Phiên chiều 23/1: Đuối sức cuối phiên

Phiên chiều 23/1: Đuối sức cuối phiên

(ĐTCK) Sức cầu giảm sút, trong khi sức ép gia tăng, nhất là tại nhóm cổ phiếu bluechips khiến thị trường đuối sức về cuối phiên, VN-Index không giảm điểm khi nhóm ngân hàng hay một vài mã vốn hóa lớn như VNM, ROS, GAS duy trì được đà tăng.

Vùng đỉnh 690 điểm tiếp tục thể hiện là vùng cản cực “khó chịu” với VN-Index, đặc biệt trong bối cảnh chưa nhận được sự đồng thuận từ dòng tiền. Trong phiên giao dịch hôm nay, dòng tiền vẫn cho thấy sự phân hóa rất mạnh, tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, một vài mã vốn hóa lớn cũng như số ít cổ phiếu đầu cơ.

Nhận được sự tích cực từ dòng tiền, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhìn chung có phiên giao dịch tích cực, là động lực chính đẩy chỉ số. Tuy nhiên, đó là chưa đủ để VN-Index có thể vượt qua mốc 690 điểm ở thời điểm hiện tại, dù có lúc đã về sát mốc này. Diễn biến trong phiên chiều 23/1 cũng cho thấy sự sút giảm của sức cầu, nhất là vào thời điểm cuối phiên, vì vậy biên độ tăng của VN-Index cũng giảm hẳn so với phiên sáng, chỉ số chỉ giằng co nhẹ trên mốc tham chiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch 23/1, với 110 mã tăng và 136 mã giảm, VN-Index tăng 0,89 điểm (+0,13%) lên 687,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,8 triệu đơn vị, giá trị 1.969,76 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể gần 330 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 2,254 triệu cổ phiếu ITA ở mức giá trần, giá trị 9,4 tỷ đồng và 1,1 triệu cổ phiếu CAV, giá trị 58,3 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, BID và CTG là mã có giao dịch sôi động nhất, song CTG có sự bứt phá hơn trong phiên chiều, BID khớp 3,4 triệu đơn vị và tăng 1,2% lên 16.850 đồng/CP, còn CTG khớp 2,995 triệu đơn vị và tăng 2,2% lên 18.300 đồng/CP.

STB và VCB cũng giao dịch khá mạnh và đều duy trì sắc xanh. STB khớp 1,82 triệu đơn vị. MBB vẫn giảm điểm nhẹ.  

Áp lực bán khiến đà tăng của VNM bị ảnh hưởng đáng kể, kết phiên chỉ còn tăng 0,8% lên 128.000 đồng/CP, khớp lệnh 1,825 triệu đơn vị. Khối ngoại tiếp tục giao dịch mạnh VNM và tiếp tục trạng thái mua ròng, khi mua vào 1,76 triệu đơn vị và bán ra 1,37 triệu đơn vị.

ROS tiếp tục tăng 0,8% lên 127.500 đồng/CP và khớp 1,599 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ 10 liên tiếp của mã này.

Trong khi đó, nhóm thép tiếp tục chịu áp lực bán khá mạnh, HSG lùi về tham chiếu, HPG giảm nhẹ 0,5%. Cùng với đó, các mã MSN, SAB, SSI, PVD, REE, SBT, NVL… cũng đều giao dịch dưới tham chiếu. HPG, SSI, PVD, REE, SBT, NVL có thanh khoản tương đối tốt khi đều khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.

Trong bối cảnh sức cầu giảm sút, áp lực gia tăng tại một số mã lớn và bluechips, việc VN-Index duy trì được sắc xanh cho thấy sự đóng góp lớn của nhóm cổ phiếu ngân hàng, cũng như các mã như VNM, ROS, GAS.

Về mặt thanh khoản, HAG tiếp tục duy trì vị trí thứ nhất với hơn 5,1 triệu cổ phiếu được sang tên, tăng sát mức trần (6,5%) lên 5.420 đồng/CP. Còn HNG thì đã đạt mức trần 6.840 đồng/CP (+6,9%) và khớp 2,42 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng thứ 3 trong đó có 2 phiên trần liên tiếp của cặp đôi này.

Các mã đầu cơ có thanh khoản tốt khác có FLC, GTN, OGC, DXG, VHG, HQC, TCH ASM, DAH và KBC, trong đó FLC, GTN, OGC, DXG, VHG, HQC đều tăng điểm. Lượng dư mua trần của HQC đã giảm về 2,8 triệu đơn vị so với gần 4,7 triệu đơn vị của phiên sáng, song lượng khớp vẫn chỉ là 1,76 triệu đơn vị.

Ngược lại, chuỗi giảm sàn của CDO và ATG chưa có hồi kết, lần lượt là 34 và 27 phiên liên tiếp kể từ ngày 6/12/2016 với CDO và 15/1/2/2016 với ATG. CDO đứng ở mức giá giá 3.090 đồng/CP, ATG là 1.840 đồng/CP.

Trên sàn HNX, các cổ phiếu lớn tiếp tục là gánh nặng, trong rổ HNX30 số mã giảm gấp đôi số mã tăng (6 mã), trong đó có ACB, DBC, HUT, LAS, PVC… cho nên HNX-Index tiếp tục lùi sâu hơn. Đóng cửa, toàn sàn có 62 mã tăng và 71 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,8%) về 82,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,12 triệu đơn vị, giá trị hơn 172 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,9 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 1,11 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 5,22 tỷ đồng và 2,03 triệu cổ phiếu NHP, giá trị 4,46 tỷ đồng.

Toàn sàn HNX chỉ có đúng 2 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị là KLF (1,68 triệu) và PVX (1,1 triệu), cả 2 mã đều đứng giá tham chiếu.

Trên sàn UPCoM, sức ép gia tăng khiến đà giảm của sàn này suy giảm đáng kể về cuối phiên. Toàn sàn có 88 mã có giao dịch, trong đó 35 mã tăng và 32 mã giảm, đóng cửa tăng 0,21 điểm (+0,4%) lên 53,54 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 1,89 triệu đơn vị, giá trị 40 tỷ đồng.

Mã có thanh khoản tốt nhất sàn là TVB với gần 300.000 đơn vị khớp lệnh, tăng kịch trần lên 19.000 đồng/CP (+14,5%).

ACV có thanh khoản đứng 3 với 216.100 đơn vị khớp lệnh, nhưng được khối ngoại giao dịch rất mạnh, với lượng mua vào 456.900 đơn vị và bán ra 314.000 đơn vị, kết phiên tăng 1% lê 49.000 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý khác như VIB, MCH, MSR, VGT, GEX, VOC… cũng tăng điểm. HNV đứng giá tham chiếu.

Tin bài liên quan