Trong số các doanh nghiệp bị cảnh cáo, đặc điểm chung dễ nhận ra là đa phần có vốn điều lệ nhỏ, thanh khoản cổ phiếu trên sàn ở mức rất thấp. Những doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp gốc nhà nước, cổ phiếu bị buộc phải đưa lên sàn sau khi cổ phần hóa như Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (ANT), Công ty cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn (FRM), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (HAN)…
Điều bất ngờ là trong danh sách này, ngoài những doanh nghiệp mới làm quen với nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng, thì cũng đồng thời xuất hiện những cái tên, mà vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin dường như đã là bệnh… kinh niên. Trong quá khứ, cổ đông CTCP Sông Đà 3 (mã SD3), Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Giáo dục (mã EFI) đã phải trả giá đắt khi cổ phiếu bị hủy niêm yết vì lý do vi phạm công bố thông tin của doanh nghiệp.
Cụ thể, với Sông Đà 3, từ mức giá đỉnh điểm 229.100 đồng/cổ phiếu ngày 11/8/2007, cổ phiếu này đã giảm xuống mức 2.300 đồng vào đầu tháng 10/2012. Đến ngày 26/9/2012, HNX đã ban hành Quyết định số 376/QĐ/SGDHN về việc hủy niêm yết toàn bộ gần 16 triệu cổ phiếu SD3 từ ngày 26/10/2012.
Tương tự, cổ phiếu EFI cũng phải hủy niêm yết kể từ ngày 17/4/2017 do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên soát xét năm 2015, báo cáo tài chính riêng riêng và hợp nhất các quý I, II, III, IV/2016 và cả năm 2016.
Với Công ty cổ phần Beton 6 (mã BT6), dù lý do dẫn đến BT6 hủy niêm yết tự nguyện kể từ ngày 27/11/2015 là nhằm mục đích tái cơ cấu, nhưng trong quá khứ, công ty này cũng liên tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin khi chậm công bố báo cáo tài chính các năm trước đó.
Doanh nghiệp phớt lờ công bố thông tin?
Nhìn vào dữ liệu công bố thông tin ở cổng thông tin của HNX, các doanh nghiệp bị nêu tên nói trên đều thiếu công bố thông tin. Thế nhưng, trong một số trường hợp, lý do chậm công bố thông tin dẫn đến bị khiển trách toàn thị trường dường như không phải do doanh nghiệp không kịp chuẩn bị báo cáo tài chính.
Trang web của Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket (mã CMN) cho thấy, Công ty đã có mục công bố thông tin và dường như doanh nghiệp đã kết hợp với Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) để thực hiện công tác quan hệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, thông tin liên quan đến báo cáo tài chính (công bố riêng lẻ) và phần tóm tắt dữ liệu tài chính cuối năm 2017 vẫn để trống. Công bố thông tin trên HNX cũng trống trơn.
Thế nhưng, phần tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông của CMN lại có đầy đủ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, được ký ngày 5/3/2018 bởi Công ty TNHH Kiểm toán An Việt - Chi nhánh Hà Nội. Theo đó, trong năm 2017, CMN đạt lợi nhuận sau thuế gần 23 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập trên mỗi cổ phần là 4.743 đồng/cổ phiếu. Điều này có nghĩa là, CMN vẫn hoàn thành rất sớm nghĩa vụ lập báo cáo cáo tài chính, vẫn công bố ở đâu đó cho cổ đông của mình, nhưng… quên nghĩa vụ công bố thông tin của một công ty đại chúng khi đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.
Tương tự, Công ty cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn (mã FRM) đã thực hiện đầy đủ công bố thông tin về báo cáo tài chính trên website Công ty. Doanh nghiệp này có kế hoạch niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2018.
