Trong phiên giao dịch chiều, sau ít phút đầu yếu thế, VN-Index đã bắt đầu hồi phục trở lại. Đà giảm của thị trường ngày càng được thu hẹp và nhiều người đã nghĩ tới kịch bản phiên đảo chiều ngoạn mục hôm nay. Tuy nhiên, khi vừa chạm ngưỡng 614 điểm, áp lực bán một lần nữa được tung ra, đẩy chỉ số này quay đầu trở lại và kết thúc phiên gần bằng với phiên sáng.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 11,59 điểm (-1,87%), xuống 609,47 điểm. Độ rộng của thị trường dù đã thu hẹp hơn so với phiên sáng, nhưng vẫn rất rộng với 174 mã giảm, trong khi chỉ có 48 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 129,8 triệu đơn vị, giá trị 2.707 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,73 triệu đơn vị, giá trị 322,79 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index cũng giảm 1,82 điểm (-2,13%), xuống 83,31 điểm với 48 mã tăng, trong khi có tới 146 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54 triệu đơn vị, giá trị 601,56 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,1 triệu đơn vị, giá trị 61,35 tỷ đồng.
Dù có biến động nhẹ trong phiên, nhưng kết thúc phiên giao dịch chiều nay, mức giá của nhiều mã không thay đổi so với phiên đóng cửa buổi sáng. HVG, HAI, IDI, KMR, TCM, KTB vẫn đóng cửa với mức sàn. Trong khi có thêm một số mã như VLF, PDN, NVT, LCM, KSA, FMC… gia nhập nhóm giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu báo hiểm, ngoại BVH vẫn duy trì sắc xanh mắt mèo, kết thúc phiên chiều còn có thêm BMI, trong khi BIC và PGI đã thu hẹp đà giảm và rời xa mức sàn.
Trong khi đó, ASM vẫn đi ngược lại xu hướng của thị trường nói chung và xu hướng giảm của nhóm thủy sản nói riêng khi chốt phiên tăng 5,68%, lên 9.300 đồng với hơn 3,1 triệu đơn vị được khớp.
Nhóm ngân hàng, STB, EIB đã kịp trở lại tham chiếu khi đóng cửa phiên, trong khi 4 mã còn lại vẫn duy trì sắc đỏ, thậm chi VCB còn giảm sâu hơn khi mất hơn 4%, xuống 47.900 đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán và một số bluechip khác như FPT, VNM, HAG, GMD… vẫn chịu sức ép bán lớn, khiến thị trường chịu nhiều áp lực.
Trong khi cặp mẹ - con tương lai là CII và NBB vẫn đi ngược xu hướng thị trường với mức tăng lần lượt là hơn 3% và 1,7%.
Các mã như FLC, DLG, HAI, ITA, DLG… vẫn duy trì mức giảm. Trong đó, FLC là mã có thanh khoản lớn nhất với 7,26 triệu đơn vị, đứng trên CII với 6,68 triệu đơn vị và SSI với 6,17 triệu đơn vị.
Tương tự, biến động của các mã trên HNX cũng không có nhiều biến động. Trong khi FIT vẫn duy trì mức tăng 2,48%, lên 12.400 đồng với 5,66 triệu đơn vị được khớp, thì các mã khác đều giảm theo xu hướng chung của thị trường. SHB đã vượt qua FIT trở thành mã có thanh khoản tốt nhất HNX hôm nay với 6,5 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, SHB lại đóng cửa với mức giảm 2,38%, xuống 8.200 đồng, thậm chí có lúc mã này đã giảm xuống mức sàn 7.600 đồng.
Các mã chứng khoán, cùng FLF, SCR, PVX, SHN đều giảm khá mạnh. Thậm chí, KVC, TNG kết thúc phiên còn dư bán sàn khá lớn.
Dù vậy, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay lại mua ròng nhẹ trên HOSE với khối lượng mua ròng 172.600 đơn vị, giá trị 29,7 tỷ đồng. Trên HNX, khối này bán ròng cũng mua ròng hơn 254.000 đơn vị, giá trị bán ròng hơn 11,3 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là do bán 500.000 cổ phiếu PVS, giá trị 12,4 tỷ đồng trong phiên thỏa thuận.