Nếu như trong phiên sáng, VN-Index còn có những nhịp hồi đầu phiên, thì trong toàn bộ phiên chiều, tín hiệu tăng hoàn toàn bị đánh lùi, nhất là khi những điểm sáng hiếm hoi còn có tác dụng nâng đỡ chỉ số đã đảo chiều. VN-Index chính thức tuột khỏi mốc kháng cự 565 điểm.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,5 điểm (-0,96%) xuống 564,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 86 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.476,14 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,6 triệu đơn vị, trị giá 218 tỷ đồng.
Với 23 mã giảm, 4 mã tăng và 3 mã đứng giá, VN30 giảm 5,69 điểm (-0.97%) xuống 572,42 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và chứng khoán đang gây áp lực lên chỉ số. Trong đó, các mã ngân hàng đều giảm điểm: VCB giảm 2,27%; EIB giảm 0,83%; STB giảm 2,39%; MBB giảm 1,3%; CTG giảm 1,47%; BID giảm 2%; trong khi nhóm dầu khí GAS giảm 2,53%; PVD giảm 1,99%...; chứng khoán SSI giảm 2,46%; HCM giảm 0,54%...
Một số mã tăng trong phiên sáng như PPC, MSN về tham chiếu, trong khi BVH giảm 1%.
Ở chiều tăng, ngoài VNM và HVG, KDC là điểm sáng hiếm hoi trong số các mã vốn hóa lớn khi tăng tới 4,18%. Thông tin sẽ mua 40 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 17% số cổ phiếu đang lưu hành) với giá không quá 30.000 đồng/CP đã hỗ trợ tích cực cho KDC đi ngược dòng xu hướng. Trong phiên hôm nay, mã này khớp được 1,76 triệu đơn vị.
Trên HNX, việc đảo chiều của nhóm chứng khoán với VND giảm 400 đồng; SHS, BVS giảm 100 đồng, KLS tham chiếu, khiến chỉ số sàn này nới rộng khoảng rộng giảm so với phiên sáng. Tuy nhiên, việc SHB và một số mã dầu khí như PVS, PVG, PGS còn giữ được tham chiếu, giúp sàn này không bị áp lực lớn như HOSE.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,66%) xuống 78,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31 triệu cổ phiếu, trị giá 345,69 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,3 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 với 18 mã giảm, 4 mã tăng và 8 mã đứng giá giảm 1,3 điểm (-0,89%) xuống 144,87 điểm.
Không chỉ nhà đầu tư nội tỏ ra thận trọng trong giao dịch, khối ngoại hôm nay giao dịch khá ảm đạm. Theo đó, khối này mua vào hơn 2,2 triệu cổ phiếu trên HOSE, trong đó, 2 mã bất động sản là NLG và DXG được mua vào mạnh nhất với hơn 200.000 đơn vị.
Có vẻ thanh khoản lại một lần nữa là rào cản đối với thị trường. Liệu ngày 1/10 tới đây, khi thông tư hướng dẫn nới room cho nhà đầu tư nước ngoài chính thức có hiệu lực, cũng như việc công bố kết quả kinh doanh quý III của các DN dần hé lộ có tạo được động lực để thị trường bứt phá trong quý cuối cùng của năm?