Phí đấu giá doanh nghiệp nhà nước không đủ tiền bữa nhậu

Phí đấu giá doanh nghiệp nhà nước không đủ tiền bữa nhậu

(ĐTCK) Quy định về phí bán đấu giá doanh nghiệp Nhà nước, chuyện tưởng rất nhỏ, nhưng lại đang đe dọa mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước.
KỲ I: TIỀN PHÍ CHẢ ĐỦ... MỘT BỮA NHẬU

Công ty chứng khoán “chê” khách hàng

Tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là mắt xích quan trọng trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Sự thành công hay thất bại của khâu này, đồng nghĩa có chuyển đổi thành công từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần hay không.

Nói như vậy để thấy, các chính sách hỗ trợ cho khâu tổ chức IPO cần hợp lý, nếu không muốn nói là cần có sức hấp dẫn, để tạo động lực thu hút các công ty chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán nhiệt tình tham gia quá trình này.

Thế nhưng, yêu cầu này, theo phản ánh của các chủ thể tham gia IPO, hiện không được đáp ứng, do sự bất hợp lý của cơ chế phí bán đấu giá cổ phần được quy định tại Thông tư 82/2009 của Bộ Tài chính về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bán đấu giá cổ phần.

Theo đó, mức thu phí bán đấu giá cổ phần áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán là 0,3% trên tổng giá trị cổ phần thực tế bán được và tối đa không vượt quá 300 triệu đồng trên một cuộc bán đấu giá cổ phần.

Mức thu phí bán đấu giá cổ phần áp dụng tại các tổ chức được phép tổ chức bán đấu giá cổ phần (có các CTCK) do các bên tự thỏa thuận, nhưng mức thu không vượt quá 0,3% trên tổng giá trị cổ phần thực tế bán được.

Là đơn vị nhiều năm làm tư vấn IPO, tổng giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Hà Nội chia sẻ, nếu may mắn, số phí công ty chứng khoán thu được từ một thương vụ tư vấn, tổ chức IPO vào khoảng 50 - 60 triệu đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 đến nay, mức phí này đột ngột giảm tới quá nửa, do các công ty chứng khoán đua nhau hạ phí.

“Tiền phí thu được giảm đến mức không đủ trả cho một… bữa nhậu, nên gần đây, Công ty đành làm một việc nghe có vẻ khó tin, đó là tìm cách từ chối khéo một số khách hàng”, vị tổng giám đốc trên nói và trải lòng thêm, lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước thường có tâm lý thích được “chăm sóc”, nên sau khi cân đo giữa mức phí thu được trong một thương vụ với chi phí lẫn công sức bỏ ra chiều sếp doanh nghiệp Nhà nước, công ty chứng khoán chẳng thấy có lợi.

Điều này giải thích tại sao một số doanh nghiệp tìm cách thúc công ty chứng khoán ký hợp đồng làm tư vấn IPO, với hứa hẹn nếu bán đấu giá thành công sẽ có thưởng cho công ty chứng khoán. Tuy nhiên, vì nhận thấy đây là những doanh nghiệp làm ăn bi bét, lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu, khiến khả năng IPO thành công là không thể, nên công ty chứng khoán phải tìm cách từ chối luôn.

Những cạm bẫy không… ngọt ngào

“Trong hợp đồng tư vấn IPO thường có điều khoản, các doanh nghiệp phải tạm ứng 50% mức phí tư vấn cổ phần hóa cho công ty chứng khoán ngay sau khi hợp đồng được ký. Thế nhưng, đây gần như là điều khoản… chết”, lãnh đạo một công ty chứng khoán thuộc khối ngân hàng tiết lộ và cho biết thêm, thỏa thuận là vậy, nhưng thường các doanh nghiệp ít tạm ứng trước, trong khi công ty chứng khoán vì chiều khách, nên không thể chờ họ chuyển tiền mới tiến hành các công việc như thỏa thuận giữa hai bên.

Hệ quả là nếu DN IPO thất bại, công ty chứng khoán đành chấp nhận làm công cốc. Trong khi công ty chứng khoán đã phải bỏ ra khá nhiều công sức, để hoàn thiện bộ hồ sơ IPO cho doanh nghiệp với độ dày cả nửa gang tay. Với khối lượng công việc này, cũng như mức độ ít am hiểu của doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa thì có khi họ làm cả năm không xong.

“Số tiền phí không lớn, nhưng doanh nghiệp không thanh toán cho công ty chứng khoán. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, khi doanh nghiệp bắt công ty chứng khoán xác nhận nợ hết lần này đến lần khác, mà không hề đoái hoài đến nghĩa vụ trả nợ...”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhắc lại một “tai nạn” và chia sẻ thêm, không chỉ IPO thất bại khiến doanh nghiệp lờ chuyện trả phí, công ty chứng khoán còn chịu nhiều rắc rối khác khi bên bán và bên mua cổ phần “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Tuy chỉ là đơn vị trung gian làm tư vấn, thế nhưng, sau IPO, doanh nghiệp chưa nhận được tiền của nhà đầu tư và ngược lại, nhà đầu tư chậm nhận được cổ phần từ doanh nghiệp, cả hai bên đều quay ra “kết tội” công ty chứng khoán. Kết cục là trong khi bị phía doanh nghiệp lờ đi việc thanh toán khoản phí tư vấn thì có công ty chứng khoán đã bị nhà đầu tư kiện ra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan công an vì có dấu hiệu… lừa đảo.

Kỳ 2: Công ty chứng khoán ngầm cạnh tranh với Sở Giao dịch chứng khoán

Tin bài liên quan