Với cuộc chiến cạnh tranh thị phần phân phối xe hơi, 
doanh số tăng chưa hẳn đã đi kèm với lợi nhuận của các hãng

Với cuộc chiến cạnh tranh thị phần phân phối xe hơi, doanh số tăng chưa hẳn đã đi kèm với lợi nhuận của các hãng

Ô tô Hàng Xanh (HAX): Nhà đầu tư bị “úp sọt”?

(ĐTCK) Giao dịch hào hứng trước thông tin doanh số bán hàng quý II tăng mạnh, nhà đầu tư cổ phiếu HAX của CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh sau đó lại ngơ ngác chứng kiến phiên giảm sàn gần như không có thanh khoản khi doanh nghiệp này công bố lỗ. Điều gì đang xảy ra với HAX?

Diễn biến giá bất ngờ

Phiên giao dịch ngày 19/7/2017, cổ phiếu HAX giảm sàn, với chỉ hơn 50.000 cổ phiếu được khớp lệnh. Đây là phiên giảm sàn đầu tiên của HAX tính từ đầu năm tới nay.

Nhìn lại diễn biến giá của cổ phiếu HAX từ đầu năm đến nay, có thể thấy, cổ phiếu này có lúc tăng vượt 100% nhờ thông tin tích cực về lượng xe tiêu thụ, doanh thu tăng đột biến.

Phiên giao dịch đầu năm 2017, giá tham chiếu của HAX là 41.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giá quy đổi sau khi hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10:6 tính đến thời điểm này là 25.630 đồng/cổ phiếu.

Phiên giao dịch ngày 22/6, HAX đã có lúc chạm ngưỡng 53.700 đồng/cổ phiếu, đóng cửa phiên ở mức 52.600 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng giá trên 100%.

Thế nhưng, bất chấp sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào số lượng bán xe tăng đột biến trong quý II, Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh ra báo cáo kết quả kinh doanh lỗ trong quý này.

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng của Công ty cho thấy, trong quý II/2017, doanh thu của Công ty đã tăng đột biến lên mức gần 1.035 tỷ đồng, so với con số gần 853 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nhờ kết quả này, tổng doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm nay đã tăng lên mức 1.814 tỷ đồng, tăng gần 40% so với nửa đầu năm 2016.

Doanh thu bán hàng tăng mạnh, nhưng tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu tăng và chi phí bán hàng cũng tăng mạnh, khiến HAX ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động sản xuất - kinh doanh 6 tháng là 26 tỷ đồng.

Nhờ thu nhập khác (bao gồm khoản thưởng doanh số theo chương trình của Mercedes Benz Việt Nam) phát sinh trong quý I/2017, Công ty vẫn lãi hơn 19 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm, dù quý II lỗ 7,2 tỷ đồng.

Nhà đầu tư bị “qua mặt”?

Giải trình của HAX về kết quả kinh doanh quý II cho thấy, nguyên nhân lỗ của Công ty chủ yếu đến từ áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường ô tô; chi phí lãi vay tăng do hàng tồn kho lớn và áp lực chịu cắt lỗ những mẫu xe có cải tiến thế hệ mới… Nhưng, đó mới chỉ là một nửa câu chuyện.

Xem xét kỹ báo cáo tài chính quý I/2017 của HAX, có thể thấy, Công ty có thể đã báo lỗ trong quý này, nếu dòng tiền thưởng doanh số từ Mercedes Benz Việt Nam không về kịp. Lỗ thuần hoạt động của HAX quý I là gần 11,8 tỷ đồng, còn thu nhập từ thưởng là 45 tỷ đồng. Quý II, dù doanh số tăng, nhưng khoản thưởng của HAX chỉ là hơn 5 tỷ đồng.

Vậy, đâu là căn cứ cho khoản thưởng này?

Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, khoản thưởng từ Mercedes Benz Việt Nam được tính trên cơ sở số lượng xe mà nhà phân phối bán được trong kỳ. Hoàn thành lượng xe được bán (với nhiều tiêu chí đi kèm như: đủ số lượng xe các dòng, chất lượng phục vụ, phản hồi khách hàng…) thì nhà phân phối được thưởng 2% doanh số.

Tỷ lệ thưởng có thể sẽ cao hơn tùy theo chấm điểm nhà phân phối theo các tiêu chí. Đặc biệt, khoản thưởng này sẽ được tính chủ yếu 2 lần trong năm, vào quý I và quý III hàng năm và nằm ngoài phần chiết khấu giá (khoảng 3% doanh thu).

Như vậy, nói một cách dễ hiểu thì khoản thưởng doanh số mà HAX đạt được trong quý I là do nguồn thu từ nửa cuối năm 2016 để lại và khoản thu nhập thực sự của HAX trong nửa đầu năm 2017 sẽ đến vào quý III/2017.

