Nhu cầu đầu tư cho phát triển bền vững tại Việt Nam đã khá rõ nét

Nhu cầu đầu tư cho phát triển bền vững tại Việt Nam đã khá rõ nét

Phát triển chứng khoán xanh dần trở thành hiện thực

(ĐTCK) Cùng với bước đầu định hình khung pháp lý, TTCK Việt Nam đã manh nha xuất hiện chứng khoán xanh. Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm này bài bản theo thông lệ quốc tế, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cũng như nhu cầu đầu tư mới của NĐT, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần phải xúc tiến định hình khung pháp lý cụ thể.

Manh nha chứng khoán xanh

“Nếu căn ke theo chuẩn quốc tế thì hiện Việt Nam chưa có các sản phẩm chứng khoán xanh. Tuy nhiên, xét theo nghĩa bản chất của các sản phẩm này, trên TTCK Việt Nam đã bắt đầu manh nha các sản phẩm trái phiếu xanh. Đó là các loại trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tài trợ cho các dự án thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió…”, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết tại hội thảo “Xây dựng khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho TTCK Việt Nam”, do UBCK phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) vừa tổ chức. Hội thảo đã thu hút nhiều CTCK, công ty quản lý quỹ, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự.

Là đầu mối tổ chức vận hành giao dịch thị trường trái phiếu Việt Nam, theo HNX, khung pháp lý định hướng cho phát triển trái phiếu xanh đến nay đã được định hình tại: Quyết định 1393/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định 403/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

Đặc biệt, mới đây ngày 20/10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2183/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành tài chính nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; các văn bản pháp quy đưa ra định hướng về đầu tư cho các dự án có tính chất xanh như dự án về thủy lợi, điện gió, sản xuất pin mặt trời...

Tuy nhiên, việc phát triển trái phiếu xanh đang đối mặt với nhiều thách thức do thiếu các chuẩn mực chung về tiêu chuẩn xanh và đầu vào trái phiếu xanh. Chi phí ban đầu cho các dự án xanh thường có nhu cầu vốn cao hơn so với các dự án khác và phải chịu các rủi ro về chi phí vốn cao...

Theo ghi nhận của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), nhu cầu đầu tư cho phát triển bền vững tại Việt Nam đã khá rõ nét, khi trên thị trường đã có Quỹ đầu tư Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI do Công ty Quản lý quỹ SSI quản lý, tập trung đầu tư vào các công ty niêm yết có những lợi thế cạnh tranh bền vững. Ngoài ra, Quỹ Mekong Brahmaputra Clean Development Fund L.P (quỹ đóng) của Dragon Capital quản lý, hiện tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có sử dụng công nghệ sạch tại khu vực sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam…

Để thúc đẩy phát triển các sản phẩm chứng khoán xanh trong thời gian tới, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, nhà quản lý cần sớm hình thành khung pháp lý đồng bộ từ các quy chuẩn cho các sản phẩm như: trái phiếu xanh, chỉ số xanh... cho đến các chính sách hỗ trợ về thuế, phí để khuyến khích phát triển các sản phẩm này.

“Động lực để phát triển tài chính xanh nằm ở phía các nhà hoạch định chính sách thông qua việc đưa ra một lộ trình cụ thể về: chuẩn bị chính sách, cấp vốn, thực hiện. Trong quá trình triển khai cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, Sở GDCK, DN...”, ông Michael Abraham, đồng Tổng giám đốc Công ty dịch vụ tài chính Concerto (Đức) khuyến nghị và cho rằng, để khởi động xu hướng đầu tư vào chứng khoán xanh, Việt Nam nên bắt đầu từ xây dựng và triển khai chỉ số xanh.

Các cơ quan tổ chức thị trường cần thông qua nắm bắt yêu cầu cụ thể của NĐT để xây dựng các chỉ số xanh tương ứng. Nếu sớm thực hiện việc này, Việt Nam có thể trở thành nước đầu tiên ở khu vực Đông Dương có chỉ số xanh, qua đó sẽ gia tăng uy tín cho TTCK Việt Nam. 

Bước đầu luật hóa

“Tại phần phụ lục Thông tư 155/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK, thay thế Thông tư 52/2012/TT-BTC, có đặt ra yêu cầu với các DN niêm yết trong việc công bố thông tin về phát triển bền vững. Đây là bước đi đầu tiên về định hướng phát triển chứng khoán xanh được thể chế hóa…”, Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long nói và cho biết thêm, UBCK mong muốn thời gian tới, với sự ủng hộ, phối hợp của các bộ, ngành, đơn vị liên quan và sự hỗ trợ của GIZ, UBCK có thể xây dựng và triển khai được khung pháp lý về tài chính xanh cũng như các sản phẩm tài chính xanh cho DN hoạt động trên TTCK.

Đề cập chi tiết định hướng xây dựng khung pháp lý cho phát triển các sản phẩm chứng khoán xanh, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, cơ quan quản lý sẽ thiết lập một khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thị trường vốn như: ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).

Xây dựng đề án phát triển các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm: trái phiếu xanh là các trái phiếu của DN xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh; trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các chương trình, dự án xanh; bộ chỉ số xanh (chỉ số bền vững, chỉ số Carbon…) để theo dõi, đánh giá và giao dịch trên thị trường vốn; các chứng chỉ đầu tư xanh do các quỹ đầu tư phát hành cho các dự án, lĩnh vực xanh…

“Ngoài ra, cần tăng cường triển khai các chính sách, đặc biệt về thuế, phí để khuyến khích DN huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua phát hành, niêm yết trái phiếu, cổ phiếu xanh. Cũng cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các DN, quỹ đầu tư trong thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi khi phát hành trái phiếu, chứng chỉ đầu tư… cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh…”, ông Sơn nói.

Ông Michael Krakowski, cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh của GIZ, cam kết sẽ hỗ trợ UBCK phát triển chứng khoán xanh với các nội dung cụ thể như: thiết lập các tiêu chí về niêm yết xanh và công bố thông tin, báo cáo phát triển bền vững; xây dựng và công bố các chỉ số xanh; phát triển trái phiếu xanh...   

“Cần hệ thống chính sách đồng bộ”

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc HNX

Để phát triển trái phiếu xanh bài bản, Bộ Tài chính cần ban hành hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành khung chính sách về phát hành trái phiếu chính phủ xanh. Kèm theo đó là có chính sách ưu đãi về thuế đối với việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh. Để thúc đẩy thanh khoản cho trái phiếu xanh, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chấp nhận sử dụng trái phiếu xanh trong hoạt động thị trường mở với tỷ lệ chiếu khấu cao hơn các trái phiếu cùng loại; cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu xanh (trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh...) làm dự trữ bắt buộc.

UBCK cần có chương trình đào tạo, xây dựng năng lực cho NĐT khi tham gia thị trường trái phiếu xanh, đồng thời có giải pháp thu hút các NĐT tổ chức như: quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí... tham gia thị trường vốn xanh.

HNX sẽ phát hành thử nghiệm trái phiếu xanh với cơ cấu, đặc điểm sản phẩm linh hoạt như: trái phiếu coupon thuần túy, trái phiếu có nguồn thu từ dự án; trái phiếu zero coupon. Ngoài nghiên cứu chỉ số trái phiếu xanh, HNX cũng mong muốn nghiên cứu tạo ra sản phẩm kết hợp giữa tín dụng, trái phiếu và hỗ trợ vốn ưu đãi quốc tế (ODA).

“VSD sẽ nghiên cứu triển khai nhiều sản phẩm xanh”

Ông Lưu Trung Dũng,Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD)

Những năm qua, VSD rất chú trọng đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin như: hệ thống cổng giao tiếp điện tử, chữ ký số phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ giữa VSD và các thành viên lưu ký... Hiện trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, tín phiếu kho bạc... đã được thực hiện đăng ký và lưu ký đồng thời tại VSD. Việc lưu ký các loại chứng khoán này gần như được phi vật chất hoàn toàn, nên không chỉ đơn giản hóa thủ tục, mà còn giảm bớt khối lượng giấy thải loại, góp phần giảm tác hại đến môi trường...

Thời gian tới VSD muốn hướng đến kết hợp hoạt động đăng ký và lưu ký chứng khoán đồng thời vào thời điểm sau khi các tổ chức phát hành thực hiện phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng, phát hành bổ sung, phát hành riêng lẻ. Việc đăng ký và lưu ký đồng thời chứng khoán của người sở hữu giúp thực hiện phi vật chất hoàn toàn chứng khoán, loại bỏ việc sử dụng giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán...

VSD sẽ nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm giá trị gia tăng cho thị trường là các sản phẩm xanh, đem lại hiệu quả cao, giảm tác động đến môi trường, E-voting là một sản phẩm như vậy. Tuy nhiên, việc thực hiện các đề xuất trên của VSD để xanh hóa các hoạt động của mình sẽ gặp không ít thách thức liên quan đến quy định về pháp lý, tâm lý, thói quen của NĐT, cổ đông... Do đó, cần sự ủng hộ, chỉ đạo của UBCK để giúp VSD có thể thực hiện hiệu quả các hoạt động của mình, cũng như cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ xanh cung cấp cho TTCK.

“Đầu năm 2017, HOSE giới thiệu chỉ số phát triển bền vững”

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc phòng nghiên cứu phát triển, HOSE

Liên quan đến phát triển xanh, bền vững, HOSE đã có nhiều nỗ lực. Với nỗ lực thúc đẩy quản trị - môi trường - xã hội (ESG), trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên do HOSE, Báo ĐTCK cùng nhà tài trợ độc quyền Dragon Capital thực hiện từ năm 2008, kể từ năm 2013, Ban Tổ chức đã bổ sung giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững, nhằm khuyến khích, thúc đẩy các DN niêm yết ngày càng quan tâm, coi trọng đến yếu tố phát triển bền vững.

Trong tổng số 581 báo cáo thường niên tham gia Giải thưởng báo cáo thường niên 2015 có 114 báo cáo (20%) đề cập đến phát triển bền vững, trong đó có 3 công ty có báo cáo riêng về phát triển bền vững. Các công ty nhận được giải thưởng báo cáo phát triển bền vững là các công ty dẫn đầu trong ngành với vốn hóa lớn và thanh khoản cao như: PVD, VNM, BVH, IMP, FPT.

Để tiếp tục thúc đẩy ESG, HOSE đang xây dựng các chỉ số ESG, nhằm tạo thêm các sản phẩm chỉ số mới cho thị trường. HOSE đề ra lộ trình cụ thể: tháng 12/2015 nghiên cứu khả thi nhu cầu thị trường về chỉ số phát triển bền vững có thể đầu tư; tháng 1/2016 triển khai nghiên cứu thông lệ quốc tế về khung đánh giá ESG. Từ tháng 3-4/2016 tiến hành xây dựng khung đánh giá ESG để đánh giá và xếp hạng công ty; thực hiện đánh giá các công ty niêm yết dựa trên khung đánh giá ESG. Nửa cuối năm 2016 sẽ xây dựng chỉ số phát triển bền vững để đầu năm 2017 sẽ giới thiệu chỉ số mới.

Tin bài liên quan