Nút thắt thị trường và những vấn đề đặt ra

(ĐTCK-online) Thúc đẩy cổ phần hóa và phát hành ào ạt cổ phiếu ra công chúng (IPO) thì lại làm cổ phiếu giảm giá, ảnh hưởng đến thu ngân sách. Giữ TTCK ảm đạm và các cổ phiếu giảm giá liên tục như hiện nay mà có người cho là an toàn thì lại ảnh hưởng đến việc lên sàn của các công ty chuẩn bị niêm yết, ảnh hưởng đến tốc độ cổ phần hoá và kết quả của các đợt đấu giá IPO. Vậy đâu là giải pháp? Trước hết, phải xem lại các quan niệm cũ.

VN-Index bao nhiêu là cao?

Trong năm 2001, khi VN-Index lên trên 500 điểm, UBCKNN đã cho là cao và áp dụng mọi biện pháp (kể cả biện pháp hành chính) để kéo nó xuống. Nhưng đầu năm nay, VN-Index lên trên 1.000 điểm, thế thì mức trên 500 điểm kia có gọi là cao không? Có sợ bong bóng hay mất an toàn không? Chỉ bằng thực tế này cũng đủ để các nhà quản lý phải xem lại lối nghĩ của mình.

Giảm nhiệt TTCK có khó không?

Câu trả lời là không khó và hoàn toàn khả thi. Một chân lý đơn giản là khi giá hàng cao (cung ít hơn cầu) thì người ta đưa thêm hàng vào. Hàng thì Nhà nước không thiếu, một loạt công ty blue-chip với lượng cổ phiếu Nhà nước nắm giữ trên dưới 50% đã có sẵn, nếu chưa chuẩn bị kịp các đợt phát hành IPO thì có thể ứng cứu ngay lập tức. Nhà nước vừa tăng thu cho ngân sách mà lại không ảnh hưởng tới tỷ lệ nắm giữ cổ phần chi phối trong những công ty thuộc các lĩnh vực đặc biệt. Nhưng điều này lại đụng chạm đến quyền lợi cục bộ từng ngành. Vậy thì Chính phủ phải đứng ra giải quyết.

Còn "cấp nhiệt" TTCK có khó không?

Hẳn chúng ta còn nhớ đến câu chuyện con trâu và cái cày. Vì sốt ruột cày cho xong đám ruộng của nhà mình mà người nông dân đẽo cày to ra, trong khi không chú ý đến sức kéo. Kết cục là, ruộng không những không cày xong mà con trâu vì quá sức, đã bị ngã gục. Vậy là vấn đề đã rõ: anh nông dân không được sốt ruột, không sợ tốn kém, mất thời gian, mà phải vực con trâu lên trước đã. Trên TTCK cũng vậy. Để chống thất thu cho ngân sách khi thực hiện IPO, Chính phủ phải vực TTCK lên đã. Vừa rồi Chính phủ đã có động thái rất tích cực là dãn tiến độ IPO ra (xếp lịch mỗi tháng chỉ để một đại gia thực hiện IPO) tránh đổ hàng ào ạt lên TTCK làm giá cổ phiếu tụt nhanh. Đây là một biện pháp rất tích cực nhưng chưa đủ. Sau khi có thông tin trên, TTCK vẫn trên đà suy giảm. Đặc biệt là đúng vào phiên giao dịch ngày 2/7, ngày Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực thì VN-Index tụt thảm hại, hơn 30 điểm, rời khỏi ngưỡng tâm lý 1.000 điểm đang cầm cự. Các nhà đầu tư đều cho rằng, đây không phải là một sự tình cờ ngẫu nhiên mà hiện tượng này khiến mọi người giật mình nhớ đến cú sốc năm 2001 khi mà UBCKNN ra quyết đinh mỗi người chỉ được mua mỗi lần 2.000 cổ phiếu. Chính quyết định này đã đẩy TTCK xuống dốc mà 3 năm sau mới gượng dậy được.

Muốn TTCK hồi phục và lấy lại khí thế của quý I/2007, thì phải bắt đầu xử trí  nguyên nhân trực tiếp này. Ngân hàng Nhà nước phải tìm giải pháp khác hay phải sửa đổi lại Chỉ thị 03. Khống chế cho vay đầu tư chứng khoán của một ngân hàng dưới 3% tổng dư nợ - con số quá cẩn trọng này chưa đặt lợi ích toàn cục lên trên, đã gây nhiều khó khăn cho TTCK, cho phát hành IPO của Chính phủ và làm thất thu cho ngân sách.

Giải pháp thứ hai là thay đổi tỷ lệ nắm giữ của nhà ĐTNN, 49% đối với các công ty ngoài ngành ngân hàng và 30% đối với các NHTMCP hiện nay. Điều này cũng phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Chúng ta phải nghiêm túc xem lại quy định quá lâu trên có còn phù hợp không và khi thay đổi thì (có thể không tăng ngay đến 100%) có nguy hại gì cho nền kinh tế hay không? Qua thực tế, chúng ta đã biết đến vai trò quan trọng của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam . Nhiều đợt hồi phục của thị trường không ngoài việc nhà ĐTNN đẩy mạnh mua vào. Việc này chắc chắn sẽ gặp phải nhiều chống đối và phải là cấp Chính phủ mới làm được.

Dự thảo đánh thuế thu nhập kinh doanh chứng khoán tới 25% tuy chưa ra đời, nhưng ít nhiều đã làm cho nhà đầu tư nản lòng. Hiện nó mới đang trong giai đoạn lấy ý kiến, nhưng đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt trong dư luận. Vậy thì nếu nó được thông qua, chắc chắn mức tác động sẽ mạnh hơn "quyết định 2000" nhiều (quyết định mỗi nhà đầu tư chỉ được mua 2.000 cổ phiếu/phiên). Ai có dám chắc TTCK Việt Nam không bị suy sụp? Vậy chúng ta phải làm gì?

Ngoài những cố gắng trên thì các yếu tố hỗ trợ cũng không kém phần quan trọng. Đó là sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay. Đó là kết quả kinh doanh quý III/2007 của các công ty, cả niêm yết lẫn chuẩn bị IPO. Sắp tới, nước ta diễn ra một sự kiện rất quan trọng, đó là khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII, kỳ họp lựa chọn ra một Chính phủ mạnh, trong sạch, đủ sức điều hành đất nước. Hy vọng, các vấn đề trên sẽ được giải quyết nhằm tạo thế và lực để TTCK phát triển lành mạnh và bền vững.