VCBS, BSC… đang đón tiếp không ít DN nhỏ có nhu cầu tư vấn phát hành trái phiếu

VCBS, BSC… đang đón tiếp không ít DN nhỏ có nhu cầu tư vấn phát hành trái phiếu

Phát hành trái phiếu,“nhà nghèo” chen chân

(ĐTCK) Sau các đợt huy động vốn trái phiếu hàng ngàn tỷ đồng của các DN lớn, nhiều DN nhỏ đang muốn tham gia thị trường này. Tuy nhiên, cửa phát hành cho DN nhỏ vẫn khá hẹp.

Ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết, hiện có ít nhất 3 DN vừa và nhỏ, quy mô tài sản từ 500 - 3.000 tỷ đồng đang tiếp cận VCBS để được tư vấn phát hành trái phiếu DN (TPDN). Các DN này hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản, nhựa, bao bì và thủy điện.

“Chúng tôi đang triển khai các công việc cần thiết để DN có thể sớm chào bán trái phiếu ra thị trường”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, trong năm 2013, VCBS đã tư vấn phát hành trái phiếu thành công cho 3 công ty cỡ trung, với tổng quy mô phát hành xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.

Tại CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư BSC chia sẻ, một số DN có quy mô vốn điều lệ 100 - 500 tỷ đồng đang nhờ Công ty tư vấn phát hành trái phiếu. Các DN này hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, khoáng sản và sản xuất hàng tiêu dùng.

“Năm nay, sẽ có nhiều DN vừa và nhỏ muốn phát hành trái phiếu hơn, vì nhu cầu vốn cho tái cấu trúc và kinh doanh của các công ty đang càng trở nên cấp thiết”, ông Xuân Anh nhận xét.

Thực ra, các DN vừa và nhỏ có nhu cầu huy động vốn bằng công cụ TPDN từ lâu. Ông Phạm Duy Hưng, Phó giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán CTCK APEC cho hay, có đến 70% trong số hàng trăm DN mà Công ty tiếp xúc từ năm 2013 tới nay có nhu cầu huy động thêm vốn và muốn tìm hiểu phương thức huy động vốn qua trái phiếu, trong đó có những DN có vốn điều lệ vài ba chục tỷ đồng và có nhu cầu phát hành dưới 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giới kinh doanh trái phiếu đánh giá, thị trường trái phiếu chỉ dành cho “nhà giàu”, nghĩa là các DN lớn và các ngân hàng lớn. Tại một số ngân hàng, có một quy tắc mặc định là bộ phận kinh doanh vốn sẽ chỉ xem xét các thương vụ phát hành trái phiếu có quy mô ít nhất 200 tỷ đồng.

Thực tế này xuất phát từ đặc thù TPDN là công cụ tài chính đơn giản và có độ rủi ro cao hơn so với tín dụng truyền thống. Bên cho vay thường chỉ kiểm soát việc giải ngân tại thời điểm phát hành TPDN, thay vì kiểm soát chặt chẽ theo từng giai đoạn như tín dụng truyền thống. Bên cạnh đó, DN phát hành thường phải trả thêm phí tư vấn, phí bảo lãnh phát hành. Hai yếu tố này dẫn đến lãi suất vay vốn qua trái phiếu đắt hơn 1 - 2%/năm so với đi vay vốn ngân hàng trực tiếp.

Các DN lớn ưa chuộng sử dụng TPDN để huy động vốn dài hạn với khối lượng lớn, giảm áp lực trả gốc định kỳ để tập trung vào sản xuất - kinh doanh. Còn các ngân hàng ưa chuộng các DN lớn, có uy tín và có quan hệ tín dụng lâu năm với ngân hàng để tránh rủi ro.

“Nếu cộng thêm phí tư vấn và chi phí rủi ro, chi phí phát hành trái phiếu cho DN nhỏ sẽ rất đắt. Trong những trường hợp này, DN nên đi vay trực tiếp ngân hàng”, giám đốc đầu tư của một ngân hàng nói.

Cuối năm ngoái, CTCP Phát triển nhà Thủ Đức, vốn điều lệ khoảng 400 tỷ đồng, đã hủy phát hành trái phiếu sau khi tìm được ngân hàng cho vay, lý do là chi phí phát hành cao hơn chi phí vay trực tiếp.

Đặc biệt, trong tình cảnh các ngân hàng phải ưu tiên làm sạch bảng cân đối kế toán, cửa phát hành cho các DN vừa và nhỏ càng hẹp hơn. Cũng trong năm 2013, không ít DN vừa và nhỏ, trong đó có Công ty Du lịch Thiên Minh tiến hành chào bán trái phiếu, nhưng không thành công và đến nay vẫn chưa khởi động lại kế hoạch.

Ông Xuân Anh cho biết, trong những DN nhỏ tiếp cận Công ty từ đầu năm tới nay, có một số DN thất bại vì không có tài sản đảm bảo. Nhiều DN đã sử dụng hết tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng từ trước đó.

Mặt khác, thực tế trên tiếp tục đặt ra vấn đề mở rộng kênh huy động TPDN cho các DN vừa và nhỏ. Theo quy định hiện hành, DN muốn phát hành phải có lãi trong năm liền kề trước năm phát hành, đồng thời báo cáo tài chính phải được kiểm toán chấp nhận toàn phần. Hai yêu cầu này thậm chí bị nhiều thành viên thị trường trái phiếu coi là “không thể thực hiện được” đối với các công ty non trẻ.

Bản thân Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính tổng kết hồi đầu năm 2014 rằng, các DN phát hành trái phiếu chủ yếu là DN lớn của nền kinh tế và coi đó như một “điểm còn hạn chế” của thị trường TPDN.               

Tin bài liên quan