Thế nhưng, tại cổng công bố thông tin trên HNX, nơi cổ phiếu FRM đang giao dịch, chỉ có 4 thông tin được công bố là ngày đăng ký cuối cùng danh sách cổ đông tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên; nghị quyết Hội đồng quản trị; biên bản, nghị quyết họp Đại hội đồng cổ đông và báo cáo thường niên. Báo cáo tài chính đến thời điểm này vẫn chỉ được công bố bên trong báo cáo thường niên.
Như vậy, nếu nhìn ở một góc độ, có thể doanh nghiệp đã quên mất nghĩa vụ công bố thông tin của mình, chứ không phải là việc doanh nghiệp muốn giấu thông tin. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ khác, thì việc "quên" có vẻ chưa hợp lý, bởi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo của HNX cho biết, với mỗi doanh nghiệp lên niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu tập trung tại đây, Sở đều cung cấp cẩm nang công bố thông tin để giúp doanh nghiệp nắm được chính xác những công việc và yêu cầu, tiến độ công việc mình cần làm trong vai trò là một công ty đại chúng. Do đó, đâu đó, có thể doanh nghiệp đã quên, nhưng cũng có thể, doanh nghiệp đã phớt lờ nghĩa vụ công bố thông tin của mình.
Dấu hỏi tình hình tài chính
Để lý giải việc chậm công bố thông tin, nhiều doanh nghiệp thường đưa lý do khách quan như công tác kế toán, kiểm toán cần thời gian dài; công ty con, công ty liên kết chưa phải công ty đại chúng, hoặc gặp trục trặc trong quá trình làm việc với kiểm toán... Thế nhưng, có một vấn đề mà thị trường e ngại nhất, đó là chất lượng tài chính của các doanh nghiệp này.
Chẳng hạn, Sông Đà 3 có 3 năm liên tiếp báo lãi, với mức lãi không quá lớn, nhưng cũng đủ để chia cổ tức cho cổ đông khi mà giá cổ phiếu này khá èo uột. Năm 2016, lãi sau thuế cổ đông Công ty mẹ Sông Đà 3 đạt gần 11,6 tỷ đồng trên vốn điều lệ 158,56 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận của Công ty đạt hơn 7,3 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, Sông Đà 3 đã ghi nhận con số lỗ lên tới hơn 60 tỷ đồng. Với kết quả này, vốn chủ sở hữu Công ty giảm về mức 231 tỷ đồng.
Chi tiết báo cáo tài chính quý III/2017 cho thấy, dù mảng bán điện mang lại lợi nhuận gộp lớn (lên tới 51,2 tỷ đồng, nhưng mảng xây lắp bị lỗ gộp và chi phí lãi vay tăng mạnh từ 39,8 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2016 lên 70,9 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017 dẫn đến kết quả thua lỗ lớn của Công ty. Vi phạm công bố thông tin là một chuyện, nhưng có lẽ kết quả kinh doanh èo uột năm 2017 cũng là nguyên nhân khiến Sông Đà 3 "quên" công bố thông tin.
Với Công ty cổ phần Đầu tư tài chính giáo dục (mã EFI), những lùm xùm về việc mất liên lạc với kế toán trưởng, đồng thời là người phụ trách công bố thông tin hồi cuối năm 2017, cộng thêm thông tin liên quan đến nghi vấn thất thoát tài sản được cho là những lý do khiến Công ty chậm công bố thông tin báo cáo tài chính.
Ở thời điểm giữa năm 2017, theo báo cáo tài chính bán niên soát xét, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ EFE nửa đầu năm đạt hơn 9 tỷ đồng trên vốn điều lệ 108,8 tỷ đồng. Tình trạng tài sản của EFI ở thời điểm này không có gì đặc biệt, chủ yếu là tiền và tiền gửi có kỳ hạn (gần 90 tỷ đồng), cổ phiếu EID và khoản đầu tư vào tòa nhà Cavico Việt Nam.
EFI dự kiến họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 6/2018. Do đó, những thông tin về Công ty có lẽ vẫn phải chờ thêm thời gian để được hé lộ.