Phiên giao dịch chiều 9/10: GAS “cứu” VN-Index tránh khỏi "thảm họa ATC"

(ĐTCK) Thêm một lần nữa kịch bản xả hàng trong đợt ATC lại diễn ra trong phiên chiều này. Tuy nhiên, may mắn cho VN-Index là nhận được sự hỗ trợ đắc lực của GAS nên vẫn giữ được trên mốc 620 điểm, dù đà tăng bị hãm bớt.
Phiên giao dịch chiều 9/10: GAS “cứu” VN-Index tránh khỏi "thảm họa ATC"

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực mua tốt giúp VN-Index một lần nữa leo cao và hướng tới mốc 630 điểm. Tuy nhiên, kích bản cũ lại lặp lại trong đợt ATC khi lệnh bán mạnh được tung vào, gây sức ép lên VN-Index. Mặc dù vậy, với sự hỗ trợ của GAS, VCB, PVD, đặc biệt là GAS, nên đã hãm phanh đà rơi cuối phiên VN-Index, giúp chỉ số này giữ được mức tăng khá và đóng cửa trên mốc 620 điểm.

Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 102 mã tăng, 122 mã giảm và 70 mã đứng giá, chỉ số VN-Index tăng 7,08 điểm (+1,15%) lên 624,34 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 163,35 triệu đơn vị, trị giá 3.014,46 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 8,43 triệu đơn vị, tổng giá trị 302,44 tỷ đồng.

HNX-Index do không có lực đỡ của một trụ lớn như GAS, nên chỉ có mức tăng khiêm tốn 0,14 điểm (+0,16%) lên 91,35 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 79,29 triệu đơn vị và tổng giá trị tương ứng 1.198,1 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 11 triệu đơn vị, trị giá hơn 222 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu VN30 tiếp tục là lực cản đà tăng thị trường khi giảm 1,87 điểm (-0,28%) xuống 657,11 điểm với 7 mã tăng, 6 mã đứng giá và có tới 17 mã giảm. Trong khi đó, HNX30 hỗ trợ tốt giúp sàn HNX duy trì sắc xanh nhạt đến hết phiên với 10 mã tăng, 13 mã giảm và 7 mã đứng giá, chỉ số HNX30-Index tăng 0,46 điểm (+0,25%) lên 186,25 điểm.

Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào cổ phiếu lớn GAS đã giúp cổ phiếu này nhanh chóng tìm đến sắc tím với lượng dư mua trần hơn 33.000 đơn vị và chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, các cổ phiếu có vốn hóa lớn khác cũng duy trì đà tăng khá ổn định như PVD tăng 3.000 đồng (+3,03%), VCB tăng 200 đồng (+0,74%), BVH tăng nhẹ 100 đồng (+0,25%), HSG tăng 2.200 đồng (+4,88%).

Ngược lại, các cổ phiếu lớn chịu áp lực đẩy bán mạnh và sụt giảm là lực cản của thị trường như VIC giảm tới 1.000 đồng (-2%), HPG giảm 500 đồng (-0,85%), DRC giảm 2.000 đồng (-3,03%), PPC giảm 1.300 đồng (-5,04%)…

Bên cạnh đó, các nhóm cổ phiếu khoáng sản, thủy sản và nhóm vận tải biển cũng lần lượt chịu áp lực đẩy bán và không còn giữ được đà tăng điểm. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng không còn giữ được nhiệt khi khá nhiều mã đổi sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vần là tâm điểm của dòng tiền. FLC vẫn duy trì mốc tham chiếu với lượng khớp dẫn đầu thị trường đạt 10,59 triệu đơn vị. Các cổ phiếu khác có thanh khoản cũng ở mức cao như HAR (3,26 triệu đơn vị), HQC (5,29 triệu đơn vị), KBC (hơn 5,4 triệu đơn vị)…

Thông tin hỗ trợ tích cực về kết quả kinh doanh quý III/2014 khả quan với lợi nhuận đạt 76 tỷ đồng, vượt con số 75 tỷ đồng kế hoạch cả năm tiếp tục giúp cổ phiếu VHG tạo ấn tượng trong phiên hôm nay. VHG nhanh chóng được kéo từ dưới mốc tham chiếu lên thẳng trần và đóng cửa ở mức 15.300 đồng, tăng 1.000 đồng (+6,99%) với khối lượng khớp lệnh vẫn duy trì ở mức cao đạt hơn 6,1 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Tương tự, trên sàn HNX, áp lực bán ra cũng được đẩy mạnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán nhiều mã quay đầu giảm điểm, tuy nhiên nhờ dòng tiền hấp thụ mạnh nên đà giảm không sâu như CTS, VND, BVS, SHS, WSS, VDS…

Top 5 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất trên sàn gồm SHB (10,21 triệu đơn vị), KLF (6,5 triệu đơn vị), SCR (4,17 triệu đơn vị), PVX (3,89 triệu đơn vị) và FIT (3,25 triệu đơn vị).

Nhà đầu tư nước ngoài trong phiên hôm nay tiếp tục bán ròng mạnh trên sàn HOSE với giá trị hơn 93,34 tỷ đồng, trong khi trên sàn HNX đã trở lại trạng thái mua ròng với tổng giá trị 12,44 tỷ đồng.

Tin bài liên quan