Nếu VN-Index “thủng” 600 điểm, khả năng giảm sâu hơn có thể diễn ra

Nếu VN-Index “thủng” 600 điểm, khả năng giảm sâu hơn có thể diễn ra

Ông Trần Hoàng Sơn: Những phiên phục hồi có thể là bull-trap

(ĐTCK) Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán (MBS) cho rằng, khối nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ tăng bán ròng trong thời gian tới và thị trường chịu áp lực điều chỉnh không nhỏ.

Phiên hôm qua (24/5), VN-Index tăng điểm sau 4 phiên giảm điểm. Một số ý kiến cho rằng, đây là phiên phục hồi kỹ thuật. Quan điểm của ông như thế nào?

Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index tạo ra một “gap” (khoảng) tăng giá trong phiên 17/5 và 3 phiên sau, đó mẫu hình nến đã “lấp gap” bằng 3 nến giảm liên tiếp có dạng khá giống với mẫu hình Three Black Crows (báo hiệu xu hướng giá xuống).

Mức độ giảm có xu hướng nới rộng ra ở các nến cho thấy, áp lực giảm đang thắng thế và có thể tiếp diễn trong những phiên tới. Tín hiệu này cũng đang được củng cố bởi mẫu hình Gann khi vùng đỉnh hiện tại của VN-Index đang tiệm cận đường cung giao cắt của Gann, báo hiệu khả năng giảm điểm của chỉ số.

Hiện VN-Index đang có các vùng hỗ trợ ngắn hạn theo Fibonacci ở vùng 610 điểm và 600 điểm, MA20 tương ứng vùng 605 điểm. Do đó, nếu giảm về sát các vùng hỗ trợ này, nhiều khả năng chỉ số sẽ có các phiên hồi phục kỹ thuật.

Lưu ý, đó có thể là các phiên bull-trap (bẫy tăng giá) mà nhà đầu tư chưa bán được cổ phiếu với giá cao có cơ hội để chốt lời, giảm tỷ trọng trong danh mục. Trong trường hợp VN-Index “thủng” 600 điểm, khả năng giảm sâu hơn về các vùng hỗ trợ như 580 điểm hoặc 560 điểm có thể diễn ra và đây là vùng mua tiềm năng cho các nhịp sóng tiếp.

Ông Trần Hoàng Sơn: Những phiên phục hồi có thể là bull-trap ảnh 1

  Ông Trần Hoàng Sơn

Nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng trong vài phiên gần đây. Diễn biến này liệu có đáng lo ngại, theo ông?

Biên bản họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Hoa Kỳ (cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed) ngày 18/5 thể hiện khả năng nâng lãi suất sớm hơn kỳ vọng vào tháng 6 trong nội dung họp sắp tới của Fed, làm tăng thêm lo ngại về khả năng tăng lãi suất vốn đã xuất hiện trên cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu kể từ cuối tháng 4.

Lo ngại này đã thể hiện khá rõ qua diễn biến của chỉ số USD Index, tăng khá mạnh trong 2 tuần gần đây. Nếu điều này xảy ra thì thị trường có thể sẽ chấm dứt thời kỳ “êm đềm” trong 2 quý đầu năm và bước vào chu kỳ khó khăn hơn cho cả thị trường chứng khoán cũng như thị trường tiền tệ toàn cầu, nhất là khi đồng Nhân dân tệ đang có tín hiệu mất giá trở lại.

Goldman Sachs cũng tỏ rõ quan điểm lo ngại trong báo cáo gần đây (ngày 17/5) khi họ khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu và cầm tiền mặt. Theo quan điểm này, Goldman Sachs cho rằng, khi thị trường cổ phiếu đã ở mức định giá cao gần vùng đỉnh, tăng trưởng chậm lại, rủi ro chính trị, cùng với khả năng tăng lãi suất của Fed có thể khiến làn sóng bán cổ phiếu diễn ra. Tổ chức này cũng cho rằng, đà hồi phục ngắn hạn của các thị trường mới nổi là không bền vững.

Theo quan sát xu hướng dòng vốn ETF quốc tế, MBS nhận thấy, tuần vừa qua, các quỹ ETF rút vốn ra khỏi thị trường cổ phiếu Mỹ và các thị trường mới nổi với giá trị lần lượt là 4,42 tỷ USD và 1,21 tỷ USD. Diễn biến này khá sát với nhận định của Golman Sachs. Do đó, chúng tôi lo ngại, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục bán ròng trong thời gian tới và thị trường chịu áp lực điều chỉnh không nhỏ.

Một tín hiệu rõ nhất là danh mục của Quỹ Market Vector Vietnam ETF trong kỳ tái cơ cấu tháng 6/2016 được dự đoán là bán ra nhiều hơn mua vào và tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đây là một trong những áp lực tiềm tàng, ngoài áp lực bán rút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài khác khác (có thể là chứng chỉ đầu tư P-notes).

Một áp lực cung khác đến từ trong nước đó là số dư giao dịch ký quỹ toàn thị trường đang ở mức đỉnh mới và khả năng hạ đòn bẩy tài chính sẽ gia tăng áp lực cung ngắn hạn, nhất là khi VN-Index đang ở vùng điểm cao nhất trong năm.

Vậy ông có khuyến nghị gì với các nhà đầu tư trong giai đoạn này?

Vùng 605 - 610 điểm đang đóng vai trò là vùng hỗ trợ gần, vùng 627 - 630 điểm đóng vai trò là vùng kháng cự mạnh của VN-Index. Khuyến nghị chung của chúng tôi là nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và xem xét mua vào tại các mức hỗ trợ thấp hơn. Cụ thể, đối với nhà đầu tư có danh mục tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính, nên xem xét bán ra cổ phiếu trong những nhịp phục hồi kỹ thuật và hạn chế dùng đòn bẩy tài chính.

Đối với nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao và ưa thích “lướt sóng”, có thể xem xét mua trong những phiên giảm điểm, sát các vùng hỗ trợ mạnh và bán ra trong các phiên phục hồi kỹ thuật, ưu tiên nhóm cổ phiếu cơ bản tốt, vốn hóa lớn và thanh khoản cao.

Với nhà đầu tư dài hạn, có thể xem xét mua gom dần cổ phiếu cơ bản tốt, có chỉ tiêu EPS và cổ tức cao, ngành nghề có nhiều triển vọng, khi VN-Index xuống dưới 600 điểm.

Tin bài liên quan