Trong phiên giao dịch sáng, trong khi VN-Index duy trì đà tăng mạnh và VN-Index đứng ở sát mốc 600 điểm khi kết thúc phiên, thì HNX-Index không cầm cự được sắc xanh. Dù số mã tăng giá nhiều hơn số mã giảm giá, nhưng đà tăng mạnh của thị trường chủ yếu dự chính vào các mã vốn hóa lớn, đặc biệt là VNM và GAS.
Bước vào phiên giao dịch chiều, ngay khi biết chắc thị trường sẽ đứng vững nhờ những trụ đỡ mạnh, lực mua cũng đã đỡ thận trọng hơn, nhưng không quá hồ hởi, vì vậy, sắc xanh trên bảng điện tử ngày một nhiều hơn và đà tăng của chỉ số được nới rộng, VN-Index có lúc tăng hơn 9,5 điểm trước khi hạ bớt nhiệt cuối phiên khi GAS và VNM hãm đà tăng, trong khi HNX-Index cũng được “dựa hơi” để đảo chiều và leo thảng một mạch lên mức cao nhất trong ngày.
Kết thúc phiên chiều, VN-Index tăng 7,53 điểm (+1,27%), lên 600,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 115,65 triệu đơn vi, giá trị 2.384,8 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 7 triệu đơn vị, giá trị 206,6 tỷ đồng, riêng TCO bất ngờ được thỏa thuận 2,98 triệu đơn vị ở giá trần, giá trị 42,32 tỷ đồng. VN30-Index tăng khiêm tốn hơn do không có sự góp mặt của GAS. Kết thúc phiên, chỉ số này tăng 5,64 điểm (+0,85%), lên 672,97 điểm với 22 mã tăng, 4 mã giảm.
HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,64%), lên 87,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72,8 triệu đơn vị, giá trị 801,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 29,4 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 2,74 điểm (+1,53%), lên 181,46 điểm.
Dù thị trường tăng điểm với sắc xanh chiếm thế áp đảo khi số mã tăng gấp 2 lần số mã giảm và VN-Index chinh phục thành công trở lại mốc 600 điểm, nhưng nhìn vào diễn biến của VN-Index, nhiều nhà đầu tư thấy lo nhiều hơn mừng.
Giống như phiên sáng, dù số mã tăng gấp 2 lần số mã giảm, nhưng đà tăng mạnh trong phiên chiều nhờ chính vào một cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, GAS, MSN, VCB, BVH. Lúc VN-Index đang tăng hơn 9,5 điểm, GAS và VNM chỉ lùi nhẹ một bước giá đã khiến chỉ số VN-Index mất hẳn gần 1 điểm.
Tính chung trong phiên giao dịch hôm nay, các mã lớn như VNM, GAS, MSN, VCB, BVH, FPT, PVD đã đóng góp phần lớn số điểm tăng của VN-Index.
Kết thúc phiên, GAS tăng 3.000 đồng (+3,47%), lên 89.500 đồng/cổ phiếu với 891.640 đơn vị được khớp, khối ngoại mua vào khá mạnh 269.300 đơn vị.
VNM đứng ở mức giá của phiên sáng 148.000 đồng, tăng 3.000 đồng (2,07%) với 761.320 đơn vị được khớp.
PVD tăng 2.500 đồng (2,98%), lên 86.500 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp. MSN tăng 1.000 đồng, VCB tăng 100 đồng…
Việc VN-Index được kéo lên mức kháng cự tâm lý mạnh 600 điểm bởi các trụ lớn, trong khi thanh khoản không tăng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại đây là đợt bulltrap, kéo lên để xả của bên nắm giữ cổ phiếu. Đặc biệt là lịch sử đã thị trường vừa qua cũng chứng kiến đợt bán mạnh khi VN-Index leo lên mốc kháng cự tâm lý này.
Đó cũng là lý do những lực mua trở lại ở các mã midcap và penny trong phiên chiều chủ yếu mang tính thăm dò, nhiều mã tăng nhưng thanh khoản đứng ở mức thấp, lượng dư mua không lớn.
Dù vẫn có những e ngại nhất định, nhưng ở một số mã, dòng tiền vẫn chảy mạnh, điển hình như FLC. Sang phiên chiều, do lệnh chặn mua khá lớn, nên bên bán cũng không còn ra tay mạnh như phiên sáng, giúp FLC neo chặt ở mức giá trần 15.900 đồng/cổ phiếu với khoảng 5 triệu cổ phiếu được khớp thêm, nâng tổng khối lượng khớp cả ngày lên 15,65 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 2,51 triệu đơn vị.
VHG bất ngờ được gom mạnh trở lại trong phiên chiều, giúp mã này leo một mạch từ mức dưới tham chiếu lên mức trần 10.900 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên với 3,15 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.
MCG cũng bất ngờ được gom mạnh trở lại trong phiên chiều, giúp mã này leo một mạch từ mức dưới tham chiếu lên mức trần 8.900 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên với 1,67 triệu đơn vị được khớp.
DLG cũng là một trong số ít mã nhỏ giữ được sự sôi động với hơn 3 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa mức sát giá trần 10.100 đồng/cổ phiếu, tăng 500 đồng (+5,21%).
HAP cũng được khớp gần 1,74 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 10.100 đồng hơn 283.000 đơn vị.
Trong khi đó, VNG đã “gãy cánh” sau 1 tuần bay cao khi rớt xuống mức giá sàn 10.300 đồng với hơn 5.600 đơn vị được khớp trong phiên hôm nay.
Trên HNX, với sự hồi phục chung của thị trường, PVX cũng lấy lại được mốc tham chiếu khi đóng cửa phiên với 15,68 triệu đơn vị được khớp.
Nhóm chứng khoán vẫn duy trì đà tăng mạnh như KLS, VND, SHS, BVS… PVA vẫn neo ở mức giá trần khi ít có lệnh bán, trong khi PXA lấy lên lại gần mốc cao nhất ngày sau thông tin đã cơ cấu nợ tòa nhà Dầu khí Nghệ An để giảm được phần lớn áp lực nợ và không phát sinh lãi vay ước tính khoảng 60 tỷ đồng/năm.
HUT cũng bất ngờ tăng mạnh lên mức giá trần 14.500 đồng/cổ phiếu với 2,44 triệu đơn vị được khớp nhờ thông tin làm chủ đầu tư Dự án sinh thái tại Xuân Phương (Hà Nội) quy mô khoảng 50,24 héc-ta.
Một điểm đáng lo ngại nữa cho xu hướng tăng của thị trường là nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại bán ròng mạnh trong phiên hôm nay với khối lượng 1,64 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 114,37 tỷ đồng trên HOSE. Trong khi trên HNX, họ vẫn mua ròng nhẹ khoảng 9 tỷ đồng.