Khoản chiết khấu xấp xỉ 3% doanh số bán từ hãng cho HAX trên thực tế đã được Công ty chiết khấu lại cho khách hàng và bù đắp cho các chi phí bán hàng, chi phí hoạt động… nên có thể hiểu doanh số càng tăng trưởng, HAX càng có những quý bị lỗ đột biến như trên.

Ngoài dòng thu nhập được phản ánh một cách không liên tục từ hoạt động bán xe, nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cho hay, HAX còn có thể có thêm nguồn thu nhập từ hỗ trợ chi phí lãi vay phát sinh trong năm, nếu đạt yêu cầu về lượng xe bán và lượng hàng tồn kho. Hiện tại, chi phí này được tính vào chi phí phát sinh trong năm.

Như vậy, với đặc thù hoạt động của HAX, nhà đầu tư nếu đánh giá theo con số lợi nhuận, phải chờ đợi vào quý I và III hàng năm của doanh nghiệp. Đây là rủi ro cho các nhà đầu tư thích giao dịch dựa trên báo cáo lợi nhuận đơn thuần, mà không hiểu đặc trưng ngành nghề.

Với đặc tính này, nhà đầu tư HAX bị dẫn dụ hết từ câu chuyện này qua câu chuyện khác,  bị mua giá cao khi thấy lợi nhuận quý đột biến mà không hiểu rằng, đó là lợi nhuận tích lũy của các quý trước. Để rồi có thể họ lại bán cắt lỗ cổ phiếu khi không biết rằng lợi nhuận thực tế của Công ty có thể sẽ lớn hơn con số công bố.

Áp lực lớn từ cạnh tranh

Nếu không đạt được khoản thưởng doanh số, HAX bị lỗ. Thế nhưng, để đạt được khoản thưởng doanh số, thì Công ty không chỉ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh kinh doanh dòng xe khác (vốn cũng đang hạ giá mạnh) mà phải cạnh tranh ngay với chính các doanh nghiệp trong nhóm phân phối xe Mercedes Benz tại Việt Nam.

Hiện trên thị trường, có ba doanh nghiệp chính phân phối xe Mercedes Benz, trong đó Vietnam Star là nhà phân phối lớn nhất, với khoảng 40% thị phần. Hai nhà phân phối còn lại, chiếm khoảng 30% thị phần mỗi bên là An Du và Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh.

Một chuyên gia phân tích đã có nhiều năm theo dõi mảng phân phối ô tô cho biết, năm 2016, thị phần của An Du có sự sụt giảm nhẹ, khiến nhà phân phối này đẩy mạnh các chương trình xúc tiến bán hàng vào đầu năm nay. Doanh số của An Du trong phân phối Mercedes Benz dòng C đã tăng lên rất nhanh, khiến hai nhà phân phối còn lại phải chạy theo các chương trình khuyến mãi, kích cầu và thu hút khách hàng để đạt chỉ tiêu điểm thưởng.

Đây chính là lý do khiến chi phí bán hàng của HAX đã tăng lên rất nhanh trong nửa đầu năm (chiếm 2,26% doanh số), gần như chiếm hết phần thu nhập từ chiết khấu giá bán trực tiếp của hãng, trong khi nửa đầu năm 2016, con số này là 1,6%. Vì yếu tố này, không có khoản thưởng doanh số, HAX sẽ bị lỗ.

Không chỉ chịu áp lực chi phí bán hàng lớn, HAX với việc đầu tư mở rộng hệ thống bán hàng cũng dẫn tới tăng một loạt chi phí, bao gồm chi phí khấu hao do đầu tư tài sản cố định và chi phí lãi vay cho mua xe.

6 tháng đầu năm nay, số dư hàng tồn kho của HAX đã tăng lên mức 610 tỷ đồng, tăng gần 57% so với đầu năm nay là 389,6 tỷ đồng. Tăng mạnh hàng tồn kho, nhưng vốn thấp, nên HAX đã phải hạch toán chi phí lãi vay tới hơn 14 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2016 là 4 tỷ đồng. Tương tự, chi phí khấu hao của HAX cũng đã tăng lên mức 13,56 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần nửa đầu năm 2016 là 6,4 tỷ đồng.

Tiêu thụ xe Mercedes Benz tại Việt Nam tăng lên, mở ra cơ hội cho các hãng phân phối. Thế nhưng, với cuộc chiến cạnh tranh thị phần, doanh số tăng chưa hẳn đã đi kèm với lợi nhuận của các hãng.

Đó có thể là câu chuyện chung của cả hai nhà phân phối ô tô Mercedes Benz còn lại, khi cuộc chiến khuyến mãi, giảm giá, quà tặng… cho khách hàng để đảm bảo yêu cầu đủ doanh số tối thiểu các dòng xe liên tục tăng.

HAX có thể sẽ ghi nhận lãi lớn trong thời gian tới, nhưng để đạt được lợi nhuận cao một cách bền vững, thì rào cản trước mắt sẽ còn rất nhiều.

Tin bài liên quan