Phiên giao dịch chiều 20/4: Gánh nặng VNM, MSN khiến VN-Index "gãy cánh"

Phiên giao dịch chiều 20/4: Gánh nặng VNM, MSN khiến VN-Index "gãy cánh"

(ĐTCK) Mặc dù lực cầu gia tăng về cuối phiên giúp thị trường hồi nhẹ, nhưng gánh nặng của hai trụ cột chính VNM và MSN khiến VN-Index quay đầu giảm điểm đáng tiếc.

Đúng như nhận định của giới phân tích cùng lo ngại của nhà đầu tư, sau hơn 30 phút giao dịch tích cực dưới sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.

Áp lực bán trên diện rộng khiến sắc đỏ chiếm áp đảo, cùng gánh nặng của 2 trụ cột lớn VNM và MSN đang dần “nhấn chìm” VN-Index giảm sâu dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu xuất hiện gần cuối phiên đã giúp thị trường hồi nhẹ và tiệm cận mốc tham chiếu.

Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 132 mã giảm và 85 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 0,25 điểm (-0,04%) xuống 568,03 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 116,34 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 2.278 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,62 triệu đơn vị, trị giá 248,18 tỷ đồng.

Tương tự, sàn HNX có 111 mã giảm và 77 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,05 điểm (-0,07%) xuống 79,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,99 triệu đơn vị, trị giá hơn 426 tỷ đồng, với giao dịch thỏa thuận đạt 1,79 triệu đơn vị, trị giá hơn 15 tỷ đồng.

Hai trụ cột VNM và MSN là “tội đồ” kéo thị trường giảm điểm với mức giảm đều hơn 2,1%, trong đó, VNM có khối lượng khớp lệnh 1,7 triệu đơn vị.

Bản tin tài chính trưa 20/4
Bên cạnh đó, nhiều mã dầu khí cũng không còn giữ sắc xanh. Cụ thể, ngoại trừ GAS và PVB vẫn tăng điểm, PVC, PVS, PVX cùng quay về mốc tham chiếu, PVD và PLC quay đầu giảm điểm.

Tuy nhiên, một số cổ phiếu lớn khác như VIC, GAS, DPM duy trì đà tăng tích cực, HSG tăng trần cùng việc đảo chiều tăng điểm của BVH và VCB đã giúp thị trường hãm mạnh đà giảm điểm.

Áp lực bán trên diện rộng cũng tác động tới diễn biến nhóm cổ phiếu ngành thép. Ngoại trừ HSG với thông tin tích cực từ lợi nhuận sau thuế 6 tháng niên độ 2015-2016 tích cực khi đạt 92% kế hoạch cả năm, đã tiếp tục tăng trần, đà tăng của các mã khác cũng có phần hãm lại, thậm chí giảm mạnh như DTL giảm 2,8%, POM giảm sàn 6,2%. Trong đó, cặp đôi đầu ngành HSG và HPG cùng khớp hơn 2,8 triệu đơn vị.

Thanh khoản trên cả hai sàn đều giảm so với phiên trước. Trong đó, dòng tiền vẫn ưu tiên các cổ phiếu đầu cơ với tâm điểm là các mã bất động sản. Cụ thể, HQC và FLC dẫn đầu thanh khoản thị trường đạt hơn 4 triệu đơn vị; các mã HAR, CII cùng khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, trên sàn HNX, có 10 mã khớp hơn 1 triệu đơn vị, trong đó, SHB dẫn đầu thanh khoản trên sàn đạt 1,75 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu tí hon, OGC tiếp tục duy trì sắc tím nhờ thông tin hỗ trợ tích cực với lượng dư mua trần tiếp tục tăng lên 2,75 triệu đơn vị trong khi bên bán trống sàn.

Mặt khác, ATA sau nhiều phiên tăng trần liên tiếp thì hôm nay lại là một phiên kịch sàn và liên tục trắng bên mua. Với mức giảm 6%, ATA đứng ở mức giá sàn 6.300 đồng/CP và khớp 1,12 triệu đơn vị, dư bán sàn 0,12 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan