Phiên giao dịch 27/4: May mắn, “đại dịch OGC” không lây lan

Phiên giao dịch 27/4: May mắn, “đại dịch OGC” không lây lan

(ĐTCK) Thông tin phát đi từ cuối tuần trước của Ngân hàng Nhà nước về việc sở hữu 100% Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đã có tác động mạnh tới cổ phiếu OGC trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ.

CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) là một cổ đông lớn của Oceanbank và cả 2 từng đều do ông Hà Văn Thắm làm Chủ tịch HĐQT. Kể từ cuối tháng 10/2014, mỗi khi có thông tin lãnh đạo Oceanbank bị bắt, cổ phiếu OGC đều có tác động ít nhiều. Do đó, dù cơ quan quản lý đã chọn thời điểm cuối tuần để công bố thông tin về Oceanbank, nhưng dù sau 2 ngày nghỉ, thông tin này vẫn có tác động tiêu cực rất lớn tới cổ phiếu OGC.

Ngay khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, cũng là phiên giao dịch duy nhất của tuần trước khi thị trường nghỉ lễ kéo dài, cổ phiếu OGC đã bị bán tống, bán tháo, trong khi số người đủ dũng cảm để xuống tiền rất ít, trong đó có cả những nhà đầu tư nước ngoài.

Sau hơn 45 phút giao dịch, cổ phiếu OGC mới chỉ khớp hơn 450.000 đơn vị (khối ngoại mua vào hơn 112.000 đơn vị), trong khi lượng dư bán giá sàn còn tới hơn 11,4 triệu đơn vị. Dù có rất ít người mua, nhưng bên nắm giữ cổ phiếu, nhất là những nhà đầu tư đã nhỡ “bắt đáy” OGC tuần trước vẫn cứ vội vã đẩy ra và cầu may hàng của mình sẽ được khớp. Do đó, lượng dư bán giá sàn của OGC không ngừng tăng lên.

Trở lại với thị trường, việc OGC bị bán tống, bán tháo dường như là điều đã được dự báo trước, hơn nữa, tâm lý nhà đầu tư hiện nãy cũng khá vững, nên "đại dịch OGC" đã không lây lan ra thị trường, giúp VN-Index vẫn giữ được sắc xanh khi mở cửa với mức tăng 2 điểm (+0,35%), lên 567,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,26 triệu đơn vị, giá trị 31 tỷ đồng.

Trên HNX, sắc xanh nhạt và giao dịch nhỏ giọt với độ rộng thị trường hẹp cũng diễn ra như trên HOSE. Trên sàn này không có cổ phiếu nào đáng chú ý.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, xu hướng thị trường vẫn không có nhiều thay đổi, vẫn là sự lình xình với thanh khoản nhỏ giọt. Độ rộng của thị trường cũng rất hẹp khi sắc xanh và đỏ gần như tương đương nhau.

Nhìn diễn biến giao dịch trong phiên sáng nay có thể thấy, nhà đầu tư trong nước dường như đã đi nghỉ lễ, chỉ còn lại một số ít và các tổ chức lớn giao dịch. Sau 1 tiếng giao dịch, chỉ có hơn 10 triệu đơn vị, giá trị chưa tới 200 tỷ đồng được khớp lệnh. Trong khi đó, trong phiên thỏa thuận, VIC tạo sự chú ý khi có 4,7 triệu đơn vị được khớp, giá trị 244,4 tỷ đồng.

Trước sự yếu ớt của lực cầu, không khó hiểu khi chỉ cần bên bán gia tăng nhẹ cuối phiên cũng khiến thị trường đóng cửa trong sắc đỏ. Độ rộng của thị trường được nới rộng vào cuối phiên và thiên về hướng tiêu cực.

Cụ thể, đóng cửa phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,01%, xuống 565,73 điểm với 78 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,2 triệu đơn vị, giá trị 681,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó giao dịch thỏa thuận đã đóng góp đến 6,31 triệu đơn vị, giá trị 269,54 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index cũng không giữ được sắc xanh, thậm chí còn giảm mạnh hơn VN-Index khi mất 0,15%, xuống 82,46 điểm với 64 mã tăng và 86 mã giảm. Thanh khoản cũng èo uột với 16,45 triệu đơn vị, giá trị 191,64 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,37 triệu đơn vị, giá trị 20,78 tỷ đồng.

OGC kết thúc phiên còn dư bán giá sàn tới 12,57 triệu đơn vị, trong khi chỉ được khớp hơn 600.000 đơn vị. Nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua vào hơn 110.000 đơn vị đầu phiên cũng đã dừng lại khi nhìn thấy làn sóng bán tháo diễn ra với cổ phiếu này.

CII sau thông tin tích cực từ ĐHCĐ tiếp tục duy trì đà tăng tốt với mức 2,84%, lên 21.700 đồng với 1,35 triệu đơn vị được khớp. Đây cũng là mã có thanh khoản tốt nhất trên HOSE trong sáng nay.

Tiếp đó là CTG với 1,24 triệu đơn vị nhờ lực cầu tốt từ khối ngoại khi khối này mua vào hơn 560.000 đơn vị. Đóng cửa CTG tăng 1,13%, lên 17.900 đồng.

Các mã thị trường như FLC, HHS, HAI, DLG, ITA, HQC chỉ được giao dịch cầm chừng với mức biến động giá không lớn.

Trên HNX, các cổ phiếu thị trường như KLF, FIT cũng chỉ giao dịch cầm chừng. Trong khi SHN lại bất ngờ nhận được lực cầu mạnh, kéo thẳng lên mức giá trần 4.100 đồng với 1,53 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần. Tương tự, ITQ cũng đã hồi phục trở lại sau chuỗi giảm sàn liên tiếp và xuống dưới mệnh giá trong phiên cuối tuần trước.

Trong phiên sáng nay, ITQ có lúc đã được đẩy lên mức giá trần 10.800 đồng, trước khi hạ nhiệt đóng cửa với mức tăng 6,06%, lên 10.500 đồng với gần 700.000 đơn vị được khớp. Thông tin tích cực từ ĐHCĐ của ITQ tổ chức cuối tuần trước, cùng với mức giảm quá đà chính là nguyên nhân giúp cổ phiếu này hồi phục trở lại. Theo đó, ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch doanh thu tăng 28,6%, lợi nhuận trước thuế tăng 157% năm 2014.

Quý I/2015, ITQ đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 139,2 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 5,47 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, SCR lại bị bán mạnh, kéo mã này đóng cửa ở mức giá sàn 6.500 đồng với 1,65 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán giá sàn. Đây cũng là mã có thanh khoản tốt nhất HNX trong phiên sáng.

Tin bài liên quan