Phiên chiều 13/1: Cổ phiếu phân bón và hóa chất tỏa sáng

Phiên chiều 13/1: Cổ phiếu phân bón và hóa chất tỏa sáng

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng và lan rộng trên khiến chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần ở mức thấp nhất trong ngày, nhưng vẫn giữ được ngưỡng 685 điểm. Mặc dù giao dịch phiên cuối tuần khá ảm đạm, nhưng thị trường vẫn nổi lên những điểm sáng, điển hình là các cổ phiếu trong nhóm phân bón và hóa chất.

Trong phiên giao dịch sáng, dù dòng tiền sụt giảm mạnh, nhưng nỗ lực nâng đỡ từ một số mã lớn đã giúp thị trường thoát hiểm trong phút cuối. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa mấy tin tưởng về sự phục hồi trong phiên thứ Sáu ngày 13 này.

Bước sang phiên giao dịch chiều, diễn biến chỉ số VN-Index khá trùng hợp với VN30-Index. Sau gần 1 giờ giao dịch giằng co nhẹ và liên tục đổi chiều, áp lực bán gia tăng ở các mã lớn và đã lan rộng lên thị trường, đẩy VN-Index lùi về mức thấp nhất phiên.

Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 106 mã tăng và 130 mã giảm, chỉ số Vn-Index giảm 1,9 điểm (-0,28%) xuống mức 685,06 điểm. Thanh khoản xấp xỉ phiên hôm qua với tổng khối lượng giao dịch đạt 94,95 triệu đơn vị, giá trị 2.060,46 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 12,8 triệu đơn vị, giá trị 361,74 tỷ đồng.

Diễn biến chỉ số VN30-Index đồng điệu với VN-Index khi đóng cửa ở mức thấp nhất ngày tại 640,07 điểm, giảm 2,18 điểm, với 10 mã tăng, 18 mã giảm và 2 mã đứng giá.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, GAS tiếp tục nới rộng đà giảm điểm và rơi xuống mức thấp nhất ngày 59.600 đồng/CP, giảm 1,49%, VNM cũng đảo chiều giảm điểm; đáng chú ý, dù công bố ước doanh thu đạt trên 24.000 tỷ đồng nhưng BVH đã quay đầu giảm điểm sau 2 phiên tăng liên tiếp. Với mức giảm 0,8%, BVH đóng cửa tại mức 62.000 đồng/CP và khớp gần 0,2 triệu đơn vị.

Tâm điểm trong những phiên giao dịch gần đây là các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng tiếp tục có diễn biến xấu ở phiên chiều cuối tuần. Đồng loạt VCB, BID, CTG, MBB, STB đều đóng cửa trong sắc đỏ và tại mức giá thấp nhất ngày. Đây là một trong những tác nhân góp phần chính đẩy VN-Index lùi về sát mốc 685 điểm.

Bên cạnh đó, nhiều mã đầu cơ quen thuộc cũng quay đầu giảm điểm như ITA giảm 2,45% đứng tại mức giá 4.070 đồng/CP và khớp lệnh thành công hơn 5 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn; các mã khác như HAG, KBC, DLG, DXG, GTN, SCR… đều đóng cửa dưới mốc tham chiếu.

Điểm sáng trong phiên cuối tuần là các cổ phiếu trong nhóm phân bón. Lực cầu hấp thụ mạnh giúp nhiều mã tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Điển hình DCM và VAF đều tăng trần, DPM tăng 2,15, BFC tăng 0,8%, trong đó, DCM và DPM cùng có khối lượng khớp lệnh hơn 1,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm phân bón và hóa chất cũng khởi sắc, đã hỗ trợ tốt giúp HNX-Index đảo chiều thành công trong phút cuối. Với mức tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,01%), HNX-Index đóng cửa tại mức 83,3 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức thấp với 22,28 triệu đơn vị, giá trị 22,94 tỷ đồng.

Phiên chiều 13/1: Cổ phiếu phân bón và hóa chất tỏa sáng ảnh 2

Diễn biến sàn HNX 

Trong nhóm phân bón và hóa chất, LAS tiếp tục ghi nhận phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp với mức tăng 9,4%, đóng cửa phiên cuối tuần tại mức giá 15.200 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh thành công duy trì tích cực đạt 476.500 đơn vị. Các mã khác như NTP, DGC, DGL, HVT cũng đều khởi sắc xanh.

Cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX là SHB với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,1 triệu đơn vị, các mã khác như NHP, ACB, KLF đều có lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM

Đà giảm trên sàn UPCoM tiếp tục nới rộng trong phiên chiều do nhiều mã lớn quay đầu giảm như HVN giảm 1,86%, MCH giảm 1,58%, QNS giảm 1,9%, đáng kể cổ phiếu mới VIB lùi về mức giá thấp nhất ngày khi giảm tới 11,11%.

Đóng cửa, số mã giao dịch trên sàn UPCoM chưa tới 1/3 sàn khi có 43 mã tăng, 33 mã đứng giá và 39 mã giảm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 1,01 điểm (-1,84%) xuống mức 53,98 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,47 triệu đơn vị, giá trị 56,41 tỷ đồng.

VOC là cổ phiếu giao dịch tốt nhất sàn khi chuyển nhượng thành công 395.900 đơn vị và đóng cửa tại mức giá 27.400 đồng/CP, tăng 1,86%.

Bộ đôi “tân binh” thuộc họ FPT vẫn duy trì trạng thái giao dịch trái chiều khi đóng cửa, với FTS niêm yết trên sàn HOSE giảm sàn, thì FOX tăng kịch trần với lượng giao dịch không thay đổi so với phiên sáng.

Tin bài liên quan