Bắt nguồn từ VNM, nhà đầu tư đã tự tin đổ tiền trở lại với các mã bluechip, giúp nhiều mã hồi phục mạnh trong phiên giao dịch sáng nay. Bước vào phiên giao dịch chiều, lực mua tiếp tục gia tăng ở nhóm cổ phiếu lớn, trong khi nguồn cung dường như đã cạn kiệt sau chuỗi chốt lời vừa qua, giúp nhiều mã tăng mạnh.
Đặc biệt, VNM đã vượt lên mức giá trần 107.000 đồng, góp sức giúp VN-Index nới rộng đà tăng và qua đó kích thích dòng tiền tự tin trở lại, kéo theo nhiều mã lớn khác tăng mạnh.
Ngoài VNM, sau thời gian bị chốt lời mạnh BVH cũng đã hồi phục trở lại trong phiên sáng nay và sang phiên chiều, lực mua lực mua bất ngờ gia tăng, trong khi lực cung đượt tiết, giúp BVH tiến thằng lên mức trần 50.000 đồng và chốt phiên còn dư mua giá trần.
Nhờ tín hiệu tích cực từ VNM và BVH, trong đợt khớp lệnh ATC, lực mua cũng gia tăng mạnh ở các mã khác như nhóm ngân hàng, chứng khoán, các bluechip “cổ”, giúp nhiều mã đóng cửa ở mức cao nhất ngày như VCB, BID, VIC, FPT, SSI, HCM, GMD, REE… qua đó đẩy VN-Index tiến sát mốc 615 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tăng 10,77 điểm (+1,78%), lên 614,53 điểm với 130 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 90,73 triệu đơn vị, giá trị 1.858,91 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,74 triệu đơn vị, giá trị 146 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,63%), lên 84,41 điểm với 91 mã tăng, ít hơn so với 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,58 triệu đơn vị, giá trị 565,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11 triệu đơn vị, giá trị 113 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, ngoài VNM và BVH đóng cửa ở mức trần và còn dư mua trần, nhiều mã lớn khác cũng lên mức giá cao nhất trong ngày. Trong đó, nhóm bảo hiểm ngoài BVH, cả 3 mã còn lại cũng đều đóng cửa với sắc tím, nhưng tất cả đều có thanh khoản không tốt.
Trong nhóm ngân hàng, VCB tăng 3,34%, lên 46.400 đồng, BID tăng 2,14%, lên 23.900 đồng, dù không giữ được mức giá cao nhất ngày, nhưng CTG cũng tăng 1,86%, lên 21.900 đồng, MBB có được mức tăng nhẹ 1 bước giá, trong khi EIB ở tham chiếu và STB giảm nhẹ 1 bước giá.
Trong nhóm chứng khoán, SSI tăng 2,99%, lên 27.600 đồng với 3,87 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất sàn HOSE; HCM tăng 4,84%, lên 39.000 đồng với hơn 1,53 triệu đơn vị được khớp. Trong khi 2 mã nhỏ hơn là AGR đứng ở tham chiếu và BSI giảm 1,87%, xuống 10.500 đồng.
Ngoài ra, còn phải kể đến các mã khác như FPT (+2,54%), HPG (+2,05%), DPM (+3,23%), CII (+1,49%), GMD (+2,94%), REE (+3,89%)…
Ngoài SSI, nhiều mã bluechip cũng có thanh khoản tốt hôm nay như MBB, KDC, HPG, CII, trong khi đó, dòng tiền dường như lại tránh né nhóm đầu cơ sau 1 phiên ưu ái bất ngờ tuần trước. Cụ thể, trong phiên hôm nay, các mã này chỉ quẩn quanh mức tham chiếu với thanh khoản không lớn, mã dẫn đầu là FLC cũng chỉ được khớp 3,52 triệu đơn vị, HAI, VHG, ITA, HQC, DLG chỉ được khớp trên dưới 1 triệu đơn vị.
Trên HNX, lực đỡ yếu hơn, khiến chỉ số này lình xình sát tham chiếu trong hầu hết phiên giao dịch chiều, trước khi vụt tăng mạnh trong đợt ATC nhờ nhóm HNX30 với sự hỗ trợ đáng chú ý nhất của ACB khi tăng 3,42%, lên mức giá cao nhất ngày 21.200 đồng. Ngoài ra, cũng phải kể đến một số mã khác như VND, CEO, VCG, LAS…
Trong khi đó, KVC đã thoát khởi phiên giảm sàn ngay đầu tuần khi được kéo lên mức 16.500 đồng với gần 3 triệu đơn vị được khớp, nhưng so với tham chiếu, KVC vẫn giảm 4,62%. Trái ngược với KVC, FID lại duy trì được sắc tím rất tốt khi chốt phiên còn dư mua trần và ATC gần 400.000 đơn vị, trong khi đã được khớp 2,67 triệu đơn vị, đứng sau KVC và FIT.
Tương tự KVC, FIT cũng đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm 2,38%, xuống 12.300 đồng với 2,7 triệu đơn vị được khớp.
Cùng có sắc tím tốt như FID là CJC và SD7 khi cả 2 chỉ được giao dịch mức giá trần trong phiên hôm nay và kết thúc phiên đều có dư mua giá trần khá lớn.
Phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vị thế mua ròng với lượng mua ròng hơn 1,52 triệu đơn vị, giá trị gần 49 tỷ đồng trên HOSE. Trên HNX, khối này bán ròng nhẹ gần 200.000 đơn vị, nhưng xét về giá trị vẫn mua ròng 520 triệu đồng.