Phiên chiều 6/7: Sức cầu dè dặt, VN-Index ngắt mạch tăng

Phiên chiều 6/7: Sức cầu dè dặt, VN-Index ngắt mạch tăng

(ĐTCK) Mạch tăng của VN-Index đã chính thức dừng lại ở con số 7 khi lực cầu không còn đủ mạnh. Ngược lại, HNX-Index tiếp tục “bay” khi dòng tiền trở lại.

Sau chuỗi tăng nóng 7 phiên liên tục kể từ sau sự kiện Brexit, áp lực chốt lời đã gia tăng mạnh khiến VN-Index có phần chao đảo ngay từ đầu phiên sáng nay. VN-Index chỉ kịp “thoát hiểm” ở thời điểm cuối phiên nhờ lực cầu bắt đáy tương đối tích cực.

Tuy nhiên, may mắn đã không còn song hành với VN-Index trong phiên giao dịch chiều này. Tiếp tục là diễn biến giằng co khi áp lực bán vẫn hiện hữu, nhất là những thời điểm cuối phiên, nhưng so với phiên sáng, sức cầu đã suy giảm khi sự thận trọng tăng cao. Thiếu hỗ trợ từ dòng tiền, VN-Index điều chỉnh giảm nhẹ, qua đó chấm dứt mạch tăng ấn tượng vừa qua. Điểm tích cực là thanh khoản đã gia tăng khá mạnh trở lại.

Trong khi đó, phiên này ghi dấu ấn dòng tiền đã quay trở lại tích cực trên sàn HNX. Đã có những e ngại khi phiên hôm qua 5/7, khối ngoại rút ròng hơn 100 tỷ đồng, mức kỷ lục trong hơn 1 năm qua trên HNX. Áp lực chốt lời là không nhỏ, song nhờ sự ổn định cao của dòng tiền trong phiên suốt cả phiên, đà tăng cũng như thanh khoản của HNX-Index đều thể hiện hết sức tích cực.

Đóng cửa, với 114 mã tăng và 117 mã giảm, VN-Index giảm 1,42 điểm (-0,22%) xuống 649,46 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 0,09 điểm (-0,01%) xuống 636,18 điểm với 8 mã tăng và 12 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 136,38 triệu đơn vị, giá trị 2.696,53 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với 18,42 triệu đơn vị, giá trị 336,84 tỷ đồng. Các giao dịch thỏa thuận đáng chú ý bao gồm 5 triệu cổ phiếu ITA, giá trị 21 tỷ đồng; 4,3 triệu cổ phiếu BHS, giá trị 75,25 tỷ đồng; 3,55 triệu cổ phiếu ELC, giá trị 83,78 tỷ đồng; 1,965 triệu cổ phiếu OPC, giá trị 70,74 tỷ đồng.

Còn với 94 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index tăng 0,78 điểm (+0,91%) lên 86,7 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 2,48 điểm (+1,6%) lên 157,49 điểm với 15 mã tăng và 9 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 75,72 triệu đơn vị, giá trị 1.100,25 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 15,89 triệu đơn vị, giá trị 295,5 tỷ đồng. Các giao dịch thỏa thuận đáng chú ý bao gồm 5,92 triệu cổ phiếu DBC, giá trị 211 tỷ đồng; 3 triệu cổ phiếu SHS, giá trị 18,6 tỷ đồng; 2,67 triệu cổ phiếu KVC, giá trị 37,69 tỷ đồng; 1,6 triệu cổ phiếu KHB, giá trị 2,88 tỷ đồng.

Dưới áp lực chốt lời khá mạnh, trong khi sức cầu suy yếu, nên nhiều mã lớn như VNM, GAS, MSN, VCB, PVD, CTG, BID… vẫn đồng loạt giảm, qua đó là lực cản chính của chỉ số. Các mã VIC, BVH, SSI, KDC… đứng giá tham chiếu.

PVD giảm 600 đồng về 30.400 đồng/CP và khớp 1,53 triệu đơn vị. SSI khớp 2,5 triệu đơn vị.

Trong khi nhóm cổ phiếu lớn gây sức ép, thì các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, mía đường, vận tải… giao dịch tích cực, giúp VN-Index không lùi sâu. Điển hình như HPG, HSG, KBC,SBT, BHS, VTO… đều giao dịch rất tích cực.

HPG tăng 800 đồng lên 41.000 đồng/CP và khớp 4,95 triệu đơn vị. HSG tăng 700 đồng lên 44.800 đồng/CP và khớp 2,5 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, KBC tăng trần phiên thứ 3 liên tục lên 16.500 đồng/CP và khớp 7,63 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn HOSE. VTO cũng đạt sắc tím 10.400 đồng/CP và khớp 1,48 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, VCG cũng đã tăng kịch trần lên 17.400 đồng/CP và khớp 4,69 triệu đơn vị. Tuy nhiên, SCR mới là tâm điểm dòng tiền khi khớp lệnh 10,95 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường và tăng 700 đồng lên 10.700 đồng/CP.

Ngoài ra, HUT, DCS, KLS đều có thanh khoản mạnh từ hơn 2-3 triệu đơn vị. HUT tăng 700 đồng lên 11.600 đồng/CP.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu khoáng sản vẫn còn nhiều mã giảm sâu như KSA, KSH, LCM, MIM, KHB…. Lượng bán sàn tại KSA và KHB đã suy giảm đáng kể, song chủ yếu là do hủy lệnh. KSA chỉ còn dư bán sàn 18,2 triệu đơn vị (kết phiên sáng là hơn 36 triệu đơn vị) và khớp chỉ hơn 8.000 đơn vị. Còn KHB dư bán sàn 6,87 triệu đơn vị (kết phiên sáng là hơn 9 triệu đơn vị) và khớp được 2,12 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan