Bán ròng khối ngoại cũng không lớn
Động thái bán ròng của khối ngoại trong năm 2016 trái ngược với xu thế mua ròng diễn ra trước đó. Trong năm 2015, khối này mua ròng trên thị trường cổ phiếu niêm yết gần 2.650 tỷ đồng.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trên TTCK, do e ngại sẽ tác động tiêu cực đến dòng tiền chung trên toàn thị trường, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn lên niêm yết. Quan sát trên TTCK cho thấy, sau mỗi phiên nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, chỉ số chứng khoán thường giảm điểm mạnh.
Tuy nhiên, phân tích kỹ con số bán ròng hơn 6.548 tỷ đồng của khối ngoại trong năm 2016, tác động lớn nhất lên TTCK là tâm lý, chứ chưa hẳn là dòng tiền thực tế.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khối khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, trong số hơn 6.548 tỷ đồng bán ròng, giá trị bán ròng cổ phiếu VIC chiếm gần như toàn bộ.
“Chúng ta đã nhìn thấy việc nhà đầu tư nước ngoài chốt lời cổ phiếu VIC trên TTCK từ năm 2015. Năm nay, nếu loại bỏ yếu tố bán ròng cổ phiếu này thì giá trị bán ròng của khối ngoại rất nhỏ, chỉ khoảng 254 tỷ đồng. Hơn nữa, giao dịch bán của nhà đầu tư ngoại với mã VIC chủ yếu là giao dịch thỏa thuận, nên không ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền vào thị trường chung”, ông Linh nói.
"Trong số hơn 6.548 tỷ đồng bán ròng, giá trị bán ròng cổ phiếu VIC chiếm gần như toàn bộ. Nếu loại bỏ yếu tố bán ròng cổ phiếu này, thì giá trị bán ròng của khối ngoại rất nhỏ, chỉ khoảng 254 tỷ đồng"
- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khối khách hàng cá nhân SSI.
Năm 2015, nếu loại trừ cổ phiếu VIC ra khỏi giá trị bán ròng của khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài trên thực tế mua ròng khoảng 5.247 tỷ đồng, chứ không phải con số mua vào gần 2.650 tỷ đồng như thị trường nhận thấy.
Ông Linh lưu ý thêm, trong số bán ròng VIC, khoảng 400 tỷ đồng bán ra bởi các quỹ ETF. Tuy nhiên, cộng cả phần này, bán ròng khối ngoại cũng không lớn.
Mặt khác, khối ngoại bán ròng không đồng nghĩa với rút ròng. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho rằng, việc bán ròng chỉ được hiểu là rút tiền ròng khi nhà đầu tư ngoại thực hiện rút tiền. Với trường hợp khối ngoại bán ra để chờ đợi cơ hội mua vào thì dòng tiền trên thực tế vẫn ở lại với TTCK.
Vốn ngoại vào trái phiếu, M&A cao kỷ lục
Báo cáo của SSI cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 22.200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Từ tháng 10/2016, khối này chuyển qua bán ròng, với giá trị bán ròng trong tháng 10 là 2.500 tỷ đồng, tháng 11 là 7.500 tỷ đồng.
Điều này có nghĩa là, đến hết tháng 11/2016, dù xu hướng bán ròng của khối ngoại tăng lên, nhưng tính toàn bộ TTCK Việt Nam (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu), xu hướng nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với giá trị lớn vẫn là chủ đạo.
Bên cạnh việc mua ròng trên TTCK, điểm đáng quan tâm là dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp có xu hướng tăng nhanh, với không ít thương vụ lớn. Phát biểu tại buổi tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017” do Bizlive tổ chức, ông Linh đã đưa ra con số khá ấn tượng, đó là dòng vốn ngoại đổ vào hoạt động M&A trên TTCK lên tới 6 tỷ USD.
“Đây là dòng tiền dài hạn sẽ tác động tích cực lên doanh nghiệp Việt Nam và cả nền kinh tế”, ông Linh nhận xét.
Như vậy, tính tổng dòng vốn vào trái phiếu, M&A và thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài trên thực tế mua ròng khoảng 6,5 tỷ USD trong hơn 11 tháng đầu năm 2016.
Từ cuối năm 2015, với dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất, dòng vốn ngoại có động thái rút ra khỏi nhiều TTCK trên thế giới.
Năm 2016, ông Linh cho biết, sau sự kiện ông Donal Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, dòng vốn dịch chuyển từ các thị trường nước ngoài đổ về Mỹ tăng mạnh. Chỉ trong 3 tuần cuối tháng 11/2016, các quỹ đầu tư cổ phiếu tại Mỹ được rót trên 40 tỷ USD, trong khi các quỹ đầu tư ở các thị trường mới nổi bị rút 7,2 tỷ USD.
