Phiên giao dịch chiều 24/2: BID và CTG nổi sóng, HNG bị chốt lời mạnh

Phiên giao dịch chiều 24/2: BID và CTG nổi sóng, HNG bị chốt lời mạnh

(ĐTCK) Ngoài BID, trong phiên giao dịch chiều, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thêm CTG tăng trần, trong khi VCB và ACB cũng duy trì được đà tăng khá mạnh. và các mã khác tăng mạnh. Trong khi đó, bị chốt lời mạnh, HNG đã quay đầu giảm sàn sau 3 phiên tăng trần liên tiếp.

Theo dõi thị trường 2 phiên 23/2 và 2/4/2 có thể thấy có khá nhiều điểm tương đồng. Diễn biến tích cực đều diễn ra trong phần lớn của phiên giao dịch sáng, sau đó bắt đầu gặp thử thách trước khi khép phiên sáng và kéo dài sang thời gian đầu phiên giao dịch chiều.

Phiên trước, áp lực chốt lời đã ảnh hưởng lớn đến thị trường và gần như xóa hết mọi nỗ lực tăng điểm trước đó. Tuy nhiên, ở phiên này, dù áp lực chốt lời cũng đã xuất hiện, song với sức cầu mạnh mẽ, thị trường không chỉ trụ vững, mà còn dần nới rộng đà tăng về cuối phiên. Thanh khoản theo đó tiếp tục duy trì ở mức cao, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Đóng cửa, VN-Index tăng 6,76 điểm (+1,2%) lên 568,04 điểm với 116 mã tăng và 103 mã giảm. Chỉ số VN30-Index tăng 5,09 điểm (+0,89%) lên 578,87 điểm với 15 mã tăng và 8 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 160,23 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.480 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,77 triệu đơn vị, giá trị gần 298 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 3,818 triệu cổ phiếu KSB, giá trị trên 143 tỷ đồng và 2,4 triệu cổ phiếu KBC, giá trị 30,24 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index tăng 0,7 điểm (+0,89%) lên 78,89 điểm với 110 mã giảm và 97 mã tăng. Chỉ số HNX30-Index tăng 1,52 điểm (+1,09%) lên 140,74 điểm với 10 mã giảm và 15 mã tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,52 triệu đơn vị, giá trị 527,4 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,8 triệu đơn vị, giá trị 36,38 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 2,8 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 18,59 tỷ đồng; hơn 1,46 triệu cổ phiếu HBS, giá trị 6,45 tỷ đồng và 1 triệu cổ phiếu SVN, giá trị 3,9 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn tiếp tục là bệ phóng của thị trường, mà tiêu biểu là nhóm cổ phiếu ngân hàng. BID và CTG cùng tăng kịch trần, khớp lần lượt 5,7 triệu và 3,1 triệu đơn vị, bên bán trắng lệnh.

Dù mất mức giá cao nhất ngày, nhưng VCB hôm nay cũng tăng 3,17%, lên 42.300 đồng với 1,65 triệu đơn vị được khớp. Trên HNX, ACB cũng tăng 4,17%, lên 20.000 đồng với hơn 610.000 đơn vị được khớp.
Tuy nhiên, các mã khác lại có mức tăng rất khiêm tốn, chỉ 1 bước giá, trong đó MBB chỉ giữ được mức tham chiếu, nhưng vươn lên dẫn đầu thanh khoản trong nhóm với 6,15 triệu đơn vị được khớp.
SHB ngoài giao dịch thỏa thuận còn khớp được xấp xỉ 2 triệu đơn vị, kết phiên giữ tăng nguyên mức tăng tối thiểu.

Tương tự, nhóm chứng khoán, bảo hiểm cũng giữ vững đà tăng. BIC vẫn nguyên sắc tím và cũng là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp, BHV tăng 1.000 đồng; HCM tăng mạnh 2.000 đồng, SSI tăng 400 đồng, khớp lệnh lần lượt 3,1 triệu và 1,02 triệu đơn vị.

Trong khi đó, đà giảm cũng đã thu hẹp lại đối với nhóm dầu khí. Nhờ đó, đà tăng của thị trường càng được củng cố. Đồng thời, thanh khoản cũng cải thiện tích cực. Cả GAS và PVD chỉ còn giảm 500 đồng; PVT, PVS, PGS còn quay đầu tăng điểm nhẹ. PVD và PVS cùng khớp trên 2 triệu đơn vị; GAS, PVT, PGS đều khớp trên 1 triệu đơn vị.

Ngoài sự trở lại mạnh mẽ của nhóm “cổ phiếu vua”, cặp đôi HNG và HAG chính là điểm nhấn khác của thị trường.

Lượng cung “khủng” trong ngày T+3 khiến bên cầm tiền mặt đã phải “rụt tay” trong phiên giao dịch chiều nay. Do đó, dù rất cố gắng “vùng vẫy”, HNG vẫn không thể thoát khỏi phiên giảm sàn. Kết phiên, HNG giảm sàn ở mức 9.300 đồng/CP và khớp 18,8 triệu đơn vị, bên mua trắng lệnh.

Trong khi đó, HAG vẫn giữ được mức tăng tối thiểu lên 9.000 đồng/CP, thanh khoản cũng không “kém cạnh” với 13,37 triệu đơn vị được khớp.

SCR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với 10,47 triệu đơn vị được khớp, tăng 200 đồng lên 9.700 đồng/CP.

Diễn biến tăng đầy tích cực phiên hôm nay cho thấy, thị trường đã thể hiện xu thế tăng khá rõ ràng, dù chịu không ít rung lắc. Tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn nhiều khi niềm tin đã quay trở lại. Do đó, có thể kỳ vọng sự tích cực này tiếp tục là “điểm tựa” để thị trường duy trì đà tăng trong các phiên tới.

Tin bài liên quan