Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn tích lũy. Tuy nhiên, với việc thiếu vắng thông tin vĩ mô trong nước, trong khi thị trường bên ngoài có nhiều bất ổn liên quan đến sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc, cũng như chờ đợi quyết định của Fed khiến nhà đầu tư trở nên rất thận trọng và khiến thanh khoản thị trường sụt giảm và đứng ở mức thấp trong gần 1 tháng qua.
Ngoài ra, việc các quỹ ETF lớn trên thế giới liên tục bị rút vốn mạnh, nhất là ở các thị trường mới nổi cũng tạo ra những tâm lý lo sợ cho các nhà đầu tư trong nước.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sắc đỏ cũng bao trùm ở hầu hết các thị trường với mức giảm rất mạnh, đặc biệt là chứng khoán Nhật Bản giảm tới hơn 4% trong phiên hôm nay. Chứng khoán châu Âu cũng mở cửa giảm hơn 1% trong phiên hôm nay sau khi đã giảm mạnh trong phiên đầu tuần.
Cùng với tâm lý bi quan chung của giới đầu tư trên thị trường toàn cầu, chứng khoán Việt Nam cũng giảm điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay và duy trì sắc đỏ trong suốt phiên.
Trong phiên giao dịch chiều, đà giảm đã được nới rộng ngay khi thị trường bước vào phiên chiều khi lực bán vẫn duy trì như phiên sáng, trong khi bên nắm giữ tiền mặt đã rụt tay khi chứng kiến “cơn lốc đỏ” trên thị trường chứng khoán khu vực.
Tuy nhiên, cũng giống như phiên sáng, dường như VN-Index đang tìm được điểm hỗ trợ tốt tại 560 điểm, nên ngay khi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ này, VN-Index đã bật trở lại đóng cửa ở mức điểm tương đương phiên sáng.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 29/9, VN-Index giảm 3,69 điểm (-0,65%), xuống 561,19 điểm với 68 mã tăng, trong khi có tới 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 93,14 triệu đơn vị, giá trị 1.489,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đã đóng góp tới hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 114 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index cũng giảm 0,27 điểm (-0,21%), xuống 77,94 điểm với 73 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,46 triệu đơn vị, giá trị 439,38 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp tới 9 triệu đơn vị, giá trị 110 tỷ đồng.
Dù độ rộng của thị trường nghiêng hẳn về sắc đỏ, nhưng mức biến động của cả các mã tăng và mã giảm không lớn, một số mã có mức biến động lớn, nhưng thanh khoản rất thấp.
Trong các cổ phiếu đáng chú ý, nhóm ngân hàng chỉ có duy nhất EIB có mức tăng tối thiểu, còn 3 mã đứng ở tham chiếu là STB, MBB và BID, trong khi 2 mã còn lại là VCB, CTG giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đóng cửa trong sắc đỏ do chịu ảnh hưởng của giá dầu thế giới, nhưng mức giảm không lớn.
Trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền, FLC lấy lại vị trí dẫn đầu về thanh khoản với 5,89 triệu đơn vị được khớp, tiếp đến là SSI với 4,4 triệu đơn vị, HQC khớp 3,3 triệu đơn vị… đa phần các mã còn lại không có nhiều điểm đáng chú ý.
Trên HNX, nhờ có sự hỗ trợ hiếm hoi của ACB và PHP, nên đà giảm của HNX-Index nhẹ hơn VN-Index. VND và KLF là 2 mã có thanh khoản tốt nhất trên HNX với 2,8 triệu đơn vị và 2,2 triệu đơn vị được khớp. Các mã còn lại cũng không có nhiều điểm đáng chú ý. Ngay cả giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng trầm lắng khi họ bán ròng nhẹ 220 triệu đồng trên HNX.