Hai câu hỏi được Chủ tịch SSI đặt ra xuyên suốt cuộc thảo luận là: đánh giá về vai trò của TTCK Việt Nam và giải pháp nào để TTCK Việt Nam phát triển

Hai câu hỏi được Chủ tịch SSI đặt ra xuyên suốt cuộc thảo luận là: đánh giá về vai trò của TTCK Việt Nam và giải pháp nào để TTCK Việt Nam phát triển

Ông Nguyễn Duy Hưng: TTCK Việt Nam mới chỉ là một địa điểm để kiếm tiền

(ĐTCK) Khẳng định đóng góp quan trọng của TTCK trong 15 năm qua với nền kinh tế, nhưng các nhà quản lý, chuyên gia tham dự Hội thảo “Vai trò TTCK đối với nền kinh tế” tại Sở GDCK TP. HCM cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề phải xử lý để vai trò của TTCK rõ nét hơn, xứng tầm là kênh dẫn vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế.

Thị trường tài chính quá nghiêng về… ngân hàng

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) khẳng định, trong những năm qua, TTCK đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, TTCK còn hỗ trợ công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), hệ thống ngân hàng. Thông qua TTCK, từ năm 2005 đến nay, các ngân hàng thương mại đã huy động được hơn 232.000 tỷ đồng, làm tăng vốn điều lệ lên 272.600 tỷ đồng.

Theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, việc xây dựng và phát triển TTCK là một yêu cầu tất yếu trong 15 năm qua và yêu cầu này đặt ra với Việt Nam ngày càng cao hơn trong giai đoạn tới, khi nền kinh tế phải hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Chủ trương của Đảng là xây dựng một thị trường tài chính, thị trường vốn phát triển bền vững, nhằm hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế.

Đánh giá về vai trò của TTCK vốn đối với nền kinh tế, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng, nền kinh tế muốn phát triển, cần phát triển 3 thị trường trụ cột, gồm thị trường hàng hoá, thị trường dịch vụ và thị trường tài chính. Trong đó, thị trường tài chính bao gồm thị trường ngân hàng (cung ứng vốn ngắn hạn) và TTCK (cung ứng vốn trung và dài hạn).

Tuy nhiên, theo TS. Lịch hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam phần lớn là vốn ngân hàng, trong đó, vốn ngắn hạn chiếm tới 80% tổng vốn huy động. Vốn ngân hàng chiếm tỷ lệ 65% tổng cung vốn vào nền kinh tế, đó là chưa tính các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ - được phần lớn tổ chức tín dụng đầu tư, chiếm tới 90% là vốn tín dụng. Nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng phát hành cổ phiếu tăng vốn không thành công, thường chọn cách quay sang vay nợ ngân hàng hơn là phát hành chứng khoán nợ (trái phiếu).

Cũng theo TS. Lịch, lượng vốn ngân hàng đầu tư vào TTCK khá lớn, điều này dễ dẫn đến rủi ro bong bóng, tạo nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế. Do vậy, thu hút dòng vốn ngoài ngân hàng vào TTCK là yêu cầu bức thiết với Việt Nam hiện nay.

Đánh giá về tương quan giữa kênh huy động vốn ngắn hạn và dài hạn hiện nay, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, thị trường tài chính Việt Nam đang mất cân đối.

“Một nền tài chính chủ yếu dựa vào ngân hàng đã yếu kém, lại chủ yếu là vốn ngắn hạn thì càng rủi ro hơn”, ông Ngoạn nói và khẳng định thêm, nếu Việt Nam không cải cách thị trường tài chính, nhất là thị trường vốn thì khó duy trì được tốc độ tăng trưởng 6-7%/năm.

Ở vai trò người điều phối thảo luận, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI chia sẻ, muốn TTCK Việt Nam phát triển thì thị trường đó phải trở thành nơi giữ tiền của dân chúng.

