Phiên giao dịch chiều 9/10: Chưa thể vượt cản

Phiên giao dịch chiều 9/10: Chưa thể vượt cản

(ĐTCK) Một lần nữa VN-Index lại vượt qua mốc cản 590 ngay khi bước vào phiên chiều. Nhưng thêm một lần chỉ số chưa thể vượt được mốc cản này khi áp lực chốt lời T+ gia tăng mạnh, trong khi sức cầu lại tỏ ra thận trọng hơn.

Trong phiên giao dịch sáng nay, tiếp đà hưng phấn từ phiên giao dịch trước, thị trường khởi đầu với mức tăng khá tốt và nhanh chóng cán mốc 590 điểm. Tuy nhiên, thị trường về cuối phiên đã chững lại khi áp lực chốt lời gia tăng và VN-Index đã để tuột mốc này trước khi kết phiên sáng. Phiên hôm nay cũng là phiên mà lượng hàng lớn T+3 ngày 6/10 về đến tài khoản, bởi vậy việc nhà đầu tư có chững lại để thăm dò cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dù áp lực bán có tăng, nhưng sức cầu vẫn khá tích cực, đã đẩy thanh khoản gia tăng.

Bước vào phiên giao dịch chiều, một lần nữa thị trường đã bật lên từ sớm, VN-Index lại nhẹ nhàng vượt mốc 590 điểm. Áp lực bán cũng đã gia tăng ngay sau đó, kéo chỉ số lùi trở lại dưới mốc cản này. Tuy nhiên, khác với phiên sáng, áp lực chốt lời T+ đã tăng mạnh hơn, nhất là trong đợt ATC, trong khi sức cầu cũng chững hẵn lại, khiến chỉ số co giật rồi lùi tiếp gần về mốc tham chiếu, thanh khoản theo đó cũng không còn tốt như phiên sáng.

Đóng cửa, với 99 mã tăng và 125 mã giảm, VN-Index chỉ còn tăng 1,24 điểm (+0,21%) lên 588,02 điểm. Chỉ số VN30 tăng 0,69 điểm (+0,11%) lên 605,6 điểm với 13 mã tăng và 11 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 162,68 triệu đơn vị, giá trị 2.763,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận trong phiên chiều nay đã sôi động hơn khi đóng góp hơn 13,8 triệu đơn vị, giá trị gần 399 tỷ đồng. Chủ yếu đến từ gần 1,547 triệu trái phiếu VIC 11501, giá trị 163,42 tỷ đồng; 0,927 triệu cổ phiếu TTP, giá trị hơn 50 tỷ đồng; 2 triệu cổ phiếu PPI, giá trị 13,6 tỷ đồng; 2,65 triệu cổ phiếu MHC, giá trị gần 44 tỷ đồng; hơn 1,36 triệu cổ phiếu PDR, giá trị gần 20 tỷ đồng....

Với 84 mã tăng và 96 mã giảm, HNX-Index tăng 0,3 điểm (+0,38%) lên 80,75 điểm. Chỉ số HNX30 tăng 0,37 điểm (+0,25%) lên 151,35 điểm với 9 mã tăng và 16 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,59 triệu đơn vị, giá trị 592,15 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ là 11,3 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh khiến độ rộng thị trường trong phiên chiều nay thu hẹp lại đáng kể. Thị trường phân hóa trên cơ sở áp lực chốt lời ngắn hạn khác nhau đối với mỗi mã cổ phiếu. Các mã lớn vẫn là trụ đỡ chính của thị trường, dù đã yếu đi khá nhiều.

Trong nhóm ngân hàng, MBB đã giảm 200 đồng, VCB giảm 400 đồng, nhưng STB, BID, CTG và EIB vẫn tăng nhẹ 1-2 bước giá. Trong đó, CTG khớp 3,44 triệu đơn vị, MBB khớp 2,8 triệu đơn vị và BID khớp 1,8 triệu đơn vị.

Nhóm bảo hiểm, chỉ còn BVH vẫn tăng mạnh 2.500 đồng. Nhóm chứng khoán AGR cùng HCM đã về mốc tham chiếu, BSI giảm 100 đồng, SSI giảm 400 đồng và khớp 3,47 triệu đơn vị.

Việc giá dầu thế giới tích cực giúp nhóm cổ phiếu duy trì được đà tăng. GAS tăng 700 đồng, PVD tăng 600 đồng, PVT tăng 100 đồng. PVT và PVD cùng khớp hơn 1,6 triệu đơn vị, GAS khớp 0,938 triệu đơn vị.

Cùng với một số mã bluechips khác như HAG, KDC, HPG, DPM, DRC tăng ổn định, góp phần duy trì sắc xanh của VN-Index. Trong đó, HAG thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 9,6 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng 300 đồng. HPG tăng 200 đồng và khớp 1,5 triệu đơn vị.

Ngược lại VIC, HVG, REE giảm điểm nhẹ, MSN và VNM đứng giá tham chiếu. VIC và HVG cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Là tâm điểm của dòng tiền, nhóm cổ phiếu thị trường cho thấy sự phân hóa rõ nét nhất. Trong khi FLC, ITA, CDO, DLG, HQC có được sắc xanh, thì đa phần các mã khác giảm điểm hoặc đứng tham chiếu như VHG, SHI, IDI, HHS, HBC, HAR, HAI, GTN, FIT, DXG, BGM, KBC.

Dù không còn tăng trần như phiên trước, nhưng thanh khoản FLC đã tăng mạnh hơn hẳn với hơn 15 triệu đơn vị được khớp, mạnh nhất HOSE. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp FLC đạt thanh khoản trên 10 triệu đơn vị kể từ phiên ngày 27/8.

Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn FLC, kết thúc quý III năm nay, FLC ước đạt doanh thu 1.280 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ 2014. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 300 tỷ đồng, gấp 2,4 lần. Lũy kế 9 tháng đầu năm, FLC ước đạt 3.288 tỷ đồng doanh thu và 801 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành lần lượt 59% và 70% kế hoạch cả năm (5.535 tỷ đồng doanh thu và 1.158 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).

Các mã ITA khớp được 9,3 triệu đơn vị; HQC và DLG khớp hơn 6 triệu đơn vị; còn lại đều từ hơn 1-4 triệu đơn vị.

Trên HNX, ACB giữ vững mức tăng 400 đồng lên 20.600 đồng, cùng với PVS, PVB, PVC, PVG và PGS tăng từ 200-700 đồng là các mã giúp HNX-Index giữ được sắc xanh.

PVS khớp 3,2 triệu đơn vii, PVC khớp 1,6 triệu đơn vị. PVX tăng 200 đồng lên 3.200 đồng/CP và khớp 3,63 triệu đơn vị.

Mã CEO tăng 100 đồng và khớp 1,5 triệu đơn vị. SHB vẫn đứng giá tham chiếu 6.800 đồng/CP và khớp 2,83 triệu đơn vị.

Ngược lại SCR, VND, KLF giảm từ 1-2 bước giá. SRC khớp 6,55 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX. KLF khớp 5,46 triệu đơn vị và VND khớp được 1,08 triệu đơn vị.

Ngoài ra, VMI tăng trần lên 12.700 đồng/CP, TIG về mốc tham chiếu 10.300 đồng/CP, API giảm 400 đồng về 12.700 đồng/CP, tất cả đều có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.

Như vậy, có thể thấy “sức nóng” của TTP đã dần giảm đi và kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp đang dần hé lộ sẽ là điểm tựa mới của thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến sự phân hóa trở nên mạnh hơn, khi mà thị trường bước vào trend tăng mới.

Tin bài liên quan