Phiên giao dịch sáng 1/2: HQC nổi sóng, VN-Index tăng nhẹ

Phiên giao dịch sáng 1/2: HQC nổi sóng, VN-Index tăng nhẹ

(ĐTCK) Nhờ lực đỡ của một số mã lớn như VNM, FPT, PVD, BVH..., VN-Index đã có phiên khởi đầu tuần mới tích cực. Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của thị trường phiên sáng nay là HQC.

Thông tin giá dầu thô thế giới đã dần phục hồi lên hơn 33 USD/thùng, và kết quả kinh doanh quý IV/2015 của các doanh nghiệp ngành dầu khí công bố không quá thất vọng là động lực chính cho nhóm cổ phiếu dầu khí giữ vai trò nâng đỡ thị trường những phiên cuối tuần trước.

Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, điều này đã thay đổi. Mặc dù thị trường tiếp tục duy trì sắc xanh, tuy nhiên, tâm lý thận trọng khiến VN-Index biến động trong biên độ hẹp.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,02 điểm lên 545,27 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 3 triệu đơn vị, trị giá 55,8 tỷ đồng.

Đà tăng không mấy bền vững khiến thị trường dễ dàng đảo chiều ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục. Trong đó, nhiều mã trong nhóm cổ phiếu bluechip bị chốt lời và có dấu hiệu mở rộng biên độ giảm như BVH, BID, VCB...

Tuy nhiên, đến nhanh và đi cũng vội bởi biên độ tăng giảm khá hẹp, sắc đỏ nhanh chóng bị dập tắt nhờ lực cầu bật tăng. Điểm tựa chính của thị trường là VNM với mức tăng lên tới 4.000 đồng (+3,45%) lên 120.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt hơn nửa triệu đơn vị sau gần 90 phút giao dịch.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí mặt dù được dự báo sẽ có đợt hồi phục trong ngắn hạn nhưng vẫn chưa mấy rõ ràng. Các cổ phiếu trong nhóm dầu khí vẫn khá phân hóa. Trong khi PVD tăng 800 đồng (+3,48%) thì GAS đang giảm 400 đồng (-1,02%); PVX và PVC cùng tăng nhẹ 1 bước giá còn PVS và PVB lại giảm 400 đồng.

Đáng chú ý, trong khi HAG đã lấy lại sắc xanh sau 3 phiên giảm liên tiếp với mức tăng 100 đồng (+1,2%) lên 8.300 đồng/CP thì cổ phiếu của công ty con là HNG vẫn chưa thoát khỏi ngày dài u ám khi tiếp tục giảm sàn với khối lượng dư bán tại giá sàn lên tới 9,3 triệu đơn vị trong khi thanh khoản cạn kiệt chỉ đạt hơn 5.000 đơn vị.

Sự trở lại của hầu hết các cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường nới rộng đà tăng điểm, tuy nhiên, ngưỡng 550 điểm vẫn là thử thách khó khăn bởi tâm lý thận trọng khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang cận kề.

Chốt phiên, toàn sàn HOSE có 102 mã tăng và 81 mã giảm, trong đó, nhóm VN30 có tới 18 mã tăng và chỉ 5 mã giảm với biên độ giảm khá hẹp khoảng 1-2 bước giá, ngoại trừ SBT có mức giảm 1.500 đồng (-5,6%).

VN-Index tăng 2,78 điểm (+0,51%) lên 548,03 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 55,59 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 859,11 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 4 triệu đơn vị, trị giá 81,61 tỷ đồng.

Trong khi đó, sau những phút đầu le lói sắc xanh, sàn HNX đã chuyển đỏ và đà giảm gia tăng về cuối phiên khi áp lực bán đẩy mạnh. Chỉ số HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,63%) xuống 76,39 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 22,44 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 199,36 tỷ đồng.

VNM dù có hãm nhẹ nhưng vẫn là lực đỡ chính của thị trường khi tăng 3.000 đồng (+2,59%) lên 119.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 0,65 triệu đơn vị. Cùng sự góp sức của một số mã bluechip khác như PVD tăng 3,04%, BVH tăng gần 1%, FPT tăng 1,08%...

Trái với diễn biến tích cực của PVD, các cổ phiếu lớn khác trong nhóm dầu khí vẫn chưa tìm thấy điểm sáng khi lần lượt GAS, PVS, PVB, PLC vẫn giao dịch trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng phân hóa trong biên độ hẹp, trong khi VCB, EIB, ACB, SHB đang giảm nhẹ 1-2 bước giá thì STB và CTG tăng 100-300 đồng/CP.

Giao dịch chỉ nhúc nhắc khiến thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh, trong đó nổi bật vẫn là các mã đầu cơ. Cùng với thanh khoản sôi động hơn, các mã này cũng tăng tích cực về giá. Cụ thể, HQC là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản đạt 5,17 triệu đơn vị với mức tăng 6% lên trần 5.300 đồng/CP và dư mua trần 0,26 triệu đơn vị.

Tiếp đó, FLC khớp 4,8 triệu đơn vị, VHG khớp 2,65 triệu đơn vị, HAR khớp 2,22 triệu đơn vị… Chốt phiên FLC và VHG cùng đứng giá tham chiếu, còn HAR tăng 4,17% lên sát trần 5.000 đồng/CP.

Trên sàn HNX, cặp đôi cổ phiếu đầu cơ SCR và KLF cũng có khối lượng khớp lệnh lớn nhất, tương ứng đạt 4,42 triệu đơn vị và 2,46 triệu đơn vị. Trong đó, SCR có thời điểm tăng trần nhưng về cuối phiên đã hãm lại với mức tăng 200 đồng (+2,15%) lên 9.500 đồng/CP, còn KLF tăng 200 đồng (+5,26%) lên sát trần 3.800 đồng/CP.

Tin bài liên quan