“Hiện nay, TTCK Việt Nam mới chỉ là một địa điểm để kiếm tiền, chứ không phải là nơi giữ tiền, khi nào TTCK trở thành nơi giữ tiền an toàn thì lúc ấy mới phát triển”, Chủ tịch SSI nói và cho rằng, để làm được điều này, cần nhiều sự nỗ lực.

Trước hết, các DN trên sàn phải minh bạch, phải lành mạnh, cùng với đó, việc cổ phần hóa DNNN phải được định hướng sao cho thu hút các nguồn tiền dài hạn, còn nếu dùng vốn vay ngân hàng, vốn ngắn hạn mua cổ phiếu DNNN cổ phần hóa hay tham gia vào TTCK, thị trường dài hạn là đi ngược quy luật. 

“Trục trặc” trên chặng đường phát triển

Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng, TTCK Việt Nam hoàn toàn có để đạt giá trị vốn hóa 200 tỷ USD, bằng 100% GDP, chứ không phải chỉ có 57 tỷ USD, tức là khoảng 32% GDP như hiện nay. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có sự không nhất quan về quan điểm, tư tưởng được thể hiện rõ qua phát triển của TTCK và cổ phần hóa DNNN.

Đứng dưới góc độ Nhà nước thì mục tiêu CPH là để đổi mới quản trị giúp DN hoạt động hiệu quả, tạo nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, lấy ví dụ từ cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) cho thấy có sự “dùng dằng” nghiêm trọng khi Nhà nước vừa muốn quản lý ngân hàng, cũng vừa muốn tham gia kinh doanh.

“Khi định cổ phần hóa VCB, Nhà nước muốn thực hiện theo một chuẩn mực chung là bán cho NĐT nước ngoài trước rồi mới đấu giá công khai để các NĐT trong nước tham gia. Tuy nhiên, thị trường lúc đó đang nóng, NĐT nước ngoài đưa mức giá thấp (40.000 đồng/CP), trong khi giá thị trường đẩy lên đến 100.000 đồng/CP. Do vậy, Nhà nước quyết định đổi cách làm, bằng cách chào bán đấu giá ra công chúng trước, tìm kiếm NĐT chiến lược sau. Giá IPO của VCB rất cao, nhưng chỉ 1 năm sau đó, giá cổ phiếu này đã rớt khoảng 70% và hiện nay lại dần trở về mức giá ban đầu nhà đầu tư nước ngoài đã xác định”, ông Du nói.

Chính sự không nhất quán khi cổ phần hóa, về mục tiêu cuối cùng của cổ phần hóa là gì, đã khiến nhiều DN chậm bước tiến, thị trường vốn chậm bước tiến trong thời gian qua.

Theo Chủ tịch SSI, xây dựng thị trường lành mạnh mục đích cuối cùng vẫn là để đảm bảo quyền lợi cho NĐT, bao gồm khả năng sinh lời và sự an toàn của đồng vốn. Trong đó, khả năng sinh lời phụ thuộc vào chính sách thuế, lãi suất, tìm kiếm các cơ hội… còn sự an toàn lại phụ thuộc sự an toàn của hệ thống kinh tế, xã hội.

“Việt Nam là một trong ít quốc gia đánh thuế vốn, tức khi đầu tư vốn vào sản xuất - kinh doanh thì bị đánh thuế, trong khi chúng ta duy trì lãi suất thực dương và không đánh thuế tiền gửi”.

Đây là một bất cập cần xử lý để thị trường vốn phát triển song song với thị trường tiền tệ, tạo điều kiện và khuyến khích các người dân có tiền dài hạn sẽ tham gia đầu tư, chứ không phải chỉ có cách gửi ngân hàng. 

Thiếu hụt nguồn cung chất lượng

TTCK Việt Nam có quy mô vốn hoá thấp khi hầu hết DN niêm yết có quy mô nhỏ. Việc đưa ra thị trường một lượng cung lớn cổ phiếu từ việc CPH DNNN đang được kỳ vọng sẽ cải thiện vấn đề này, tuy nhiên, nhìn vào kết quả cổ phần hóa DNNN trong những năm qua đều không đạt được kế hoạch đề ra, nhiều DN thậm chí “ế” tới 90% số cổ phần chào bán.

Nhiều diễn giả cùng cho rằng, DNNN đang sở hữu cơ sở vật chất, nhân lực mạnh, vậy cần tính toán lại để làm sao nguồn lực xã hội được sử dụng hiệu quả nhất. Là DNNN đầu tiên tại TP. HCM thí điểm cổ phần hóa và thành công vượt trội sau cổ phần hóa, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE) bày tỏ quan điểm, nếu cổ phần hóa mà giữ lại trên 51% thì không thể thay đổi quản trị DN, nhiều vấn đề vẫn bị chi phối bởi yếu tố Nhà nước.

Chia sẻ vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Trọng Dũng cho rằng, Chính phủ đã có quan điểm, cổ phần hóa DNNN không phải chủ yếu là thu hồi vốn mà là chuyển DNNN từ một chủ sở hữu thành nhiều chủ sở hữu, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước trước đây… “Khi DN phải năng động hơn, phải nâng sao sức cạnh tranh và hiệu quả của chính mình thì nền kinh tế cũng sẽ tăng sức cạnh tranh và hiệu quả”, ông Dũng nói.

Điểm quan trọng mà ông Dũng chia sẻ là việc Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo danh sách các lĩnh vực, DN mà Nhà nước cần nắm giữ 100% cổ phần hoặc nắm cổ phần chi phối trên 65%. “Ngoài danh sách này ra, tức là với các DNNN khác, Nhà nước đã không cần phải sở hữu lớn thì sẽ không cần sở hữu, tức là có thể bán ra thị trường toàn bộ để tạo sự phát triển chủ động cho các DN sau cổ phần hóa”, ông Dũng nói.

Để TTCK phát triển song song với thị trường tiền tệ, trở thành kênh dẫn vốn chủ yếu trong nền kinh tế còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, Hội thảo khép lại với sự đồng thuận về quan điểm của các lãnh đạo đầu ngành rằng, Việt Nam không thể có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững nếu bức tranh thị trường tài chính quá lệch về thị trường tiền tệ.

Chủ tịch Ủy ban Các dịch vụ tài chính Nhật Bản trong phát biểu mới đây tại Việt Nam đã chia sẻ, Nhật Bản đã mất 15 năm để xử lý khủng hoảng từ việc phát triển nền kinh tế dựa quá nhiều vào tài trợ vốn từ ngân hàng. Bài học cho Việt Nam cũng như những nước đi sau là cần phát triển  TTCK lành mạnh để kích thích kênh tài trợ vốn trực tiếp, hỗ trợ nền kinh tế phát triển lành mạnh.    

Ông Nguyễn Duy Hưng: TTCK Việt Nam mới chỉ là một địa điểm để kiếm tiền ảnh 1

TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM

Thị trường tài chính phát triển trên hai trụ cột chính là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Đến nay, thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn đóng vai trò chủ đạo và quan trọng trong việc huy động vốn cho cả nền kinh tế, trong đó, các ngân hàng và tổ chức tín dụng giữ vị trí then chốt.
Tổng vốn huy động bình quân hàng tháng năm 2014 của các ngân hàng và tổ chức tín dụng đạt khoảng 4,7 triệu tỷ đồng, cung ứng khoảng 3,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Các số liệu cho thấy, cán cân huy động vốn hiện nay giữa thị trường tiền tệ và TTCK đang nghiêng về thị trường tiền tệ.

TTCK cần được nhìn nhận với đúng vai trò của mình là kênh huy động vốn trung và dài hạn chính và chủ yếu cho phát triển kinh tế, nơi kết nối giữa nhu cầu huy động vốn dài hạn với nhu cầu đầu tư dài hạn, là nơi cung cấp các cơ hội đầu tư khác nhau, đa dạng hóa sở hữu cũng là nơi hội nhập quốc tế và thực thi các chính sách phát triển của Nhà nước và Chính phủ.

Tin bài liên quan