Sự thận trọng của nhà đầu tư, nhất là việc bên mua giữ thế thủ phiên giao dịch sáng nay khiến thị trường diễn ra ảm đạm và VN-Index lùi dần về mốc hỗ trợ 590 điểm.
Trong phiên giao dịch chiều qua, kịch bản không mấy tích cực đã xảy ra khi thị trường bị “đánh úp” cuối phiên khiến VN-Index đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày. Thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp khi tổng giá trị khớp trên 2 chỉ hơn 2.500 tỷ đồng.
Với diễn biến không mấy tích cực đó, nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch sáng nay tỏ ra hết sức thận trọng. Giao dịch trên thị trường diễn ra nhỏ giọt với sắc đỏ chiếm thể chủ đạo. Bên nắm giữ tiền mặt vẫn từ từ gom vào, nhưng không muốn đặt giá cao hơn tham chiếu vì sợ thị trường lại có biến vào cuối phiên như hôm qua. Trong khi đó, bên bán cũng giữ được tâm lý khá vững và không muốn hạ giá quá thấp, đặc biệt là không xuất hiện lực bán tháo.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,11 điểm (-0,02%), xuống 596 điểm với tổng giá trị giao dịch 55,58 tỷ đồng.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, sắc đỏ lan rộng hơn trên bảng điện tử, đặc biệt là ở các mã bluechip có tác động lớn tới chỉ số, khiến VN-Index nới rộng đà giảm và lùi dần về mốc hỗ trợ 590 điểm.
DPM vẫn tiếp nối chuỗi ngày giảm giá của mình do lực cung ngoại quá mạnh từ khối ngoại sau thông tin bị tăng giá khí đầu vào, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh 2014. Vừa qua, trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc DPM Cao Hoài Dương cho biết về kết quả xuất khẩu khả quan trong quý I/2014, cũng như triển vọng xuất khẩu cả năm. Bên cạnh đó, ông Dương cũng cho biết về mức cổ tức năm 2013 sẽ ở mức 50% (5.000 đồng/cổ phiếu), tăng gấp đôi so với 25% như kế hoạch đã được ĐHCĐ thường niên 2013 thông qua.
Bất chấp những thông tin trên, DPM vẫn không chấm dứt được chuỗi phiên giảm giá liên tiếp của mình. Trong phiên sáng nay, DPM tiếp tục bị bán mạnh và đang hướng tới phiên giảm giá thứ 8 liên tiếp.
Ngoài DPM, các mã lớn khác từng hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index trong các phiên trước như GAS, VNM, VCB, PVD… cũng không còn đủ sức mạnh để hỗ trợ thị trường, ngoại trừ MSN vẫn duy trì mức tăng tối thiểu, nhưng thanh khoản thấp.
Việc GAS, VNM, VIC, BID, FPT còn cầm cự được ở mức tham chiếu, còn MSN tăng nhẹ đã giúp chỉ số không giảm sâu và mức hỗ trợ 590 điểm vẫn được giữ rất chắc chắn, nhưng sự thận trọng quá mức của nhà đầu tư khiến diễn biến thị trường diễn ra khá ảm đạm, giao dịch chỉ nhỏ giọt với những lệnh khớp nhỏ.
Tuy nhiên, khoảng hơn 10h, bất ngờ các mã lớn một lần nữa được sử dụng, kéo VN-Index hồi dần và vượt qua tham chiếu, lên 598 điểm trước khi nhanh chóng lại quay đầu giảm trở lại với sắc đỏ chiếm thế áp dảo.
Diễn biến trên HNX cũng không khá hơn, chỉ số cũng giảm ngay khi mở cửa phiên và chỉ võng lên khi chạm mốc hỗ trợ 86 điểm. Tuy nhiên, không có trụ đỡ nào đủ mạnh, nên HNX-Index không thể một lần vượt qua mốc tham chiếu trong phiên sáng nay.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,57 điểm (-0,26%), xuống 594,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54 triệu đơn vị, giá trị 1.039 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đã đóng góp 3,63 triệu đơn vị, giá trị 95,8 tỷ đồng. VN30-Index giảm 1,83 điểm (-0,28%), xuống 659,29 điểm. HNX-Index giảm 0,73 điểm (-0,84%), xuống 86,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,64 triệu đơn vị, giá trị 441,67 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 1,11 điểm (-0,61%), xuống 179,59 điểm.
DPM có thời điểm đã hồi dần cùng với đà tăng của thị trường, nhưng sau đó nhanh chóng trở lại với mức giảm khá mạnh khi đóng cửa phiên sáng. Cụ thể, DPM giảm 900 đồng (-2,33%), xuống 37.800 đồng/cổ phiếu với hơn 2,27 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào hơn 100.000 đơn vị.
MSN có thời điểm được kéo lên mức cao nhất phiên 98.000 đồng/cổ phiếu trước khi đóng cửa ở mức 97.000 đồng/cổ phiếu, tăng 1.000 đồng (+1,04%) với 168.000 đơn vị được khớp. VIC cũng bất ngờ được giữ mức tăng nhẹ 500 đồng (+0,73%), lên 69.000 đồng/cổ phiếu với hơn 407.000 đơn vị được khớp.
Trong khi đó, GAS, VNM, BID, FPT giữ được mức tham chiếu. Chính nhờ những trụ đỡ này, VN-Index mới cầm cự được mốc hỗ trợ 590 điểm.
Nhóm chứng khoán trên cả 2 sàn đều đồng loạt giảm giá, ngoại trừ AGR duy trì sắc xanh nhẹ và VIX giữ tham chiếu.
CMX bất ngờ khi nhận được lực cầu lớn, trong khi bên nắm giữ không muốn bán, giúp CMX neo ở mức giá trần 5.800 đồng/cổ phiếu ngay từ đầu phiên với lượng khớp gần 120.000 đơn vị và còn dư mua trần hơn 200.000 đơn vị.
PTK sau 2 phiên tăng trần bất ngờ và không có thông tin hỗ trợ, cũng nhanh chóng giảm sàn liên tiếp 2 phiên, trả lại hết những gì đã đạt được trước đó.
Trên HNX, tâm điểm chú ý là SHB khi mã này bất ngờ đi ngược với xu hướng của thị trường khi tăng 200 đồng (+1,82%), lên 11.200 đồng/cổ phiếu với lượng khớp hơn 10 triệu đơn vị. Mặc dù vậy, chỉ mỗi SHB không đủ sức hỗ trợ HNX-Index vượt qua mốc tham chiếu, dù chỉ một lần trong phiên.
Ngoại trừ SHB, các mã còn lại trên HNX chỉ được giao dịch nhỏ giọt. Ngay cả các mã có thanh khoản lớn như PVX, KLS, SCR… cũng chỉ được khớp dưới 4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, POT bất ngờ gây ấn tượng với việc đảo chiều tăng trần lên 12.600 đồng/cổ phiếu với hơn 712.000 đơn vị được khớp. Đây là phiên tăng trần thứ 3 trong 4 phiên giao dịch gần đây của POT.
Dù thị trường không giảm quá sâu và hiện tượng bán tháo cũng không xảy ra, nhưng dòng tiền đang có xu hướng rút dần ra khỏi thị trường khi thanh khoản vẫn ở mức thấp và đang có dấu hiệu giảm dần, cho thấy sự hấp dẫn trong ngắn hạn của thị trường đã giảm đi đáng kể.