh các mã này, trong đó mua vào mạnh nhất là DLG với 3,84 triệu đơn vị trong phiên thỏa thuận, FLC được mua vào 783.160 đơn vị, CII là 445.560 đơn vị, ITA 60.000 đơn vị…

VNM giảm 2,14%, xuống mức thấp nhất phiên 137.000 đồng, MSN cũng giảm 0,68%, xuống 73.000 đồng, FPT, CTG, MBB, EIB cũng đóng cửa trong sắc đỏ, cản trở bước tiến của VN-Index.

Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ kết quả kinh doanh, DQC có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, xuống 62.000 đồng với lượng mua nhỏ giọt khi mới chỉ được khớp 19.640 đơn vị, trong khi lượng dư bán còn tới 478.810 đơn vị.

Cũng giống như những người anh em của mình trên HOSE, KLF sau nửa phiên đầu gặp khó khăn, cũng đã nhận được lực cầu lớn để bứt phát lên mức giá trần 4.800 đồng trước khi đóng cửa ở mức 4.700 đồng, tăng 6,82% với 7,39 triệu đơn vị được khớp. Tiếp sau đó là SCR với hơn 5 triệu đơn vị được khớp và cũng có sắc xanh khi chốt phiên. TIG thời gian gần cũng đây đã gia nhập nhóm cổ phiếu thị trường khi liên tục cùng với các mã thị trường cũ như KLF, SCR, SHB thay nhau dẫn dắt dòng tiền. Trong phiên sáng nay, TIG đứng thứ 3 về thanh khoản với 3,27 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 1,77%, lên 11.500 đồng. 

Tin bài liên quan