Phiên giao dịch chiều 19/10: Dấu ấn VNM

Phiên giao dịch chiều 19/10: Dấu ấn VNM

(ĐTCK) Bất ngờ giao dịch mạnh mẽ ngay khi bước vào phiên chiều sau thông tin muốn nới room, cổ phiếu VNM chính là tâm điểm của thị trường. Sự tích cực từ VNM không chỉ giúp thị trường duy trì được sắc xanh mà còn cải thiện được thanh khoản.

Trong phiên giao dịch sáng, thị trường tiếp diễn trạng thái giằng co trong khoảng hẹp đi kèm thanh khoản thấp. Giao dịch thị trường khá nhàm chán khi tâm lý thận trọng được nhà đầu tư đề cao.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường đã thay đổi khá nhanh ngay từ khi bước vào giao dịch chiều, mà nguyên nhân chính xuất phát từ cổ phiếu VNM.

Sau thông tin sẽ thoái toàn bộ 45,1% vốn của SCIC trong khoảng 2015-2016 mới đó, thì vào cuối giờ sáng nay, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc điều hành của VNM cho biết “Chúng tôi muốn nới room lên mức được Chính phủ phê chuẩn vì sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn cả kinh nghiệm quản lý cho doanh nghiệp”. Cũng theo bà Hương, VNM hiện đang đợi hướng dẫn của Chính phủ.

Chính thông tin này khiến VNM nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền, theo đó bứt phá mạnh mẽ cả về thanh khoản lẫn điểm số.

Sự tích cực từ VNM đã lan tỏa sang nhiều mã lớn khác, giúp VN-Index nhanh chóng vượt qua mốc 595 điểm và tiến gần đến mốc 600 điểm. Tuy nhiên, trước ngưỡng kháng cự rất mạnh này, áp lực bán đã gia tăng và đẩy lùi chỉ số trở lại. Áp lực này càng được mở rộng ở cuối phiên, trong khi sức cầu mạnh ở VNM rõ ràng là chưa đủ để “kích” tâm lý chung của thị trường, nên VN-Index tiếp tục thoái lui về tương đương mức đóng cửa của phiên giao dịch sáng. Dẫu vậy, sự tích cực của VNM cũng đã giúp thị trường giao dịch sôi động hơn so với phiên sáng, thanh khoản theo đó cũng được cải thiện nhiều hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần mới 19/10, VN-Index  tăng  1,59 điểm (+0,27%) lên 594,61 điểm với 117 mã tăng và 80 mã giảm. Chỉ số VN30-Index tăng 1,64 điểm (+0,27%) lên 611,37 điểm với 8 mã tăng và 15 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 107,7 triệu đơn vị, giá trị 1.867,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp khá mạnh với hơn 8,98 triệu đơn vị, giá trị 144,14 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có 3 triệu cổ phiếu PPI giá trị 24 tỷ đồng; 2,43 triệu cổ phiếu KDC giá trị hơn 59 tỷ đồng và 1 triệu cổ phiếu LSS giá trị 9,7 tỷ đồng.

Với 93 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,21%) lên 81,35 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,1 điểm (-0,07%) xuống 151,42 điểm với 8 mã tăng và 15 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,3 triệu đơn vị, giá trị 473,22 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 79,61 tỷ đồng, ngoài thỏa thuận hơn 5 triệu cổ phiếu BII giá trị hơn 46 tỷ đồng, thì phiên chiều nay còn có thêm gần 1,7 triệu cổ phiếu SHB được thỏa thuận, giá trị gần 12 tỷ đồng.

Như đã nêu trên, VNM đã có phiên bứt phá với mức tăng 5.000 đồng lên 110.000 đồng/CP và khớp lệnh lên tới gần 1,3 triệu đơn vị. Có thời điểm, mã này đã tăng tới 6.000 đồng.

Trong bối cảnh áp lực chốt lời gia tăng mạnh sau đó, việc VNM duy trì được đà tăng mạnh đã góp công rất lớn trong việc duy trì sắc xanh cho VN-Index. Ngoài ra, hỗ trợ cùng VNM còn có các mã cũng nằm trong diện thoái vốn của SCIC như FPT, BMI... hay CTG, GMD, REE, PPC... trong đó CTG tăng 100 đồng lên 21.100 đồng/CP và khớp 1,98 triệu đơn vị. REE và FPT tăng 500 và 400 đồng, cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Ngược lại, một loạt các mã như GAS, VIC, VCB, STB, SSI, HAG, HCM, MBB, BVH... giảm điểm. Ngoại trừ, HCM giảm 600 đồng, VCB giảm 700 đồng và BVH giảm tới 2.500 đồng, thì các mã còn lại chỉ giảm nhẹ. Trong đó, HAG khớp 2,77 triệu đơn vị, SSI, MBB và HCM đều khớp trên 1 triệu đơn vị.

Áp lực bán cũng khiến đà tăng của nhóm thị trường bị ảnh hưởng. Chỉ còn một số mã như DLG, CII, HAI, HHS, NTL ... tăng điểm, còn lại các mã như KBC, ITA, FLC, FIT, HQC, PDR, PPI, SAM, VHG, SHI ... đều giảm điểm hoặc đứng tham chiếu.

DLG tăng kịch trần lên 7.900 đồng/CP và khớp 7,77 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE. Các mã HQC, ITA, KBC, CII, FLC, VHG khớp từ hơn 2-5 triệu đơn vị, còn lại đều khớp trên 1 triệu đơn vị.

Một số mã tăng trần như OGC, KSH, DHM, BTP, CLL... nhưng chỉ KSH là có thanh khoản mạnh, đạt hơn 1,8 triệu đơn vị.

Trên HNX, các mã NTP, PVB, PLC, AAA và BCC vẫn duy trì đà tăng tốt để hỗ trợ chỉ số, khi các mã còn lại trong nhóm HNX30 chủ yếu giảm điểm và đứng tham chiếu. Trong đó, SHB khớp hơn 3 triệu đơn vị, SCR và KLF khớp 1,5 và 1,7 triệu đơn vị, tất cả đều đứng giá tham chiếu. Ngoài ra, PVX khớp được 1,44 triệu đơn vị, nhưng cũng giữ giá tham chiếu.

TIG vẫn dẫn đầu thanh khoản trên HNX với lượng khớp 3,22 triệu đơn vị và tăng 300 đồng lên 11.200 đồng/CP.

Tin bài liên quan