Sau gần 2 năm tranh chấp, 2 NĐT của DVSC vẫn chưa lấy lại được số tiền bị mất trong tài khoản

Sau gần 2 năm tranh chấp, 2 NĐT của DVSC vẫn chưa lấy lại được số tiền bị mất trong tài khoản

Phải quy rõ trách nhiệm của công ty chứng khoán

(ĐTCK) Góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về hành nghề chứng khoán thay thế Quyết định 15/2008 của Bộ Tài chính, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang xây dựng, một số ý kiến đề nghị dự thảo cần bổ sung quy định nhằm khắc phục tình trạng nhập nhèm trách nhiệm giữa CTCK và cá nhân hành nghề đang tồn tại khá “nóng”.

CTCK đẩy trách nhiệm cho cá nhân

Tranh chấp kéo dài đã 2 năm nay, nhưng trao đổi với ĐTCK hôm qua (7/5), NĐT Lê Thị Uyên - có mở tài khoản tại CTCK Đại Việt (DVSC) cho biết, vẫn chưa thể đòi được 300 triệu đồng mà cán bộ của DVSC tự ý rút khỏi tài khoản của bà.

Sự việc xảy ra vào giữa năm 2013, khi bà Uyên đến DVSC làm thủ tục rút 300 triệu đồng thì phát hiện toàn bộ số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của ông Đặng Kim Khoa, Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của DVSC, mặc dù bà không hề ủy quyền cho ông Khoa làm việc này.

Sau vụ việc này, một NĐT khác cũng mở tài khoản tại DVSC là ông Trần Ngọc Cường khi đến DVSC rút 600 triệu đồng cũng phát hiện toàn bộ số tiền này đã được “tự động” chuyển vào tài khoản của ông Khoa, dù ông Cường cũng không yêu cầu hay ủy quyền cho bất kỳ ai làm điều đó.

Sau khi phát hiện dấu hiệu cán bộ DVSC chiếm đoạt tiền, cả hai NĐT trên đã tìm gặp ông Khoa để làm rõ vấn đề, nhưng ông Khoa luôn tìm cách tránh mặt. NĐT đã liên hệ với lãnh đạo cao hơn của DVSC để giải quyết vụ việc, nhưng đến nay đã 2 năm trôi qua, 2 NĐT này vẫn chưa thể lấy lại được 900 triệu đồng.

Điều đáng nói là trong quá trình giải quyết tranh chấp với khách hàng, DVSC đã tìm cách đẩy trách nhiệm cá nhân cho ông Khoa và một số nhân viên khác…

Đây chỉ là một vụ việc điển hình cho tình trạng khá nhức nhối: mỗi khi xảy ra tranh chấp với khách hàng, CTCK tìm cách “phủi” trách nhiệm thông qua “chiêu thức” đẩy trách nhiệm cho các cá nhân hành nghề tại CTCK - đối tượng được ví như người “không có tóc”.

Đây là lý do khiến cho nhiều vụ tranh chấp kéo dài diễn ra thời gian qua, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, làm xói mòn niềm tin của NĐT vào CTCK. 

Nên định rõ trách nhiệm của CTCK

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ý kiến của NĐT, có lý do quy định pháp lý hiện hành còn “hở” trong việc phân định rạch ròi trách nhiệm giữa CTCK và các cá nhân hành nghề tại CTCK. CTCK đang sử dụng khoảng hở này để thoái thác trách nhiệm mỗi khi phát sinh tranh chấp với khách hàng.

Trong nhiều vụ tranh chấp với CTCK, điều khiến NĐT bức xúc là họ giao dịch với nhân viên CTCK, chứ không phải giao dịch với cá nhân người này. Nghĩa là nhân viên hành nghề tại CTCK đại diện cho CTCK giao dịch với khách hàng, không phải giao dịch với tư cách cá nhân.

Do đó xét về bản chất, khi xảy ra tranh chấp, CTCK phải có trách nhiệm giải quyết cho khách hàng, không thể đùn đẩy trách nhiệm cho cá nhân hành nghề tại CTCK có quan hệ giao dịch với khách hàng như từng xảy ra với không ít vụ việc thời gian qua.

Để giải quyết tồn tại “nóng” trên, các NĐT đề nghị, trong quá trình tiếp thu ý kiến các bên liên quan khi xây dựng dự thảo Thông tư quy định về hành nghề chứng khoán, thay thế cho Quyết định 15/2008 của Bộ Tài chính, UBCK cần bổ sung các quy định mới, nhằm phân định rạch ròi trách nhiệm giữa CTCK và cá nhân hành nghề tại CTCK, thay vì khi quy định về trách nhiệm của đơn vị sử dụng người hành nghề chứng khoán, dự thảo vẫn giữ nguyên các quy định hiện hành là: giám sát người hành nghề chứng khoán bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật; trong thời hạn hai ngày làm việc, đơn vị sử dụng người hành nghề chứng khoán có trách nhiệm thông báo với UBCK sau khi phát hiện người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán vi phạm quy định của pháp luật... Bởi các quy định này đã tỏ ra kém hiệu quả trong giải quyết tranh chấp giữa CTCK và khách hàng.

NĐT kiến nghị, quy định mới cần thể hiện rõ ràng quan điểm của cơ quan quản lý TTCK là: khi xảy ra tranh chấp giữa người hành nghề chứng khoán nhân danh CTCK thực hiện các giao kết với khách hàng, các CTCK phải có trách nhiệm trước tiên trong việc đứng ra giải quyết tranh chấp, chứ không được tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho cá nhân người hành nghề chứng khoán. Nếu CTCK đùn đẩy trách nhiệm mà dẫn đến gây thiệt hại cho khách hàng, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tin bài liên quan