2 quỹ ETF lớn tại Việt Nam là VNM ETF và DB đều bị rút ròng, với giá trị rút tương ứng là 26 triệu USD và 24 triệu EUR trong khoảng thời gian từ ngày 8/11 đến 6/12/2016.
Theo báo cáo của SSI, từ đầu năm đến nay, chứng khoán Việt Nam tăng điểm, VN-Index tăng gần 15%, vượt trội so với mức tăng của chỉ số MSCI EM Index (đo lường diễn biến của các TTCK mới nổi) là 8,6%. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết Việt Nam thấp hơn so với các thị trường mới nổi khác nên định giá của VN-Index tăng lên 15,6 lần, xấp xỉ bằng định giá của MSCI EM Index. Điều này dẫn tới khả năng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam bị rút ròng tăng lên nếu Fed thực hiện tăng lãi suất.
Tuy nhiên, Fed có tăng lãi suất hay không vẫn là một ẩn số. Trong khi đó, TTCK Việt Nam trong thời gian tới có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn như Vietjet Air thực hiện bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, Nhà nước thoái vốn tại Vinamilk, Habeco, Sabeco…
Những ngày vừa qua, câu chuyện Nhà nước thoái vốn tại Habeco đã góp phần thổi một luồng gió mới vào TTCK. Cụ thể, cổ phiếu SAB của Sabeco tăng giá trần liên tục, đưa quy mô vốn hóa Tổng công ty lên hơn 110.000 tỷ đồng không chỉ mang lại lợi nhuận lớn cho những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trước khi chào sàn, mà còn góp phần tạo sắc xanh cho TTCK.
Nhà nước thoái vốn tại Sabeco trong thời gian tới có thể sẽ góp phần tạo nên cú hích mới cho thị trường.
Tiền trong nước rất lớn
Ngày 8/12/2016, thông tin Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng chỉ trong ngày đầu tiên ra mắt tại Hà Nội khiến cho thị trường không khỏi bất ngờ. Con số này cho thấy, tiền trong dân rất lớn, nếu so sánh với hơn 200 tỷ đồng rút ròng của nhà đầu tư ngoại trên thị trường cổ phiếu niêm yết từ đầu năm đến nay (sau khi ngoại trừ yếu tố VIC), thì giá trị rút ròng nhà đầu tư ngoại là quá nhỏ, ảnh hưởng không đáng kể đến dòng tiền trên thị trường.
Làm thế nào để tăng dòng vốn vào TTCK? Theo các chuyên gia, câu trả lời là cơ hội. Khi thị trường nhìn thấy cơ hội, dòng tiền sẽ tự khắc đổ vào, mà không cần lời kêu gọi. Nhìn lại TTCK những giai đoạn tăng nóng, giá trị giao dịch mỗi phiên thậm chí đạt 5.500 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với mức trung bình khoảng 3.000 tỷ đồng toàn thị trường tính từ đầu năm 2016. Việc có thêm nhiều hàng mới lên niêm yết đã và đang tạo ra những cơ hội hấp dẫn.
Giá trị danh mục vốn ngoại tăng 2 tỷ USD so với năm 2015
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội
Thanh khoản thị trường cũng tăng lên mạnh. Hiện tại, giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 17 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với năm 2015. Đó là những nội dung cơ bản về dữ liệu thị trường mà ta có thể cảm nhận được sự năng động của nền kinh tế qua việc huy động vốn.
Không phải ngẫu nhiên mà chứng khoán có sự thu hút mạnh mẽ với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Hiện nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang có cái nhìn tương đối lạc quan về kinh tế Việt Nam và việc huy động vốn ngoại trên thực tế có thể thực hiện ngoài thị trường chứng khoán thông qua các hoạt động M&A.
Nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều tỷ USD vốn ngoại
Ông Kevin Snowball, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ PXP Vietnam
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành chính sách nới room để khắc phục vấn đề này, nhưng nếu thị trường chứng khoán Việt Nam không phát triển theo hướng nhà đầu tư mong muốn, nhiều người sẽ rời khỏi đây.
Thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang hỗ trợ rất tốt cho thị trường chứng khoán và Việt Nam cũng đang muốn nâng hạng lên thị trường mới nổi để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng, nếu trở thành thị trường chứng khoán mới nổi, Việt Nam có thể sẽ thu hút thêm nhiều tỷ USD vốn ngoại.