Phiên giao dịch chiều 30/3: Ngoại rút, nội chạy

Phiên giao dịch chiều 30/3: Ngoại rút, nội chạy

(ĐTCK) Kỳ vọng về phiên hồi phục kỹ thuật đã tan thành mây khói khi khối ngoại tiếp tục rút cả trăm tỷ đồng ra khỏi thị trường, trong khi nhà đầu tư trong nước thi nhau tháo chạy.

Bước vào phiên giao dịch chiều, VN-Index chỉ cầm cự được khoảng 30 phút trước khi chính thức chia tay mốc 550 điểm do áp lực bán tăng mạnh, diễn ra trên diện rộng, trong khi dòng tiền gần như chỉ đứng ngoài quan sát.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index mất 1,13%, tương đương giảm 6,23 điểm, xuống 545,19 điểm. Độ rộng của thị trường được nới rất rộng theo hướng tiêu cực khi có 178 mã giảm, trong khi chỉ có 51 mã tăng. Thanh khoản hôm nay đứng ở mức thấp khi tổng khối lượng khớp lệnh hơn 85 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.300 tỷ đồng. Trong khi đó, giao dịch thỏa thuận lại đánh dấu sự sôi động khi có tới gần 23 triệu đơn vị, giá trị 870 tỷ đồng được sang tên. Đáng kể nhất là VIC với 6,758 triệu đơn vị, giá trị 319,26 tỷ đồng, KDC với 7,2 triệu đơn vị, giá trị 301,68 tỷ đồng, MSN với 1,35 triệu đơn vị, giá trị 106,78 tỷ đồng…

Sắc xanh ở các mã bluechips chỉ còn xuất hiện lác đác vài mã, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó có nhiều mã đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, như GAS, FPT, VCB, VIC, HAG, BID, EIB, STB, MBB… Trong đó, sau khi duy trì mức tăng khá tốt trong phiên sáng, đã không chịu nổi áp lực bán trong phiên chiều, nên đóng cửa ở  mức thấp nhất ngày 64.000 đồng, giảm 2,29%. Cổ phiếu này tiếp tục bán khối ngoại bán ròng gần 7 tỷ đồng trong phiên hôm nay.

HQC với thông tin về kế hoạch kinh doanh khủng vừa công bố đã duy trì được sắc xanh, dù đà tăng chỉ còn duy trì mức tăng 1 bước giá với 3,4 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, FLC đã chịu áp lực bán mạnh trong phiên chiều và bị đẩy xuống mức 11.000 đồng, giảm 3,51% với 12,3 triệu đơn vị được khớp.

Tác nhân chính khiến thị trường tiếp tục lao mạnh trong phiên hôm nay vẫn đến từ khối ngoại. Trong phiên hôm nay, khối này tiếp tục bán ròng 169 tỷ đồng trên HOSE và vẫn tập trung ở các mã lớn quen thuộc như GAS, MSN, HAG, PVD…

Trái ngược với các mã lớn, đang chịu áp lực từ khối ngoại, một số mã đơn lẻ lại có đà tăng rất tốt như LGL, TSC, ITD.

Tương tự, trên HNX, sức ép từ lực cung ngoại cũng diễn ra ở một số mã lớn như SHB, VCB, PVS, tạo tâm lý bất an cho nhà đầu tư và kéo HNX-Index mất mốc 82 điểm khi chốt phiên ở mức 81,59 điểm, giảm 0,98%, tương đương 0,81 điểm. Độ rộng trên HNX dù cũng nghiên về phía tiêu cực, nhưng không rộng bằng trên HOSE khi có 58 mã tăng, trong khi số mã giảm là 134 mã. Tổng khối lượng giao dịch trên HNX đạt 36,9 triệu đơn vị, giá trị 463,8 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại bán ròng gần 9 tỷ đồng.

Các mã dẫn dắt có mức tăng trong đầu phiên sáng như KLF, FIT đều đóng cửa ngày đầu tuần trong sắc đỏ, trong đó, KLF đứng ở mức 10.000 đồng, mức thấp nhất ngày, giảm 3,85% với 6,44 triệu đơn vị được khớp, FIT giảm 5,41%, xuống 17.500 đồng với 5,34 triệu đơn vị được khớp, PVX giảm 4,34%, xuống mức thấp nhất ngày 4.400 đồng.

Các mã như VCG, PVS cũng có mức giảm khá mạnh, trong khi đó, SHB dù cũng chịu áp lực cung ngoại nhưng đóng cửa ở mức tham chiếu 8.500 đồng.

Có thể nói, với việc dòng tiền nội đang bị siết lại, trong khi khối ngoại lại liên tục rút ròng khiến thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục giảm điểm trong những phiên giao dịch cuối tháng 3, đánh mất toàn bộ những gì đã tích cọp được trong 2 tháng đầu năm.

Không chỉ chịu tác động từ dòng tiền ngoại bị rút ra, dòng tiền nội bị siết với Thông tư 36 và Dự thảo sửa Thông tư 210, chứng khoán niêm yết còn đang chịu sự canh tranh khá lớn từ các đợt IPO rầm rộ sắp diễn ra. Nhiều đợt IPO thu hút sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư lớn, nhiều lời đề nghị được mua lô lớn, giá trị hàng trăm tỷ đồng đã được đưa ra với các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Tin bài liên quan