Phiên giao dịch sáng 10/8: Dòng tiền quay lại với bluechips

Phiên giao dịch sáng 10/8: Dòng tiền quay lại với bluechips

(ĐTCK) Sau thời gian bị chốt lời khá mạnh, dòng tiền đã trở lại với nhóm bluechip, giúp thị trường hồi phục trở lại. Tuy nhiên, bước tiến của  VN-Index gặp chút khó khăn khi đụng ngưỡng 610 điểm.

Phiên giao dịch sáng 10/8: Trở lại đường đua

Sau thời gian bị chốt lời khá mạnh, nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán đã trở lại “đường đua xanh” với hiệu lệnh phát ra từ VNM.

Nhóm ngân hàng, bảo hiểm, nhất là BVH được một số chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá là đã lên mức giá đắt so với phần còn lại. Đó chính là lý do nhóm này bị chốt lời mạnh trong thời gian qua, gây áp lực trở lại với thị trường.

Nhiều nhận định đưa ra về khả năng dòng tiền sẽ rút dần khỏi nhóm bluechip để chuyển hướng tới nhóm midcap, penny và thực tế diễn biến trong tuần giao dịch trước đó cũng đã cho thấy một vài đợt sóng mạnh ở nhóm cổ phiếu có tính thị trường này.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần trước và đầu phiên sáng nay, nhóm bluechip đã dần dần trở lại nhờ hiệu ứng tốt được lan truyền từ VNM.

VNM xứng đáng là mã đầu tư tốt trong dài hạn. Dù mức biến động của bluechip này không lớn, nhưng luôn đem lại tỷ suất sinh lợi tốt cho nhà đầu tư trong dài hạn và chủ yếu đến từ mức cổ tức cao.

Trong ngày 5/8, thị giá cổ phiếu VNM bị điều chỉnh khoảng 20%, xuống 94.000 đồng do là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền 4.000 đồng và nhận cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 5:1. Tuy nhiên, từ thời điểm đó, giá cố phiếu VNM liên tục tăng và hiện đã lên mức 105.000 đồng, nhiều khả năng sẽ trở lại mức giá 117.000 đồng trước khi điều chỉnh.

Nếu duy trì đà tăng này, VNM có thể trở lại mức giá trước khi điều chỉnh chỉ trong vòng 2-3 ngày nữa. Như vậy, những nhà đầu tư nắm giữ VNM đã có ngay mức lợi nhuận 20% trong vòng 1 tuần.

Chính nhờ hiệu ứng từ VNM, nhà đầu tư đã có cái nhìn tích cực về bluechip, giúp một số mã bluechip khác, dù được đánh giá là khá đắt, nhưng đã bắt đầu quay đầu tăng trở lại, qua đó giúp thị trường lấy lại được sắc xanh và hướng tới chinh phục lại mốc 610 điểm.

Trở lại với phiên giao dịch sáng nay, việc VNM tăng mạnh đã kích thích nhóm ngân hàng như VCB, BID, CTG, hay bảo hiểm với BVH, BIC, BMI trở lại, giúp VN-Index có được sắc xanh ngay khi mở cửa và nới rộng dần đà tăng khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục.

Cụ thể, kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,01%), lên 603,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,98 triệu đơn vị, giá trị 34 tỷ đồng.

Đà tăng sau đó được nới rộng dần khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục với việc VNM tăng lên mức cao nhất phiên 106.000 đồng, sát mức trần 107.000 đồng. Từ đó, kéo VCB từ dưới tham chiếu 3 bước giá (44.600 đồng), lên mức 45.900 đồng (+2,23%), trước khi hạ nhiệt nhẹ trở lại và giao dịch quanh mức 45.500 đồng.

Ngoài ra, CTG, BID, MBB cũng hồi phục trở lại, nhưng mức tăng rất nhẹ và chưa vững chắc. Trong khi STB và EIB còn gặp chút khó khăn.

Trong nhóm bảo hiểm, BVH sau thời gian giảm sàn liên tục, đã hồi phục trở lại trong phiên sáng nay với mức tăng hơn 1%, có thời điểm là hơn 2%.

Có lúc VN-Index đã vượt qua ngưỡng 610 điểm, tuy nhiên sau đó gặp chút khó khăn với ngưỡng kháng cự này.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 5,94 điểm (+0,98%), lên 609,7 điểm với 108 mã tăng, 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47 triệu đơn vị, giá trị 956,67 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 46,26 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên HNX, dù mở cửa phiên với sắc đỏ, nhưng với tín hiệu tích cực trên HOSE, sàn này cũng đã dần hồi phục và động lực chính vẫn là nhóm HNX30. Tuy nhiên, HNX-Index không đi thẳng lên như VN-Index, mà giằng co quanh tham chiếu và chỉ có may mắn chỉ số này mới không giảm điểm khi chốt phiên sáng.

Cụ thể, HNX-Index tăng 0,08 điểm (+0,09%), lên 83,95 điểm với 69 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,22 triệu đơn vị, giá trị 217 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,45 triệu đơn vị, giá trị 14,3 tỷ đồng.

Về các cổ phiếu, VNM đóng cửa ở mức cao nhất ngày 106.000 đồng, tăng 5%. VCB tăng 1,34%, lên 45.500 đồng, BVH tăng 1,49%, BID, CTG tăng 2 bước giá.

Nhóm chứng khoán với đại diện là HCM và SSI cũng đang tăng tốt, lần lượt là 3,23% và 2,24%, trong đó SSI là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 2 triệu đơn vị được khớp.

Các mã bluechip khác như HPG, REE, FPT, DPM, GMD cũng đang có mức tăng tốt, 2-3%.

Do dòng tiền trở lại với bluechip, nên đợt sóng tại nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ nhanh chóng lặn khi đa số đang lình xình quanh tham chiếu. Trong đó, FLC tăng 1 bước giá với tổng khớp hơn 1,8 triệu đơn vị, còn lại HAI, DLG, ITA, OCG, VHG… đứng ở tham chiếu hoặc giảm 1 bước giá với thanh khoản thấp.

Trên sàn HNX, KVC vẫn là mã gây chú ý nhưng ở chiều tiêu cực khi tiếp tục bị kéo xuống mức sàn 15.600 đồng. Mã này trước đó đã được kéo tăng mạnh liên tục từ mức 17.000 đồng đầu tháng 6, lên mức cao nhất 40.600 đồng trong ngày 27/7, tương đương mức tăng hơn 137%, nhưng mức 40.600 đồng cũng là mức đỉnh của cổ phiếu này. Từ 27/7, KVC đã có chuỗi phiên giảm liên tục, trong đó có nhiều phiên giảm sàn và đã trả lại toàn bộ những gì đã có trong 2 tháng trước đó chỉ trong vòng 2 tuần. Đóng cửa phiên sáng nay, KVC xuống mức sàn 15.600 đồng với 1,25 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn hơn 0,82 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, FID lại gây ấn tượng khi từ mức dưới tham chiếu lên thẳng trần 14.700 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 14.600 đồng, tăng 8,96% với 1,16 triệu đơn vị được khớp. SD7 cũng là mã tạo ấn tượng khi tăng trần lên 10.500 đồng và còn dư mua trần khá lớn.

Tin bài liên quan