Phái sinh, cần bao nhiêu năm để khẳng định?

Phái sinh, cần bao nhiêu năm để khẳng định?

(ĐTCK) Sáng nay, SGDCK Hà Nội (HNX) phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) công bố mô hình, lộ trình phát triển hệ thống giao dịch và bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh. 

Đây là bước tiến mới trong quá trình định hình TTCK phái sinh tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 Việt Nam sẽ chính thức có thị trường này.

Diễn tiến xây dựng TTCK phái sinh, như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc thường trực HNX, là theo đúng tiến độ. TTCK phái sinh ra đời sẽ hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam và tạo thêm công cụ mới cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khảo sát từ thực tế cho thấy, TTCK phái sinh là khái niệm rất mới, nhất là nhà đầu tư cá nhân.

Thực tế này đặt ra một yêu cầu: nhà quản lý cần vừa phải hoàn thiện quy phạm pháp lý, hệ thống, cấu trúc thị trường, vừa cần đẩy mạnh việc đào tạo, truyền thông để kích hoạt sự quan tâm của công chúng đến một TTCK hoàn toàn mới.

Xây dựng TTCK phái sinh là để phục vụ nhà đầu tư, phục vụ nền kinh tế, nên nếu thu hút được “sức dân”, từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và nhiều chủ thể khác cùng tham gia, sẽ rút ngắn quãng thời gian “chập chững” ban đầu, đưa thị trường đến công chúng nhanh hơn.

Thị trường niêm yết, thị trường UPCoM đều cần khoảng 5 năm để công chúng, DN làm quen trước khi trở thành một hình thái thị trường phổ cập và hiệu quả, nhưng với TTCK phái sinh, HNX kỳ vọng sẽ không cần đến 5 năm. Có hai lý do cho kỳ vọng này. Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp quan tâm và chờ đợi TTCK phái sinh, để có thêm công cụ giảm thiểu rủi ro khi mà hiện nay, biện pháp duy nhất để giảm rủi ro cho danh mục đầu tư của họ là… bán.

Những ngày cuối quý, cuối năm, áp lực chốt sổ, chốt giá trị tài sản ròng khiến nhiều nhà đầu tư tổ chức dễ hành động một chiều, gây rủi ro cho chính nhà đầu tư và thị trường. Rủi ro được nhận diện ở chỗ: vào thời điểm chốt sổ, khi phải bán để ghi nhận kết quả trong kỳ, nhà đầu tư có thể sẽ mất khả năng mua lại lượng hàng đã bán/hoặc buộc phải bán đi những hàng hóa tốt, cần cho đầu tư lâu dài. Trong khi đó, TTCK có thể chịu ảnh hưởng giảm điểm, khi hành động này diễn ra cùng lúc ở nhiều nhà đầu tư.

Chủ động đào tạo kiến thức, đưa thị trường đến công chúng là lý do thứ hai để hy vọng TTCK phái sinh sẽ không cần quá 5 năm để định vị. Như chia sẻ của Chủ tịch HNX, TSKH Nguyễn Thành Long thì điều ông muốn làm là đưa chính sách vào cuộc sống nhanh hơn, đưa những sản phẩm phức tạp, khó hiểu trở nên dễ hiểu, dễ áp dụng, gần gũi với nhà đầu tư.

Nếu như năm 2007, nhà quản lý đã xây nên bản Điều lệ mẫu để các DN niêm yết căn cứ vào đó mà làm, thì nay, thị trường chờ đợi sự hướng dẫn cụ thể từ “những người mở đường” để có thể hiểu và tận dụng cơ hội từ TTCK phái sinh.

Tin bài liên quan