Phiên giao dịch chiều 10/6: Điều chỉnh hợp lý

Phiên giao dịch chiều 10/6: Điều chỉnh hợp lý

(ĐTCK) Sau 3 phiên tăng liên tiếp và vượt quan ngưỡng 630 điểm, VN-Index đã có phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần. Đây là phiên điều chỉnh hợp lý và điểm tích cực là dòng tiền vẫn chảy mạnh, nhất là ở các mã midcap và penny.

Cũng giống như phiên giao dịch sáng, diễn biến trong phiên giao dịch chiều nay chủ yếu vẫn là diễn biến giằng co khá mạnh xung quanh khu vực kháng cự 633 điểm. Tuy nhiên, sau 3 phiên tăng mạnh và VN-Index liên tiếp xác lập các mức cao mới của năm, áp lực chốt lời đã diễn ra, khiến VN-Index đảo chiều trong phiên cuối tuần, mất mốc 630 điểm.

Đây là điều dễ hiểu và phiên giảm điểm này được đánh giá là tích cực hơn là tiêu cực.

Trong khi đó, trên sàn HNX, với sự hỗ trợ tốt của một số mã lớn cũng như nhóm midcap, chỉ số HNX-Index đã giữ được sắc xanh, dù cũng chịu không ít rung lắc.

Về phía thanh khoản, tâm lý thận trọng tăng cao khiến hoạt động giao dịch của cả 2 sàn trong phiên chiều nay không còn sôi động như phiên sáng, nhưng thanh khoản chung của thị trường vẫn được duy trì ở mức tốt.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 10/6, với 109 mã tăng và 117 mã giảm, VN-Index giảm 1,42 điểm (-0,22%) về 629,84 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 1,39 điểm (-0,22%) về 629,27 điểm với 14 mã tăng và 11 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 133,98 triệu đơn vị, giá trị 2.308,42 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,29 triệu đơn vị, giá trị 226,5 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 2,02 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 140,39 tỷ đồng và 1 triệu cổ phiếu VIS, giá trị 9,8 tỷ đồng.

Ngược lại, với 119 mã tăng và 94 mã giảm, HNX-Index tăng 0,21 điểm (+0,25%) lên 84,85 điểm. Tuy nhiên, chỉ số HNX30-Index lại giảm 0,11 điểm (-0,07%) về 153,28 điểm với 13 mã tăng và 11 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,7 triệu đơn vị, giá trị 753,69 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 6,87 tỷ đồng.

Áp lực bán gia tăng khiến các mã VNM, VIC, MBB, BID, STB, EIB… giảm điểm. Riêng với MBB, phiên sáng giao dịch mạnh mẽ bao nhiêu thì phiên chiều ảm đạm bấy nhiêu khi chỉ có hơn 200.000 đơn vị được sang tên. Vì vậy, tổng khớp cả phiên dừng lại ở mức hơn 4,8 triệu đơn vị, giảm 100 đồng về 15.400 đồng/CP.

BID giảm 200 đồng về 18.600 đồng/CP, khớp lệnh 3,95 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã MSN, VCB, BVH, KDC, REE… tăng điểm, giúp nhóm cổ phiếu lớn cân bằng trở lại. REE tăng mạnh 700 đồng lên 21.500 đồng/CP và khớp 1,19 triệu đơn vị.

Tương tự, nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng bị bán mạnh. Các mã FLC, KBC, HQC, VHG, HAR… đều giảm điểm. FLC giảm 100 đồng về 6.500 đồng/CP và khớp 7,9 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường.

Tuy nhiên, một số vẫn giữ được đà tăng tốt và cùng thanh khoản cao như HHS, TSC, SHI, GTN, JVC… HHS tăng 300 đồng lên 10.100 đồng/CP và khớp 6,59 triệu đơn vị, đứng thứ 2 toàn thị trường.

Như đã nêu ở trên, đà tăng khá tốt của của nhóm midcap đã góp phần đáng kể giúp thị trường không rơi mạnh. Điển hình là nhóm các mã cổ phiếu thép (HPG, HSG, TLH, NKG, VIS, VGS…) chứng khoán (SSI, HCM, VND, BVS…), mía đường (STB, LSS, SLS…), dược phẩm (DHG, DMC, IMP…), cùng với đó vật liệu xây dựng, sông Đà, khoáng sản…

Thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm dù chưa sức giúp TLH giữ được mức trần, song vẫn tăng 400 đồng lên 9.100 đồng/CP và khớp 3,8 triệu đơn vị.

Đối với nhóm dầu khí, sức nặng của nhóm này tiếp tục níu các chỉ số khi các mã dầu khí lớn GAS, PVD, PVS, PVC… vẫn chìm trong sắc đỏ. Các mã thanh khoản tốt có PVD, PVS, PVC và PGS.

Trên sàn HNX, việc ACB, NTP, AAA, LAS, PVB, PVLC, PVG… cùng tăng điểm đã góp phần duy trì sắc xanh của HNX-Index.

Với thông tin thâu gom lượng lớn cổ phiếu của các lãnh đạo, thanh khoản của AAA gây đã tăng cao khi khớp 1,26 triệu đơn vị, tăng 900 đồng lên 28.400 đồng/CP.

SCR vẫn khớp lệnh mạnh nhất sàn với 4,98 triệu đơn vị, nhưng đã quay đầu giảm điểm nhẹ. Trong khi DCS tăng trần và khớp 3,73 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan