Phiên giao dịch sáng 14/6: Áp lực bán giảm dần

Phiên giao dịch sáng 14/6: Áp lực bán giảm dần

(ĐTCK) Dù sắc đỏ vẫn được duy trì, nhưng áp lực bán giá thấp trong phiên sáng nay cũng đã được tiết giảm, giúp 2 chỉ số giảm không mạnh.

Trong phiên giao dịch hôm qua, áp lực chốt lời gia tăng, cùng với đà suy giảm của nhóm cổ phiếu dầu khí cùng chiều với giá dầu thô thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên điều chỉnh mạnh, trong đó VN-Index mất hơn 6 điểm, xuống dưới ngưỡng 625 điểm, HNX-Index cũng xuống dưới 84,5 điểm.

Không chỉ chứng khoán Việt Nam, trong phiên đầu tuần mới, chứng khoán toàn cầu cũng đồng loạt lao dốc. Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản mất hơn 3%, đóng cửa ở mức thấp nhất 3 tháng, tương tự là chứng khoán Trung Quốc cũng giảm hơn 3%. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông giảm 2,5%, mức giảm mạnh nhất theo ngày trong 4 tháng qua.

Chứng khoán Âu, Mỹ cũng đồng loạt giảm điểm, hoạt động bán tháo đã xuất hiện, dù không quá mạnh.

Nguyên nhân chính khiến chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ là do nỗi lo Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn được gọi là “Brexit” sẽ gây ra cuộc khủng hoảng đối với châu Âu và lan ra khắp thế giới. Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo lắng về sức khỏe yếu kém của nền kinh tế toàn câu khi Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo mới nhất tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống chỉ còn 2,4%.

Ngoài ra, giá dầu thô sau khi liên tiếp thiết lập đỉnh cao của năm 2016 đang chịu áp lực điều chỉnh do áp lực chốt lời, cũng như nguồn cung lại gia tăng khi giá dầu thô lên ngưỡng 50 USD/thùng. Ngoài việc kích hoạt các giàn khoan đóng cửa của Mỹ hoạt động trở lại, nguồn cung dầu thô còn dự báo sẽ tăng thêm khi Canada đã trở lại hoạt động khai thác bình thường sau thời gian gián đoạn do cháy rừng. Tình trạng gián đoạn sản xuất tại Nigeria do nội chiến cũng được dự báo sẽ chếm dứt trong nửa cuối năm nay, càng làm cho nguồn cung dồi dào hơn, trong khi nhu cầu được dự báo thấp.

Với những thông tin không tích cực từ bên ngoài, trong khi các thông tin hỗ trợ từ bên trong không có nhiều, chứng khoán Việt Nam tiếp tục điều chỉnh khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay với thanh khoản thấp do bên mua đã thận trọng hơn.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,95 điểm (-0,31%), xuống 621,63 điểm với 3 triệu đơn vị, giá trị 33,9 tỷ đồng được chuyển nhượng.

Đà tăng tiếp tục được nới rộng khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục và mốc hỗ trợ 620 điểm với VN-Index và 84 điểm với HNX-Index đang bị đe dọa, trong đó HNX-Index đã chính thức đánh mốc ngưỡng điểm này.

Mặc dù đà giảm của các chỉ số được nới rộng, nhưng thanh khoản lại rất thấp cho thấy sự thận trọng lớn của nhà đầu tư.

Ngoài ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, thì việc VNM ETF dự kiến bán ra mạnh trong tuần này cũng gây áp lực lên thị trường.

Khác với hôm qua, thị trường phiên sáng nay không có điểm sáng nào đáng chú ý. Sắc xanh đậm chỉ xuất hiện ở một số mã cơ bản như HSG, hay một số cổ phiếu dược như DMC, TRA, DCL.

GTN dù được thêm vào danh mục của FTSE ETF kỳ này, nhưng cũng không có nhiều đột biến. Nhiều khả năng như thường lệ, các quỹ ETFs sẽ chỉ giao dịch tập trung trong đợt ATC của phiên cuối tuần này, là thời điểm danh mục mới các hiệu lực.

Có lúc, VN-Index cũng bị mất mốc 620 điểm, tuy nhiên ngay tức khắc lực cầu bắt đáy xuất hiện, cùng với sự hỗ trợ của một vài mã lớn như VIC, BVH, HPG, HSG, VN-Index đã bất trở lại, thậm chí còn lên trên tham chiếu.

Tuy nhiên, với bối cảnh hiện này và sức cầu yếu, VN-Index nhanh chóng quay đầu giảm trở lại và đóng cửa trong sắc đỏ, dù vẫn giữ được mốc 620 điểm.

Cụ thể, chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2,41 điểm (-0,39%), xuống 621,17 điểm với 83 mã tăng, trong khi có 108 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt thấp, chỉ hơn 55,4 triệu đơn vị, giá trị chưa tới 1.000 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận cũng không sôi động.

Tương tự, HNX-Index cũng lấy lại được mốc 84 điểm khi chốt phiên sáng ở mức 84,03 điểm, giảm 0,27 điểm (-0,32%) với 63 mã tăng và 103 mã giảm. Thanh khoản cũng sụt giảm mạnh khi chỉ có 23,4 triệu đơn vị, giá trị chưa tới 280 tỷ đồng được chuyển nhượng và cũng chủ yếu là từ giao dịch khớp lệnh.

Trên HOSE, ngoài 3 mã VIC, HPG, HSG, các mã bluechip khác chủ yếu đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng biên độ giảm không lớn. Trên sàn, chỉ có duy nhất HHS có khối lượng khớp trên 3 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2,13%, xuống 9.200 đồng. Trong đó, khối ngoại vẫn chưa bán ra. Mã đứng thứ 2 về thanh khoản là HAR với 2 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 3,57%, lên 5.800 đồng, có lúc đã chạm mức trần 5.900 đồng.

Trên HNX, bất chấp giá dầu thô vẫn đang giảm, nhưng một số mã dầu khí lại có đà tăng khá tốt như PVB (2,27%), PVC (1,27%), trong khi PVS chỉ giảm nhẹ.

Thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX là DCS và TIG cũng chỉ được khớp trên dưới 1,8 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan