8 ngân hàng niêm yết là những cổ phiếu dẫn dắt TTCK nhưng vẫn khó thu hút vốn ngoại khi bị hạn chế bởi room

8 ngân hàng niêm yết là những cổ phiếu dẫn dắt TTCK nhưng vẫn khó thu hút vốn ngoại khi bị hạn chế bởi room

Ông Andy Ho: "Nới room ngân hàng, con đường tất yếu"

(ĐTCK) Tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước được mở lên mức tối đa 100% sẽ là yếu tố giúp Việt Nam tăng thanh khoản thị trường chứng khoán, đồng thời giúp doanh nghiệp nội có cơ hội hút vốn ngoại lớn hơn.

Đối với ngân hàng, lĩnh vực mà Chính phủ luôn rất thận trọng, nếu muốn thu hút được vốn ngoại, cũng cần phải tăng room so với hiện nay.

Nới room - thị trường sẽ thay đổi về chất…

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 60/NĐ-CP ngày 26/6/2015, trong đó có quy định việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Động thái này sẽ tác động thế nào đến TTCK Việt Nam?

Theo thống kê, do những quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ tham gia khoảng 15% trong tổng giá trị giao dịch mỗi phiên trên TTCK Việt Nam, số còn lại phụ thuộc vào các nhà đầu tư trong nước, vốn chủ yếu dùng vốn vay ký quỹ (margin) để đầu tư. Khi dòng tiền ký quỹ thay đổi, nhà đầu tư sẽ có những phản ứng tiêu cực, gây tác động xấu lên thị trường.

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư nước ngoài được hiện diện nhiều hơn, những hạn chế trên sẽ dần được giải quyết. Về dài hạn, TTCK Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn, bởi mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng hạng thị trường từ Frontier Market (thị trường sơ khai) lên Emerging Market (thị trường mới nổi), tạo tiền đề cho việc thu hút thêm nhiều dòng tiền từ các công ty quản lý quỹ toàn cầu.

Việc nới room sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất châu Á. Hiện trên sàn chứng khoán tập trung, đã có 8 ngân hàng đưa cổ phiếu lên niêm yết (VCB, CTG, MB, ACB, SHB, STB, EIB, BID), những cổ phiếu này chiếm tỷ lệ vốn hóa lớn trên sàn, được xem là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường, được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Thế nhưng, giới hạn sở hữu 30% là rào cản đối với họ.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như thúc đẩy doanh nghiệp sau IPO đưa cổ phiếu lên giao dịch tập trung hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán; bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; tạo điều kiện cho các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), đặc biệt là trong các lĩnh vực tăng trưởng cao như thực phẩm, đồ uống, cơ sở hạ tầng… Dù vẫn được xem là lĩnh vực nhạy cảm, nhưng một khi Việt Nam đã mở cửa, hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, việc mở “room” đối với lĩnh vực ngân hàng là yêu cầu tất yếu.

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi các ngân hàng Việt Nam đang cần thu hút nguồn vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh tái cấu trúc và nâng cao sức cạnh tranh thì việc nới thêm room sẽ là cơ hội tốt cho các nhà băng.

Được biết, hiện một số ngân hàng đã có đề nghị lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin được tăng room cho khối ngoại. Không chỉ các nhà băng yếu kém, nhiều ngân hàng lớn (Vietcombank, Vietinbank, BIDV) cũng đã có kiến nghị cần có lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thêm từ 10-20%. Theo đó, tháng 4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM Việt Nam lên trên mức trần 30% như hiện nay, nhưng điều đó còn khó khăn và chưa thể thực hiện trong một sớm, một chiều.

Ông Andy Ho: "Nới room ngân hàng, con đường tất yếu" ảnh 1

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital 

Trên thực tế, trong thời điểm ngành ngân hàng đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, một số nhà băng quy mô nhỏ hoặc hoạt động yếu kém muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chưa có thương vụ nào thành công. GBank là 1 trường hợp trong số đó, trước khi phải bán lại với giá 0 đồng cho NHNN, nhà băng này đã đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài để bán 100% vốn, nhưng bất thành.

Một trong những lý do khiến cho nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam hiện nay chính là do room ngoại vẫn bị hạn chế. Bởi khi room còn dưới mức 50%, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó để có “tiếng nói” quyết định trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động của ngân hàng.

Điều này đã được chứng minh trên thực tế, một số ngân hàng Việt Nam đã có cổ đông chiến lược nước ngoài chiếm tỷ lệ 20%, song tiếng nói của họ chưa có tính quyết định. Do đó, các nhà đầu tư ngoại luôn tìm hiểu rất kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ vốn vào ngân hàng Việt. 

… và “mở cửa” xử lý nợ xấu

Thực tế cho thấy, ngay cả trong giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn không ngừng tìm đường vào ngân hàng nội. Nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu chính là cơ hội tốt để các nhà đầu tư ngoại đầu tư vốn mua lại ngân hàng Việt.

Thế nhưng, đến nay, sau hơn 4 năm ngành ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh công cuộc tái cơ cấu, số nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) xử lý mới dừng ở mức hơn 200.000 tỷ đồng (gần 10 tỷ USD), tương ứng 10 - 15% tổng số nợ xấu cần phải giải quyết. Trong khi đó, Việt Nam chưa thể thành lập được thị trường mua - bán nợ để thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Khi nhà đầu tư nước ngoài được mua - bán nợ, cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ sở hữu các khoản nợ xấu, nhưng hiện luật pháp của Việt Nam chưa cho phép.

Một trong những lý do khiến cho nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam hiện nay chính là do room ngoại vẫn bị hạn chế.

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã được kéo giảm về dưới 3% vào tháng 9/2015 và đến nay, các ngân hàng vẫn đang ra sức xử lý. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách của Việt Nam.

Tại Mỹ, khi các khoản nợ vay của khách hàng trở thành nợ xấu, ngân hàng có thể đấu giá, niêm yết, phong tỏa tài sản đảm bảo để thu hồi được nợ sớm nhất. Song điều này quá khó để thực thi tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Các ngân hàng Việt đã “làm đẹp” sổ sách khi đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC trong hơn 4 năm qua, nhưng hàng năm, họ vẫn phải trích lập những khoản dự phòng rủi ro lớn.

Như vậy, trong suốt thời gian trên, tổng dự phòng rủi ro đã trích của các ngân hàng bù đủ cho khoản nợ xấu, thì khoản nợ đó dù có thu hồi được hay không cũng không còn ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Thế nhưng, các cổ đông của nhà băng phải chịu thiệt trong nhiều năm liền vì không nhận được lợi tức khi đầu tư, cho dù khủng hoảng đã đi qua, khó khăn của ngân hàng giảm dần. Do vậy, cần sớm có cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào việc mua -bán nợ của thị trường Việt Nam, trước mắt là để xử lý đống nợ xấu khổng lồ mà VAMC đã “mua” được từ các ngân hàng sau quá trình tái cơ cấu vừa qua.

Mặt khác, một khi mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ, thì yếu tố then chốt vẫn là giá cả mà VAMC sẽ bán lại các khoản nợ có hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hay không? Vì thời gian qua, VAMC đã mua nợ xấu của các ngân hàng với giá khá cao, mức chiết khấu chỉ dưới 10%, nên để bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao hơn là không hề dễ dàng.

Thông thường, việc mua nợ thường được mua với giá hợp lý hoặc giá rẻ, sau đó mới dễ dàng bán lại. Trong khi VAMC thời gian qua đã mua nợ xấu với giá trị khoảng 80 - 90% giá trị thực, đó không thể nói là mua nợ xấu mà là mua một tài sản bình thường. Như vậy, sau khi thị trường mua - bán nợ được hình thành, nếu VAMC bán lại nợ xấu giá cao thì cũng chưa chắc đã hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ hội tăng trưởng đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam được các tập đoàn tài chính nước ngoài đánh giá cao và xem đây là cơ hội để rót vốn đầu tư. Nhưng nếu vấn đề nợ xấu của Việt Nam không được đẩy mạnh xử lý thì sẽ lại là rào cản nữa đối với nhà đầu tư ngoại, bên cạnh việc hạn chế về room.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, các TCTD Việt Nam đã nỗ lực cải tổ, thực hiện tái cơ cấu toàn diện nên thanh khoản của toàn hệ thống đã được cải thiện rõ rệt và hiện quá trình tiếp tục được đẩy mạnh để hệ thống lành mạnh hơn nữa, song nợ xấu vẫn luôn là mối lo lớn. Bởi nếu sau 5 năm không được xử lý, nợ xấu sẽ quay lại trên bảng cân đối tài sản của các nhà băng.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital
Tin bài liên quan