Phiên chiều 24/10: Nỗ lực bất thành

Phiên chiều 24/10: Nỗ lực bất thành

(ĐTCK) Sau những phút lao mạnh đầu phiên do lực bán gia tăng, VN-Index đã nỗ lực bật trở lại qua tham chiếu, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc đỏ.

Bước sang phiên chiều, lực bán mạnh đã ngay lập tức được đưa vào ngay từ đầu khiến sắc xanh nhẹ của VN-Index nhanh chóng chuyển sang đỏ. Cũng như những phiên trước, lực bán trong phiên chiều còn mạnh và ở diện rộng hơn nhiều so với phiên sáng, VN-Index bị kéo về sát mốc 588 điểm.

Lúc này, cầu bắt đáy xuất hiện mạnh mẽ, kéo chỉ số leo thẳng một mạch lên 595 điểm. Tuy nhiên, đà tăng này cũng không tồn tại lâu khi bước sang đợt khớp lệnh ATC, một đợt bán mạnh nữa được tung ra, chính thức nhấn VN-Index về xuống dưới mốc tham chiếu.

Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index giảm 2,02 điểm (-0,34%) xuống 591,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 93,57 triệu đơn vị, giá trị 1.580,32 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 2,82 triệu đơn vị trị giá 84,69 tỷ đồng.

Trên HOSE, số mã giảm tiếp tục áo đảo số mã tăng với 81 mã tăng, 125 mã giảm và 80 mã đứng giá. Chỉ số VN30-Index giảm 1,32 điểm (-0,21%) xuống 629,25 điểm với 5 mã tăng, 10 mã giảm và 15 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,26 điểm (-0,3%) xuống 87,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,58 triệu đơn vị, giá trị 803,57 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp nhẹ với 2,76 triệu đơn vị trị giá 19,44 tỷ đồng.

Trên HNX, số mã giảm không lớn hơn nhiều số mã tăng với 89 mã tăng, 98 mã giảm và 85 mã đứng giá, nhưng chỉ số này không thể bứt lên được bởi lực cầu vẫn chưa thể cải thiện nhiều so với phiên sáng. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,82 điểm (-0,47%) xuống 173,39 điểm với 6 mã tăng, 14 mã giảm và 9 mã đứng giá.

Trong phiên chiều nay, nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục chịu áp lực bán mạnh. Trụ đỡ GAS cũng quay đầu giảm 1.000 đồng xuống 104.000 đồng/cổ phiếu, tương tự là VNM cũng giảm 1.000 đồng xuống 106.000 đồng/cổ phiếu, còn MSN giậm chân tại tham chiếu.

Còn lại phần nhiều các mã khác như SSI, OGC, HAG, FLC, DPM… chìm sâu trong sắc đỏ. FLC vẫn giao dịch lình xình nên mức giảm tăng lên 400 đồng xuống 11.000 đồng/cổ phiếu và khớp 5,67 triệu đơn vị.

OGC đã co hẹp mức giảm lại xuống còn 300 đồng, về 10.800 đồng/cổ phiếu và thanh khoản tiếp tục ở mức cao gần 7,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã bất động sản có sự phân hóa khá rõ rệt, như KBC, ASM, HAR, HQC, LGC… chỉ giao dịch dưới tham chiếu, thì các mã khác như HDG, IDI, NBB. NLG… luôn duy trì được sắc xanh trong phiên. Sự phân hóa cũng diễn ra ở nhiều nhóm cổ phiếu khác như thủy sản, dầu khí, cao su….

Đáng chú ý, mã VHG sau thời gian bay cao, mã này tiếp tục bị chốt lời mạnh và giảm 400 đồng xuống 15.700 đồng/cổ phiếu và được khớp tới trên 10,3 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn HOSE.

Trong các mã tân binh, GTN sau khi tăng mạnh ở phiên sáng đã được đẩy lên mức trần 21.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 1.300 đồng và khớp 1,63 triệu đơn vị. MWG cũng tăng 3.000 đồng lên 108.000 đồng/cổ phiếu.

TLH vẫn giữ nguyên sắc tím đậm trong phiên chiều nay, nhưng bên bán đã ngừng bơm hàng nên mã này chỉ khớp thêm lượng nhỏ, tổng cộng đạt 2,4 triệu đơn vị. Cùng với đó, HLA cũng đã được kéo tăng trần, tuy nhiên thanh khoản thấp hơn nhiều so với TLH.

Trên HNX, diễn biến giao dịch cũng tương tự như trên HOSE, khi áp lực bán mạnh dìm chỉ số này trong sắc đỏ suốt cả phiên giao dịch. Mặc dù cũng có nỗ lực đẩy giá nhằm vào các mã dầu khí, nhưng đó là chưa đủ khi lực bán xuất hiện ở hầu hết các nhóm cổ phiếu khác.

Trong nhóm HNX30, chỉ còn VCG và 3 mã dầu khí như PVC, PLC, PGS vẫn duy trì được sắc xanh, trong đó PGS tăng mạnh 900 đồng lên 35.300 đồng/cổ phiếu.

Còn lại đa phần các cổ phiếu khác như PVG, PVS, PVX, KLF, SHS, BVS, ACB… đồng loạt giảm điểm.

KLF giảm 200 đồng xuống 11.600 đồng/cổ phiếu và thanh khoản cao nhất HNX với 17,35 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, FIT bất ngờ tăng khá mạnh 400 đồng lên 26.700 đồng/cổ phiếu và khớp 4,44 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan